|
Hình ảnh người đàn ông già nua, dưới chân chỉ còn một chiếc xoong, một cái chảo méo mó đen xì bụi than, đứng chết lặng nhìn nền nhà trơ trọi sau cơn lũ đã ám ảnh Phạm Thị Hương Giang (35 tuổi, ở TP.HCM) không dứt. Chuyến đi cứu trợ lũ lụt tại Quảng Nam năm 2009 của Giang và các bạn cô cũng vì thế mà trở thành một kỷ niệm không thể nào quên.
Giang kể, ý tưởng về một ngôi nhà bê tông tươm tất cho người dân trong những vùng rốn lũ bắt đầu nhen nhóm từ dạo đó, nhưng bản thân Giang rất trăn trở khi không hình dung được mình phải làm thế nào.
“Cho đến khi tôi nhìn thấy tấm hình một ngôi nhà gỗ 3 gian cổ với khung sàn bê tông ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) trên Facebook của một người bạn, thì tôi biết đây là thời điểm để bắt đầu dự án. Rồi mỗi người một tay, giờ đây dự án đã chạy được 9 tháng với 54 căn nhà và chúng tôi vẫn đang rất tự tin trên con đường của mình”, Giang chia sẻ.
Lắng nghe nhu cầu thật sự của người dân
Khác với những dự án xây nhà tình thương hay cộng đồng thường thấy, Nhà chống lũ chỉ hỗ trợ phân nửa trong số tiền 50 triệu đồng để gia cố một căn nhà, số còn lại thì chủ nhà sẽ tự xoay xở, góp của hoặc góp công.
Tùy theo tình trạng nhà và nhu cầu của chủ hộ, ban quản lý và thực hiện dự án sẽ linh động trong việc xây dựng, thường kéo dài từ 35 đến 40 ngày một căn. Không chỉ mang đến điều kiện thoát lũ, dự án còn trao cả cơ hội để người dân có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình bằng những hành động thiết thực.
“Có nhiều bà con rất khổ vì lũ, nhưng có lẽ vì khổ quá nên họ đâm chai lì và quen luôn với việc mỗi năm, tính mạng của mình có thể mất bất kỳ lúc nào. Thế nên, ngay thời điểm ban đầu, chuyện thuyết phục họ thay đổi nhận thức còn khó hơn cả việc xây nhà nữa. Tuy nhiên, việc chuẩn bị sẵn sàng và có một căn nhà chắc chắn sẽ giúp người dân chủ động đối mặt với thiên tai hơn hẳn”, Giang chia sẻ.
|
Giang cho biết rất may là dự án kết nối được với những đối tác như Tổ chức phi chính phủ Live and Learn hay các kiến trúc sư, nhà thầu xây dựng, thanh niên tình nguyện, thậm chí cả chính quyền địa phương. Vì thế mà không khí những ngày xây căn nhà đầu tiên rất nhộn nhịp, khi mọi người chia nhau phần việc và cả những bữa cơm đạm bạc mà ăm ắp tình người.
|
Tích tiểu thành đại
Ban đầu, dự án định làm song song ở các địa phương nhưng sau khi khảo sát, ban điều hành nhận ra nếu như ở Hà Tĩnh làm nhà cột bê tông thì ở Quảng Nam, nhà phao mới là lựa chọn phù hợp. Trong thời gian tới, Quảng Bình sẽ là điểm đến kế tiếp và hiện dự án đang nghiên cứu mô hình nhà cho địa bàn miền Tây.
Cũng như nhiều dự án khác, Giang cho biết rất “đau đầu” với chuyện kinh phí. Ban đầu, chương trình chọn hình thức mở sự kiện bán vé để gây quỹ. Số tiền trên 1 tỉ đồng ở Hà Nội và TP.HCM vào năm ngoái rất khả quan, nhưng bản thân mọi thành viên đều nhận ra đây không phải là một giải pháp lâu dài. Không chỉ tự vận động, lấy nguồn quyên góp trực tuyến, mà còn bán các sản phẩm áo thun, viên gạch có logo chương trình để gây quỹ. Một cửa hàng online với các sản phẩm được cho lẫn tự sản xuất cũng đang chạy để nguồn thu được linh động hơn.
“Ví dụ như số bạn trên Facebook, mỗi người chỉ cần góp khoảng 50.000 đồng một tháng thì sẽ có thể xây được cả chục căn nhà. Mà ở nước mình thì thật sự không biết phải xây mấy trăm ngàn căn mới đủ, nhưng nếu một vùng có khoảng 10 - 20 căn thì đã giảm thiểu được số người chết rất nhiều rồi. Phải có sự chung tay thì tính nhân văn mới được nhân rộng và bền lâu”, Giang thổ lộ.
Kim Nga
>> Nhà chống lũ của chàng sinh viên miền Trung
Bình luận (0)