Nhà đầu tư bức xúc, đề nghị tịch thu hết cổ phiếu bán 'không báo trước'

12/01/2022 12:34 GMT+7

Hơn 20 năm phát triển, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn quá nhiều lỗ hổng và sự hỗn loạn. Hành vi bán chui như của ông Trịnh Văn Quyết , những dấu hiệu làm giá, thao túng… đã xói mòn niềm tin, khiến nhà đầu tư bức xúc.

Đây không phải lần đầu tiên ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC, bị Ủy ban chứng khoán “tuýt còi” vì hành vi bán 74,8 triệu cổ phiếu mà không công bố thông tin.

Trước đó, tháng 11.2017, cùng hành vi tương tự, ông Quyết bị phạt 65 triệu đồng khi bán "chui" 57 triệu cổ phiếu FLC.

Đáng nói, chiếu theo thị giá cổ phiếu khi đó, ông Trịnh Văn Quyết đã thu về không dưới 400 tỉ đồng. Với lô 74,8 triệu cổ phiếu vừa bán, ông Quyết đã bị phong tỏa, hủy giao dịch, tuy nhiên rất nhiều nhà đầu tư cũng chịu thiệt hại nặng khi giá FLC hiện đang giảm sàn.

Mới đây, cũng hành vi này, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa đã xử phạt Công ty CP Louis Capital (tên cũ: Công ty CP xây dựng và đầu tư Trường Giang, có mã chứng khoán TGG). Cụ thể, Louis Capital bị phạt 60 triệu đồng do công bố thông tin không đúng thời hạn đối với báo cáo tài chính hợp nhất quý 4.2019. Đồng thời, công ty cũng bị phạt 85 triệu đồng vì công bố thông tin sai lệch.

Vào tháng 7.2021, ông T.N.B (Hà Nội) cũng không công bố thông tin về việc dự kiến giao dịch đối với cổ phiếu VPB của Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank). Số tiền phạt đối với ông B. lên tới hơn 940 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền mà ông B. và rất nhiều thương vụ giao dịch khác thu lợi rất lớn.

Trong khi đó, theo quy định hiện nay, liên quan đến hành vi không công bố thông tin, Nghị định số 128 của Chính phủ chỉ phạt tiền từ 3% đến 5% giá trị chứng khoán giao dịch thực tế (nếu giao dịch có giá trị từ 10 tỉ đồng trở lên), nhưng số tiền phạt không quá 1,5 tỉ đồng (đối với cá nhân).

Quy định như vậy khiến nhà đầu tư rất bức xúc, anh T.M.Đ, một nhà đầu tư hiện đang bị kẹp cổ phiếu FLC, uất ức: “Tình trạng bán "chui" cổ phiếu diễn ra rất nhiều lần nhưng mức phạt là quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu được. Tôi đề nghị sửa luật và nghị định, cần tịch thu hết số lượng cổ phiếu giao dịch mà không công bố”.

Không chỉ bán "chui", nếu như ở các nước phát triển những người có liên quan, cổ đông nội bộ có phát ngôn, cung cấp thông tin không chính xác tác động tới giá cổ phiếu sẽ bị xử phạt rất nặng. Tuy nhiên, trên thị trường chứng khoán Việt Nam, chủ tịch HĐQT rồi tổng giám đốc… thoải mái “bắn tin”, hô hào giá cổ phiếu không còn là chuyện lạ. Cùng với đó là hành vi móc ngoặc, giao dịch nội gián…

Đơn cử, ngày 27.12.2021, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành Quyết định số 468/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt Công ty CP Tập đoàn Alpha Seven (DL1, sàn HNX)) do vi phạm quy định pháp luật quản trị công ty về giao dịch với người có liên quan.

Trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng xử phạt hàng loạt hành vi liên quan tới vi phạm báo cáo tài chính, công bố dữ liệu, giao dịch… Điều đó cho thấy tình trạng này đang rất phổ biến, có dấu hiệu hỗn loạn.

Nhà đầu tư cần một thị trường đầu tư minh bạch

t.p

Trong vụ việc của ông Trịnh Văn Quyết, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi khẳng định, việc hủy giao dịch bảo vệ nhà đầu tư là đúng quy định. Ngoài ra, ông Quyết sẽ bị xem xét xử phạt ở mức cao nhất.

Song, theo nhiều chuyên gia, việc xử phạt như cơm bữa với chế tài quá nhẹ, thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ khó có thể phát triển và được nâng hạng, thậm chí sẽ bị nhà đầu tư tẩy chay, làm mất đi kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế.

“Chúng tôi đề nghị thanh tra toàn diện tất cả các cổ phiếu có dấu hiệu làm giá, thao túng thông tin thời gian vừa qua. Xác định được hành vi cần khởi tố, điều tra và tịch thu lại tài sản phạm pháp. Từ đó, sửa luật chứng khoán để bịt các lỗ hổng, không để thiệt hại tới quyền lợi của các nhà đầu tư", một chuyên gia chứng khoán tại Hà Nội đề nghị.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.