Lo cho Như chưa hề có cuộc chia ly ổn, sẽ khởi kiện kẻ vu khống
* Xin chào nhà báo Thu Uyên, vì sao chị quyết định gọi đây là “Hoạt động Như chưa hề có cuộc chia ly” thay vì gọi là chương trình như trước đây?
- Nhà báo Thu Uyên: Thật ra, Như chưa hề có cuộc chia ly ngay từ đầu đã là hoạt động xã hội rồi nhưng phần chóp của nó là chương trình truyền hình, còn hoạt động là phần chìm nên mọi người cứ nghĩ Như chưa hề có cuộc chia ly là chương trình truyền hình thôi, không nghĩ rằng các hoạt động nền của nó là xử lý thông tin, tìm kiếm, đoàn tụ người thân. Bởi vì lượng tìm ra và đoàn tụ thông qua hoạt động này nhiều hơn những gì được chiếu trên truyền hình và thêm nữa hoạt động này là hoạt động chuyên môn, nó độc lập với việc kể chuyện bằng hình. Kể chuyện bằng hình chỉ là công tác kể lại những câu chuyện đã được trích xuất từ hoạt động đó. Quan trọng mục tiêu của hoạt động là đoàn tụ được nhiều người thân hơn việc làm xong chương trình truyền hình hằng tháng, nhiệm vụ của nó lớn hơn rất nhiều.
* Việc ca sĩ Hà Anh Tuấn, MC Phan Anh ủng hộ tiền hay nghệ sĩ Việt Hương kêu gọi ủng hộ đã tiếp sức cho hoạt động như thế nào?
- Đã tiếp sức để chương trình sống vì nó đang chết. Nó đã phải tuyên bố dừng và nói nghiêm túc là khi chúng tôi kêu cứu như thế mà xã hội không tha thiết lắm thì chúng tôi cũng thở dài và dừng thôi. Nhưng khi mọi người bắt đầu cứu lại nó như hành động của Hà Anh Tuấn đã cứu lại hoạt động Như chưa hề có cuộc chia ly. Hà Anh Tuấn hỏi: Cần bao nhiêu tiền để hoạt động này có thể hoạt động online. Không chỉ Hà Anh Tuấn, MC Phan Anh, Việt Hương mà còn nhiều người nổi tiếng khác cũng đã âm thầm đóng góp cho hoạt động này. Và tôi rất quý những người đứng ra ủng hộ chúng tôi bằng cách lên tiếng, bởi vì vai trò và uy tín của họ cộng hưởng với những gì chúng tôi làm được, họ đã giúp cho chúng tôi không chỉ là đồng tiền cụ thể mà còn là tinh thần. Nó có sức lôi cuốn những người khác. Tinh thần đó là vì những cuộc đoàn tụ mà hành động.
|
* Chị có từng nghĩ cách tiết kiệm nhất để có thể giải quyết nhiều trường hợp nữa không? Ví dụ như kêu gọi sự giúp đỡ của khán giả trên mạng xã hội (cộng đồng mạng) hay một diễn dàn tìm kiếm?
- Hiện nay chúng tôi đã sử dụng những công cụ đó rồi. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng rằng tất cả những gì được tung lên mạng xã hội đã được xử lý và không gây hại cho người trong cuộc. Đối với chúng tôi thì quyền lợi của những người đăng ký là cao nhất trong một cuộc tìm kiếm. Những bí mật thông tin của họ không thể được tiết lộ cho đến khi tìm ra được người thân. Chúng tôi cũng có một cam kết và chữ ký của họ về việc cho phép sử dụng chi tiết đời tư để phục vụ quá trình tìm kiếm và kể lại những câu chuyện nhân nghĩa. Chỉ khi có sự cho phép chính thức đó, chúng tôi mới bắt đầu tìm kiếm. Chính vì vậy, không phải cái gì cũng có thể đưa lên mạng xã hội. Rất nhiều những trường hợp gia đình tự đưa lên mạng xã hội thông tin cá nhân và đã bị lừa đảo. Ngoài ra, cũng có những trường hợp sự giúp đỡ quá mạnh mẽ khiến người ta có thể nhận nhầm lẫn, rồi về sau người ta mới tìm cách rút ra khỏi điều đó. Tôi tin việc đưa lên mạng xã hội là một hành động lan tỏa nhanh nhất tinh thần nhân ái trong cuộc đời. Tuy nhiên, những thông tin tìm kiếm thì khác. Chúng tôi dành ưu tiên trao đổi, suy luận cùng với các thành viên, cho cộng đồng tình nguyện viên, là những người có cam kết với Như chưa hề có cuộc chia ly. Chúng tôi chia sẻ với cộng đồng này một số kỹ năng và thống nhất tinh thần khách quan, bảo mật nên chúng tôi mới yên tâm nhờ tìm thông tin.
* Việc kêu gọi quyên góp cho một chương trình hay hoạt động từ thiện bất kỳ sẽ không tránh khỏi việc bị một số cá nhân hay tổ chức lợi dụng để đặt điều, vu khống, thậm chí trục lợi cá nhân. Chị nghĩ gì về hành động của những đối tượng như thế?
