Chứng khoán tăng nhưng chỉ có thể nhìn
Sáng nay (27.3), thị trường chứng khoán mở cửa giao dịch trong sắc xanh. Nhiều cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán và bất động sản duy trì được đà tăng. Trong đó, cổ phiếu VND của Công ty chứng khoán VNDIRECT cũng tăng nhẹ sau hai phiên giảm mạnh trước đó. Tuy nhiên, sau gần 4 ngày bị tấn công mạng, hệ thống VNDIRECT vẫn chưa thể hoạt động trở lại và điều này khiến các nhà đầu tư tiếp tục ngồi chờ, không thể mua hay bán trong 3 phiên giao dịch liên tiếp.
Trên các diễn đàn, nhóm nhà đầu tư hết sức sốt ruột và bức xúc. "Anh em xài sàn VND đang như ngồi trên đống lửa, trong đó có mình. Toàn lướt hàng nóng mà 3 ngày rồi chưa đăng nhập nổi. Làm sao chịu được", một nhà đầu tư tên L.B than thở. Trong khi đó, một nhà đầu tư khác cũng cho hay: "Mình ngán ngẩm thật sự, còn cổ phiếu và tiền trong đó. Giờ không thể vào xem hoặc bán đi được, cảm giác rất bức bối".
Nhà đầu tư tên T.A (TP.HCM) chia sẻ, sáng thứ hai đầu tuần khi chị có lịch nhập viện để mổ. Ngay từ sáng sớm khi thị trường chưa giao dịch, chị đăng nhập vào tài khoản của VNDIRECT để rút tiền ra ngân hàng để tạm ứng viện phí. Loay hoay mãi không vào được trên app qua điện thoại, tưởng mình bị sai mật khẩu hay máy bị hư. Nhưng sau một lúc mới đọc được thông báo hệ thống mạng của công ty chứng khoán này bị tấn công mạng. "Tuần trước mình bán bớt một ít chứng khoán để có tiền mặt rút ra sử dụng dịp này. Thế nhưng giờ không vô được tài khoản là bó tay. Đành phải đi mượn tạm người quen rồi chờ khi nào vô lại sẽ rút ra trả. Chán thiệt sự. Tự dưng mình có tiền mà phải đi mượn", chị T.A nói.
Lo lắng nhất là những nhà đầu tư tham gia giao dịch trên thị trường phái sinh. Theo anh N.T - một nhà đầu tư lâu năm tại TP.HCM - các nhà đầu tư có hợp đồng phái sinh sẽ bị thiệt hại lớn nhất. Bởi giao dịch phái sinh thường chỉ diễn ra trong vòng 1 ngày, thậm chí chỉ trong vòng 1 giờ khi biến động được tính theo từng phút. Hơn nữa, giao dịch phái sinh thường sử dụng margin lớn. Do đó sau 3 ngày không giao dịch được, các tài khoản không thể đóng những hợp đồng phái sinh và nếu biến động của thị trường đi ngược với trạng thái của nhà đầu tư thì thiệt hại này sẽ lớn hơn rất nhiều so với chứng khoán cơ sở.
Nhiều nhà đầu tư đã đặt vấn đề: Thiệt hại của họ khi không giao dịch được thì VNDIRECT có bồi thường không. Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế lẫn pháp lý, rất khó để đánh giá được mức độ thiệt hại của nhà đầu tư. Bởi không ai chứng minh được là có ý định mua hay bán một cổ phiếu ở giá đó. Việc đưa ra chính sách hỗ trợ như thế nào là tùy vào VNDIRECT sau khi đưa hệ thống hoạt động trở lại.
Khi nào VNDIRECT giao dịch trở lại?
