Nhà chế tạo vũ khí huyền thoại: Tập hợp nhà khoa học làm Lò cao kháng chiến

25/12/2015 06:04 GMT+7

Di tích Lò cao kháng chiến Như Xuân (H.Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.

Di tích Lò cao kháng chiến Như Xuân (H.Như Thanh, tỉnh Thanh Hóa) được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia. 

Di tích Lò cao kháng chiến Hải Vân - Ảnh: K.M.SDi tích Lò cao kháng chiến Hải Vân - Ảnh: K.M.S
Ít người biết “công binh xưởng trong lòng núi” này là kết quả của cả tập thể Quân giới Liên khu 3, trong đó có ông Trịnh Vân Yên.
Nghiên cứu sản xuất gang
Theo hồi ký của Phó chủ tịch nước Lê Thanh Nghị, từ năm 1949, ông Trịnh Vân Yên đã nêu lên việc nghiên cứu sản xuất gang.
Trước đó, khoảng năm 1948, Sở Khoáng chất kỹ nghệ Trung bộ đã được giao nhiệm vụ chỉ huy xây dựng một khu thí nghiệm luyện gang ở Cát Văn thuộc H.Thanh Chương, Nghệ An, bên bờ sông Lam. Hàng chục tấn máy móc được chở về đây. Hoạt động chưa thành công, máy bay Pháp đến ném bom phá hủy, công việc phải bỏ dở. Ở Việt Bắc, một số nhà chuyên môn nghiên cứu và thí nghiệm luyện gang rất vất vả, nhưng đều thất bại.
Khoảng từ năm 1949, lãnh đạo Cục Quân giới nhiều lần gợi ý cho ông Trịnh Tam Tỉnh tiến hành chỉ đạo việc nghiên cứu và sản xuất gang. Ông Trịnh Tam Tỉnh nói với Cục trưởng Trần Đại Nghĩa: “Nhất định là phải làm gang bằng được. Và cách làm duy nhất đúng là phải bằng phương pháp haut fourneau (lò cao). Làm cái này phải cần đến anh em trí thức. Hiện giờ anh em tản cư với gia đình, ở tản mát khắp nơi từ Nam Định, Ninh Bình vào Thanh Hóa. Cái vốn ấy quý lắm. Kẻ địch cũng đang tìm họ, lôi kéo họ”. Cục trưởng Trần Đại Nghĩa nói: “Được rồi, chúng tôi giao cho các anh nhân cơ hội này tập hợp các nhân tài cho kháng chiến, sau còn dùng vào rất nhiều việc”.
Có Trịnh Vân Yên là thêm vững dạ
Cuộc kháng chiến chống Pháp thấm thoát đã trải qua hơn 3 năm. Tháng 10.1949, Cục Quân giới cử ông Trịnh Tam Tỉnh làm đặc phái viên tại Khu 4 để xây dựng công xưởng hóa chất sản xuất phục vụ kháng chiến. Trước khi đi, các ông Trần Đăng Ninh (Trưởng ban Kiểm tra Trung ương Đảng), Trần Đại Nghĩa (Cục trưởng Cục Quân giới) bàn thêm với ông Tỉnh: “Anh vào trong đó hãy bắt tay cùng anh em nghiên cứu ngay việc nấu luyện gang”.
Khoác ba lô lên đường vào Khu 4, ông Trịnh Tam Tỉnh suy nghĩ nung nấu. Gang thép hồi đó là thứ nguyên liệu cơ bản, coi như cơm gạo và bánh mì của công nghiệp. Ông bàn bạc ngày đêm với người em ruột là Trịnh Vân Yên, lúc đó là cán bộ Cục Quân giới, để tìm cho ra phương án. Kiến thức học được từ trường kỹ nghệ của ông Tỉnh chỉ đủ vốn để tiếp xúc với máy móc, ê tô, kìm búa; còn phương pháp lò cao, luyện gang ông chỉ nghe nói đến, chứ hình ảnh cụ thể ông vẫn chưa thấy bao giờ. Có người em trai bên cạnh, ông thêm vững dạ vì tài trí sáng tạo của Trịnh Vân Yên.
