Nhà báo nữ hàng đầu Việt Nam 90 năm trước

18/06/2011 23:11 GMT+7

Bà xuất hiện như một nhà báo nữ ở giai đoạn đầu tiên của nền báo chí nước nhà, và là một trong những cây bút hàng đầu của làng báo Việt Nam thuở ấy...

Bà Đạm Phương Nữ Sử tên thật là Công Nữ Đồng Canh, là cháu nội vua Minh Mạng. Bà sinh năm 1881, mất năm 1947. Xuất thân quyền quý, năm 20 tuổi bà được vời vào cung vua để dạy các công chúa và cung nữ học tập, nhưng sự nghiệp của người phụ nữ kiệt xuất này không dừng ở đó.

Trong cả sự nghiệp khá dài và đặc biệt phong phú của mình, bà Đạm Phương đã xuất hiện như một nhà báo nữ ở giai đoạn đầu tiên của nền báo chí nước nhà, và là một trong những cây bút hàng đầu của làng báo Việt Nam thuở ấy. Nếu bài báo đầu tiên của bà Đạm Phương được đăng trên Tạp chí Nam Phong (Hà Nội) tháng 7.1918, thì trong suốt hơn một thập niên - từ năm 1918 tới 1929 - bà đã viết hơn 200 bài báo cho những tờ báo hiếm hoi lúc đó như Trung Bắc tân văn, Thực nghiệp dân báo, Hữu Thanh, Lục tỉnh tân văn. So với thời bấy giờ, đó là một sự nghiệp báo chí đồ sộ.

 
Bà Đạm Phương

Tôi đặc biệt chú ý những bài báo của bà Đạm Phương viết theo thể bình luận, kiểu như “Chào buổi sáng” hay “Tiêu điểm” ở các tờ báo hôm nay. Ở những bài báo ấy, kiến văn rộng rãi, tư tưởng sâu sắc đôi khi mạnh mẽ, và lối hành văn khúc chiết mang đậm tính báo chí đã được bà Đạm Phương thể hiện một cách xuất sắc.

Có những bài bà viết từ năm 1921, năm nay vừa tròn 90 năm, giờ đọc lại vẫn “vào”, cứ như bài báo mới viết ngày hôm nay. 90 năm qua, ngôn ngữ Việt đã thay đổi rất nhiều, ngôn ngữ báo chí lại càng thay đổi nhanh hơn, vậy mà văn phong của bà Đạm Phương vẫn có vẻ không cũ. Nó đã đạt tới độ nhuần nhị và sắc sảo. Cách đặt vấn đề, dẫn dắt vấn đề trong các bài báo của bà rất điềm đạm, mang tính thuyết phục, không bao giờ bà dùng những kiểu viết vồ chụp, quy kết, “ăn tươi nuốt sống” hay bắt độc giả phải tán đồng với mình bằng mọi giá. Đó là cách viết báo của một nhà báo dân chủ. Tính trao đổi, bàn bạc trong những bài báo của bà Đạm Phương rất cao, điều ấy khiến người đọc đương đại dễ cảm thông và cảm thấy như bà đang trao đổi một cách bình đẳng những chuyện hôm nay với mình. Nên nhớ, vào thập niên 20 của thế kỷ hai mươi, “dân chủ” còn là từ rất xa lạ với phần lớn đồng bào ta, những tư tưởng dân chủ càng hiếm hoi và khó có điều kiện đến với quần chúng bị nô dịch. Từ đó mới thấy quý những bài báo mang sắc thái dân chủ của bà Đạm Phương. Báo chí chỉ “sống” khi thể hiện được tinh thần dân chủ, khi khơi dậy được không khí dân chủ bằng đối thoại với độc giả.

 
Đạm Phương Nữ Sử và chồng, ông Nguyễn Khoa Tùng

Những tờ báo bà Đạm Phương cộng tác đều là những tờ báo công khai, có giấy phép xuất bản hẳn hoi, được chính quyền thời bấy giờ cho phép hoạt động, nghĩa là về mặt nào đó, nó vẫn phải chịu những ràng buộc của nhà nước thực dân hay bảo hộ. Bà Đạm Phương cộng tác với những tờ báo xuất bản ở cả ba kỳ, dưới ba chế độ tuy cùng ách cai trị của thực dân Pháp, vậy mà những bài báo của bà vẫn không bảo thủ, không có tư tưởng lạc hậu, nô dịch hay cục bộ địa phương. Đó là một điều rất đáng trân trọng.

