Nhà cửa toan hoang bão Noru, nhiều bạn trẻ tăng tốc làm thêm giúp gia đình

Lê Thanh
Lê Thanh
01/10/2022 18:22 GMT+7

Nhiều người trẻ miền Trung xa quê đã nghĩ nhiều cách để giúp người thân có thể vượt qua những khó khăn sau bão số 4 (bão Noru) vào những ngày cuối tháng 9.

Cảnh nhà cửa tan hoang tại xã Vinh Xuân, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) sau bão Noru

LÊ HOÀI NHÂN

Anh Nguyễn Minh Hải (31 tuổi, quê tỉnh Quảng Nam, đang làm công tại Công ty Pouyuen Việt Nam, Q.Bình Tân, TP.HCM), cho biết sau khi cơn bão số 4 (bão Noru) đi qua thì nhà anh bị thiệt hại nặng nề. “Nghe ba mẹ kể nhà bị tốc mái. Cây cối, hoa màu bị gió thổi bay. Nhưng may mắn là mọi thành viên trong gia đình vẫn bình an vô sự", anh Hải, chia sẻ.

Anh Hải cũng cho biết cha mẹ vốn dĩ đã khổ cực, mùa màng năm nay coi như không còn hy vọng. "Mình sẽ tiết kiệm chi tiêu để góp gửi về quê cho ba mẹ. Mình nghĩ đó là cách thiết thực nhất để phụ giúp gia đình", anh Hải nói.

Cảnh thiệt hại tại tỉnh Quảng Nam sau bão Noru

mạnh cường

Cũng quê ở Quảng Nam, Võ Ngọc Thành (29 tuổi), đang làm công nhân giày da trong khu Chế xuất Linh Trung 2, TP.Thủ Đức (TP.HCM), cho biết từ ngày đi làm, mỗi tháng đều gửi tiền về quê cho gia đình "Nhưng giờ ở quê bị bão số 4 (bão Noru) thiệt hại về hoa màu rất nhiều làm cho cuộc sống của gia đình càng khó khăn hơn. Nên mình sẽ tìm thêm việc làm để có tiền gửi về quê nhiều hơn, giúp ba mẹ vơi đi nỗi nhọc nhằn", Thành nói.

Không riêng anh Hải, anh Thành mà nhiều người trẻ quê ở miền Trung đang làm việc và sinh sống ở TP.HCM cũng cho rằng việc dành dụm tiền gửi về để gia đình có chi phí trang trải, khắc phục những sự cố do bão số 4 (bão Noru) gây ra là cách giúp đỡ thiết thực nhất.

Cảnh nhà cửa bị đổ nát tại tỉnh Quảng Nam sau bão Noru

mạnh cường

Với những sinh viên, cách mà các bạn nghĩ để phụ giúp gia đình trong giai đoạn này đó là tự lập, tự lo cho bản thân.

Theo Nguyễn Quang Hưng (quê ở tỉnh Thừa Thiên Huế, sinh viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), hầu hết sinh viên đều dựa vào khoản chu cấp hằng tháng của gia đình ở quê gửi vào. Từ tiền ăn, tiền chi tiêu đến học phí, nhà trọ đều của bố mẹ. "Đó là tiền từ những gánh lúa, tiền bán heo, vịt gà... nhưng bão đã cuốn bay tất cả. Nên mình sắp tới mình sẽ đi làm thêm, kiếm tiền trang trải chi tiêu, đỡ phần gánh nặng cho ba mẹ", Quang Hưng chia sẻ.

Nhà của người dân tại xã Vinh Xuân, H.Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) bị tốc mái sau bão Noru

lê hoài nhân

Tương tự, Lê Văn Minh, quê tỉnh Thừa Thiên-Huế (sinh viên Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho biết sẽ đi làm thêm để kiếm thêm thu nhập, để chủ động tiền ăn, trọ...

Nhiều sinh viên cũng chia sẻ sẽ thực hành tiết kiệm nhiều hơn trong sinh hoạt, giảm bớt việc chi tiêu những việc không đáng. Đặng Thùy Linh (quê Đà Nẵng, sinh viên Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM) chia sẻ: "Thay vì tiền chu cấp mỗi tháng là 3 triệu đồng, thì nay sẽ xin một nửa và tranh thủ tối đa thời gian có thể để đi làm thêm kiếm tiền tự xoay sở. Đó cũng là cách để giúp gia đình trong thời gian vượt qua khó khăn mà những gì cơn bão số 4 (bão Noru) để lại hậu quả".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.