- Nói thẳng ra trong xã hội này cũng có những người có một lỗi về tư duy, luôn luôn muốn nhìn thấy người ta có tội, muốn nhìn thấy người ta xấu. Có thể là vì một vấn đề gì đó trong bản thân của họ. Tuy nhiên, tôi cho rằng đã không tin thì không nên đi cùng nhau. Khi tôi phải đứng mũi chịu sào, tôi biết mình sẽ thu hút cả lòng tin, lẫn cả những lời thị phi vu khống. Đây là một sự hi sinh cần thiết vì Như chưa hề có cuộc chia ly. Tôi vốn là người hướng nội, khá là trái với nghề nghiệp tôi đang làm và cũng không phải đã đủ cứng rắn để không cảm thấy tức giận và tổn thương khi nghe những lời bôi nhọ mình, từ một số người có học thức thậm chí chỉ nghe đồn thổi, chưa gặp tôi bao giờ. Rất thất vọng! Tôi dự định lo liệu xong cho Như chưa hề có cuộc chia ly, sẽ khởi kiện kẻ vu khống. Không chỉ vì lòng tự trọng của riêng tôi. Xã hội của chúng ta phải nhân bản.
|
Gameshow không là “món ăn” thường xuyên lâu dài
* Hiện nay, trên mạng xã hội cũng như truyền thông mọi người thường đề cập nhiều đến sự tử tế, tính nhân văn và lòng nhân đạo khi đứng trước một hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, dường như chương trình Như chưa hề có cuộc chia ly lại không thể lan tỏa rộng rãi đến công chúng. Chị cảm thấy như thế nào về điều này?
- Nếu như đã không lan tỏa thì mọi người đã không ủng hộ như hiện nay, đúng không nào. Khi chúng tôi bắt đầu kêu cứu thì các nhóm cộng đồng trẻ trên mạng nói rằng nếu Như chưa hề có cuộc chia ly cho phép họ sử dụng clip sản phẩm thì các bạn sẽ lập tức viral (lan tỏa). Từ xưa đến nay các bạn cứ nghĩ chúng tôi không đồng ý chuyện đó, không muốn các bạn sử dụng hình ảnh hay những đoạn clip đó để viral cho nên nó không lan tỏa như những cái khác. Nếu đấy là một cách thì chúng tôi cũng rất ủng hộ thỏa thuận với nhau để không bị "đánh gậy bản quyền” mà vẫn hợp tác để chia sẻ câu chuyện nhân văn.
* Khi gameshow giải trí bắt đầu thịnh hành, những chương trình thiện nguyện dần không còn thu hút sự chú ý của khán giả nữa. Việc Như chưa hề có cuộc chia ly ngừng phát sóng như một hồi chuông thức tỉnh nhưng có thể sau đó mọi chuyện “sẽ đâu lại vào đấy”. Chị nghĩ gì về điều này?
- Vấn đề là chúng ta cảm thấy mình đang muốn làm cái gì, muốn gửi đến thông điệp gì. Trong quá trình thực hiện chúng tôi chẳng có gì ngoài câu chuyện nhân nghĩa để lan tỏa với mọi người. Chẳng qua chúng tôi chưa chú trọng việc lan tỏa. Còn với gameshow, chúng ngập tràn nên người ta xem như thói quen vậy. Tôi không nghĩ đó là “món ăn” thường xuyên lâu dài. Xã hội như quả lắc, lúc như thế này, lúc như thế kia, đó cũng là một giả thuyết. Xu hướng hôm nay sẽ là xu hướng ngày mai. Chúng ta phải kiên định rằng con người ai cũng có lòng tốt cả và khi chúng ta làm việc gì tốt thì sẽ thu hút lòng tốt khác.
|
* Khi Như chưa hề có cuộc chia ly hoạt động trở lại, chị và ê-kíp dự định sẽ phát triển chương trình theo hướng nào để những hoạt động xã hội này đến gần hơn với mọi người song song với việc khai thác truyền hình và YouTube?
- Vì đang nói là hoạt động Như chưa hề có cuộc chia ly, nên đối tượng không nhằm vào khán giả, nó là hoạt động xã hội nên nó hướng tới từng công dân. Chúng tôi mong muốn mỗi người trong chúng ta sẽ nghĩ rằng bây giờ mình không còn là khán giả nữa, mà là người góp tay vào công việc đoàn tụ. Có thể tham gia đoàn tụ thân nhân bằng những món tiền dù lớn dù nhỏ (và hằng tháng thì rất quý, vì chúng tôi cần ổn định). Có thể là một bình luận, lời ủng hộ, có thể là một lời mách bảo, một chuyến đi xác minh ngắn có thể bằng việc trở thành tình nguyện viên cũng giá trị lắm.
* Trong những số phát sóng tiếp theo, chị có dự định sẽ mời một số nghệ sĩ để đồng hành cùng chương trình để Như chưa hề có cuộc chia ly được lan tỏa rộng hơn đến công chúng?
- Chúng tôi chưa dám công bố về việc phát sóng hay gì khác ngay thời điểm này. Nhưng cũng xin chia sẻ một niềm tự hào là Như chưa hề có cuộc chia ly đã thu hút rất nhiều nghệ sĩ. Tôi dám chắc chưa có một chương trình truyền hình nào ở nước ta mà lại được các nhạc sĩ, các tác giả chủ động gửi tặng nhiều tác phẩm đến như vậy - khoảng 60 bài bát, trong đó hơn chục bài trùng tên nhau, là Như chưa hề có cuộc chia ly. Nghệ sĩ vốn mang tư tưởng nhân văn, nên rất dễ đồng cảm. Chúng tôi cứ hình dung, một khi họ tới, tận mắt chứng kiến những cuộc đoàn tụ, hẳn là họ khó mà kìm được cảm xúc lắm! Chúng tôi mong khi trở lại, sẽ có thêm nhiều nghệ sĩ đồng hành.
* Cảm ơn những chia sẻ của nhà báo Thu Uyên!
Bình luận (0)