Tôi rất thích thú khi đọc những bài báo của bà Đạm Phương bàn về, nói về phụ nữ. Khi viết về lĩnh vực này, có cảm giác ngòi bút của bà Đạm Phương trở nên tinh nhạy hơn, nhiều lời khuyên nhủ thấm thía hơn, nhiều nhận xét bất ngờ hơn, và ẩn sau đó, là rất nhiều tình cảm, nhiều sự chắt chiu đồng cảm với thân phận những người cùng giới.

 “Người có học vấn thời phải có đức hạnh mới có danh giá, người có phú quý nên nhân từ mới được vững bền. Đức hạnh là cỗi gốc cho sự học vấn, nhân từ là nguồn lành cho sự phú quý” (Vấn đề nữ học - Tạp chí Nam Phong tháng 1.1921). Lời bàn ấy của bà Đạm Phương từ 90 năm trước còn cập nhật cho ngày hôm nay, dù nghĩa chữ “đức hạnh” bây giờ có thể có ngoại diên rộng hơn. Nếu học vấn thiếu đức hạnh (đạo đức) và sự giàu có phú quý thiếu nhân từ (lòng nhân ái) thì xã hội sẽ đi vào hỗn loạn và bế tắc. Điều ấy đúng cho cả bây giờ và mai sau.

 
Bài báo đầu tiên của bà Đạm Phương đăng trên tạp chí Nam Phong

“Bởi cớ tại làm sao mà người đàn bà không được trực tiếp với xã hội? Là vì sự học vấn còn chưa phổ thông và thời kỳ chưa được hiệu dụng, cho nên nữ ngôn chưa được kiến trọng (coi trọng) với đời” (Nam Phong số 49 - tháng 7.1921). Ngay lúc bấy giờ, bà Đạm Phương đã quan tâm tới nữ ngôn - quyền nói năng, phát ngôn của người phụ nữ - coi đó như bước khởi đầu mạnh mẽ cho nữ quyền. Hai nguyên cớ khiến nữ ngôn chưa được coi trọng, một là học vấn chưa được phổ thông với số đông phụ nữ, hai là năng lực cùng học vấn của người phụ nữ chưa được hiệu dụng (sử dụng một cách hiệu quả). Điều đó cũng chưa mất tính thời sự trong ngày hôm nay. Chúng ta kêu gọi bình đẳng giới, nhưng lại chưa sử dụng đích đáng năng lực cũng như học vấn của người phụ nữ, chưa chọn lọc được những tinh hoa của giới phụ nữ cho các vị trí lãnh đạo trong xã hội. Và trong guồng máy nhà nước, vai trò cũng như năng lực thật sự của phụ nữ cũng chưa được phát huy cho xứng tầm.

“Tính đàn bà vốn giàu về cảm tình (cảm tính), mỗi khi khuyên can người đàn ông điều gì không đặng lại nghĩ vơ nghĩ vẩn, mình thương người ta mà người ta không thương mình, thương bao nhiêu là giận bấy nhiêu. Cho nên lời càng thêm cẩn thận cho lắm…” (Người đàn bà phải nên biết cách ăn ở với chồng - Báo Trung Bắc tân văn 28.6.1923). Đúng là suy nghĩ của một “nữ sử”, người từng ở trong cung vua và dạy dỗ công chúa cùng cung nữ, nhưng lại vô cùng bình dân, hết sức gần gũi và thân thiết, khiến người được khuyên vừa dễ cảm động vừa dễ tiếp nhận.

Bà Đạm Phương viết báo là như vậy, giản dị và gần gũi, không đao to búa lớn mà vẫn chứa chất những đạo lý và cả kinh nghiệm, sự từng trải.

“Trời sinh mỗi người là mỗi khổ mặt, mặt tròn hay mặt dài, mặt đao đao hay mặt đầy đặn, má bầu thô hay má núng đồng tiền, đều có cái vẻ xinh đẹp riêng một cách” (Cách trang điểm của người đàn bà thế nào là đẹp - Báo Trung Bắc tân văn 30.10.1923). Cứ như ta đang nghe quan điểm thẩm mỹ của một giám khảo các cuộc thi hoa hậu thời nay! Ngay trong quan niệm về cái đẹp của người phụ nữ hồi ấy, bà Đạm Phương đã thể hiện tư tưởng dân chủ và chấp nhận sự khác biệt của mình, điều mà nhiều người thời nay chưa đạt tới. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.