Nhà cạnh nhau, vì sao con nhận đền bù thấp hơn cha mẹ?

06/11/2024 08:40 GMT+7

Nhà đất của ông Ngô Văn Thia và nhà đất của cha mẹ ông Thia nằm cạnh nhau, cùng bị thu hồi một phần để thực hiện dự án xây cầu Rạch Đĩa nối Q.7 và H.Nhà Bè (TP.HCM). Thế nhưng, ông Thia được đền bù với mức giá đất thấp hơn nhiều lần so với cha mẹ ông.

Nhà đất của ông Ngô Văn Thia (thửa 238-14, tờ bản đồ số 4D, địa chỉ 59A Lê Văn Lương, KP.1, P.Tân Phong, Q.7, TP.HCM) bị thu hồi một phần để thực hiện dự án xây cầu Rạch Đĩa nối Q.7 và H.Nhà Bè. Theo Quyết định 7929/QĐ-UBND ngày 16.12.2022 của UBND Q.7, hộ ông Ngô Văn Thia bị thu hồi 35,9 m2 và được đền bù giá đất nông nghiệp là 8.352.900 đồng/m2.

Cũng bị giải tỏa để thực hiện dự án này, cha mẹ ông Ngô Văn Thia là ông Ngô Văn Luôn và bà Huỳnh Thị Ốm có nhà đất cạnh nhà ông Thia, thửa 238-15, tờ bản đồ số 4D, địa chỉ 59 Lê Văn Lương, KP.1, P.Tân Phong, Q.7, và cũng được bồi thường mức giá đất nông nghiệp là 8.352.900 đồng/m2 theo Quyết định 7927.

Không đồng ý với mức giá bồi thường trên, ông Thia cùng cha mẹ và nhiều hộ dân khác khiếu nại về đơn giá bồi thường.

Đến ngày 29.6.2023, UBND Q.7 ban hành Quyết định 2034/QĐ-UBND điều chỉnh giá đền bù cho hộ Ngô Văn Luôn và bà Huỳnh Thị Ốm từ giá đất nông nghiệp là 8.352.900 đồng/m2 thành giá đất ở là 70.649.500 đồng/m2 (cao hơn 8 lần so với giá cũ). Riêng hộ ông Ngô Văn Thia và một số hộ khác không được điều chỉnh giá đền bù, vẫn nhận mức 8.352.900 đồng/m2 vì UBND Q.7 xác định rằng đất bị giải tỏa là đất nông nghiệp.

Nhà cạnh nhau, vì sao con nhận đền bù thấp hơn cha mẹ?- Ảnh 1.

Ông Ngô Văn Thia tại phần đất bị thu hồi làm dự án nhưng đền bù chưa thỏa đáng

ẢNH: DUY KHANG

Ông Ngô Văn Thia bức xúc: "Trước đây, nhà tôi và nhà cha mẹ thuộc thửa đất 563, tờ bản đồ số 1, 2 (có tổng diện tích 720 m2) thuộc xã Tân Quy, H.Nhà Bè (nay là P.Tân Phong, Q.7), sau đó cha mẹ cho tôi một phần đất trong tổng diện tích 720 m2 này. Năm 1987 tôi có đăng ký đất thổ. Tháng 6.1991, tôi cất nhà để ở. Ngày 2.8.1999 tôi có tờ khai đăng ký nhà đất và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở và quyền sử dụng đất ở vào ngày 25.6.2001 với tổng diện tích đất là 237,5 m2. Vậy mà đến nay, UBND Q.7 xác định đất của cha tôi là đất ở, đất của tôi là đất nông nghiệp và bồi thường cho tôi với giá quá thấp. Tôi mong Báo Thanh Niên phản ánh để UBND TP.HCM, UBND Q.7 và các cơ quan, ban ngành xem xét lại giá đền bù cho tôi".

Ông Phạm Hòa Tuấn, Trưởng ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (UBND Q.7) thông tin: "Đất của Ngô Văn Luôn (cha ông Thia) bị thu hồi là phần đất đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận đất ở nên được điều chỉnh giá đền bù. Phần đất 35,9m2 của hộ ông Ngô Văn Thia bị thu hồi thuộc phần đất không công nhận trong giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất số 10873/2001 ngày 29/10/2001 đã cấp cho hộ ông Thia, diện tích đất này có hiện trạng là đất trống, phần công trình xây dựng trên đất được xây dựng không phép năm 2009, do đó, không được đền bù giá đất ở. UBND Q.7 đã có nhiều văn bản trả lời ông Thia nhưng ông không đồng thuận ".

Trả lời trên của Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng (UBND Q.7) cũng đã được ông Ngô Văn Thia nhận được qua các văn bản phúc đáp từ đơn vị này. Thế nhưng, ông Thia vẫn tiếp tục khiếu nại, vì ông cho rằng 35,9 m2 đất mà ông bị thu hồi là đất ở, ông đã xây dựng công trình trên đó từ lâu nay và sử dụng ổn định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.