Phải nói thêm rằng, trước Cách mạng tháng Tám, ở Đáp Cầu có xây dựng một lò cao cỡ nhỏ, tiến hành thí nghiệm luyện gang và đã ra được mấy trăm tấn gang, nhưng khi chiến tranh tràn đến Đông Dương thì phải bỏ. Chủ nhà máy là nhà tư sản Mai Trung Tâm có mời ông Trịnh Vân Yên tham gia một số công việc về máy móc, kỹ thuật. Ở đó, ông Yên còn có dịp đọc một số sách Pháp về phương pháp luyện gang bằng lò cao. Nhờ thế mà giờ đây ông hình dung ra những việc phải lo toan: cỡ lò, kích thước lò, sắt thép, gạch chịu lửa, than, quặng, chất trợ dung, các loại thợ… Ông Trịnh Tam Tỉnh giao cho ông Trịnh Vân Yên công việc mà ngày nay ta gọi là chủ nhiệm đề tài.
Ông Trịnh Vân Yên đã tìm đến các kỹ sư như Đặng Trần Cảnh, Lương Ngọc Khuê, Tống Nguyên Lễ thuộc lớp kỹ sư đầu tiên của nước ta. Đặng Trần Cảnh học ngành hóa chất, từng làm kỹ thuật ở Nhà máy kẽm Quảng Yên, công chức ở Sở Mỏ của Pháp, yêu nước, có kiến thức rộng về điều khiển nhiệt trong lò luyện kim, bị tai nạn mất một cánh tay, nhưng có sức khỏe. Tống Nguyên Lễ, một chuyên gia về hóa học, có kinh nghiệm về tổ chức sản xuất, kinh doanh, đã giúp đỡ ông Trịnh Tam Tỉnh nhiều trong thời kỳ làm kinh tài ở Khu 3. Lương Ngọc Khuê, kỹ sư hóa, từng làm ở Nhà máy rượu Hải Dương, đã tham gia phụ việc hóa nghiệm ở lò cao Đáp Cầu của nhà tư sản Mai Trung Tâm.
Hôm ông Trịnh Vân Yên đến gặp kỹ sư Lương Ngọc Khuê - lúc này ông Khuê đang tản cư với gia đình ở làng Lác, thuộc H.Tiên Hưng (cũ), tỉnh Thái Bình, thấy trời rét mà ông Khuê vẫn cởi trần lội xuống ao giặt bông. Lúc đó, ông Khuê đang tham gia nghiên cứu đề tài xử lý bông thuộc Hội đồng khoa học kỹ thuật của Liên khu 3. Điều thú vị là khi ông Trịnh Vân Yên hỏi chuyện về kỹ thuật ở lò cao, ông Khuê giở ngay cuốn sổ nhỏ vẫn mang theo dưới đáy va li mà ông ghi chép từ thời cộng tác hóa nghiệm gang ở lò cao Đáp Cầu. Do ham biết một kỹ thuật mới mà ông đã tích lũy được những số liệu rất quý từ trang sách và cả trong thực tiễn liên quan đến công việc luyện gang thuở ban đầu ở VN.
Trong vài tháng, hai anh em ông Trịnh Tam Tỉnh và Trịnh Vân Yên đã tập hợp các nhà khoa học về một mối, quây quần ở vùng Chuối, gần cơ quan hóa chất miền Nam.
“Bác Hồ bận trăm công nghìn việc nhưng cũng quan tâm đến việc sản xuất gang. Bác xem tỉ mỉ báo cáo về lò cao Như Xuân, sau đó Bác tự tay viết sáu chữ Hán lên tờ báo cáo: “Kỹ thuật, Lâm mộc, An toàn” (Trịnh Tam Tỉnh - Hồi ký Lửa trong rừng sâu, NXB Lao động, 1989).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.