Đến gần 11 giờ sáng 27.3, trang chủ của VNDIRECT vẫn tiếp tục hiển thị thông báo như hôm qua là hệ thống hiện đang trong quá trình khắc phục và kết nối trở lại. Trong ngày 26.3, ông Nguyễn Vũ Long, Tổng giám đốc VNDIRECT trả lời trên VTV cũng cho biết hệ thống công ty bị tấn công bởi một nhóm tấn công chuyên nghiệp, làm mã hóa tất cả dữ liệu của công ty. Hiện công ty đã giải mã các dữ liệu bị mã hóa, tiếp tục bước tiếp theo là khắc phục hệ thống và dự kiến sẽ mất thêm một thời gian nữa. Ngay chính lãnh đạo cao nhất của công ty cũng không đề cập đến thời gian khi nào hệ thống mới hoạt động trở lại.
Sáng nay (27.3), trả lời Báo Thanh Niên về vấn đề này, phụ trách truyền thông của VNDIRECT cho biết khó nói được về thời gian để nhà đầu tư giao dịch trở lại và công ty vẫn đang cố gắng hết sức để khôi phục hệ thống. Do vậy, thời gian chính xác để nhà đầu tư có tài khoản tại VNDIRERCT giao dịch trở lại hiện vẫn chưa rõ.
Theo ông Nguyễn Tử Quảng - CEO Tập đoàn Công nghệ BKAV, một trong những đơn vị tham gia khắc phục sự cố cho VNDIRECT - đây là một hình thức tấn công tương đối phổ biến trong những năm gần đây ở Việt Nam và trên thế giới. Hacker sẽ sử dụng 1 lỗ hổng nào đó để xâm nhập vào trong hệ thống. Sau đó Hacker sẽ tìm cách để cài đặt virus vào hệ thống của công ty và mã hóa dữ liệu sau đó sẽ dùng khóa mã hóa đó để có thể tống tiền các nạn nhân. Ở Việt Nam và trên thế giới cũng có nhiều công ty lớn đã từng bị như vậy.
"Hệ thống của VNDIRECT rất phức tạp và rất lớn. Đến nay công cụ và các biện pháp để giải mã đã có và hiện nay hầu hết các công ty lớn về công nghệ ở Việt Nam đều đang tham gia, như FPT, Viettel, BKAV và nhiều các đồng nghiệp khác của chúng tôi đều đã tham gia. Chúng tôi coi đây là một vấn đề chung của xã hội, mọi người cùng chung tay vào để khắc phục. Chúng tôi đang rất nỗ lực để hệ thống quay trở lại hoạt động bình thường trong một vài ngày tới. Thời điểm hiện tại, một số dịch vụ đã bắt đầu hoạt động trở lại. Có một nội dung nữa mà tôi nghĩ các bạn quan tâm là tài khoản và tài sản của họ trong hệ thống VND thế nào? Thì rất may tất cả đã đang được đảm bảo, các bạn có thể tạm yên tâm", ông Nguyễn Tử Quảng nói.
Còn theo ông Vũ Ngọc Sơn - Giám đốc Công nghệ Công ty An ninh mạng Quốc gia NCS -VNDIRECT đã thông báo lấy được mã khóa (key). Đây là cuộc tấn công mã hóa dữ liệu và nếu có key thì sẽ khôi phục được toàn bộ dữ liệu. Nếu để dựng lại hệ thống thì không quá phức tạp. Tuy nhiên, bên cạnh đó còn nhiều vấn đề khác. Quan trọng nhất là tìm ra được lỗ hổng và bịt lỗ hổng mà hacker đã xâm nhập. Nếu theo dự kiến từ công ty mà một số phương tiện truyền thông đăng tải là sẽ đưa hệ thống quay lại hoạt động trong vài ngày tới thì đây không phải là thời gian dài. Đối với nhà đầu tư, ông Sơn cho biết sau khi công ty chứng khoán đã cho hệ thống hoạt động quay trở lại thì cần kiểm tra ngay tài khoản, và đổi mật khẩu truy cập, vì có thể đã lộ lọt thông tin. Tránh trường hợp hacker có mật khẩu và chiếm đoạt tài sản liên quan.
Bình luận (0)