Nhà đầu tư hụt hẫng khi không được chia cổ tức

Mai Phương
Mai Phương
29/04/2023 06:03 GMT+7

Nhiều ngân hàng, doanh nghiệp năm qua lãi lớn nhưng vẫn không chia cổ tức khiến các cổ đông, nhà đầu tư thất vọng.

Lãi hàng ngàn tỉ đồng vẫn không chia cổ tức

Hai năm trước, cổ đông của các ngân hàng (NH) đã rất buồn khi không được chia cổ tức do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) yêu cầu các nhà băng giảm chỉ tiêu lợi nhuận, tiếp tục không chia cổ tức bằng tiền để hạ thêm lãi suất cho vay. Nên bước vào mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều người khấp khởi vì các NH không còn bị siết nữa, họ sẽ có thêm khoản tiền mặt quý giá trong thời buổi khó khăn hiện nay. Đặc biệt, việc hàng loạt nhà băng công bố kế hoạch chia cổ tức phổ biến 20 - 25%, thậm chí có NH chia đến 35% càng khiến cổ đông nức lòng.

Nhà đầu tư hụt hẫng khi không được chia cổ tức - Ảnh 1.

Nhiều cổ đông hụt hẫng khi các ngân hàng, doanh nghiệp không chia cổ tức dù lãi cao

NGỌC THẮNG

Thế nhưng, không phải cứ lãi lớn là chia cổ tức nhiều. Vẫn có những nhà băng dù lãi năm qua tăng cao nhưng vẫn tiếp tục đưa ra điệp khúc không chia cổ tức. Ví dụ, tại Đại hội cổ đông (ĐHCĐ) thường niên 2023 vừa diễn ra, NH TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) công bố lợi nhuận hợp nhất sau thuế và trích các quỹ còn lại hơn 3.741 tỉ đồng. 

Cộng với hơn 8.930 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất giữ lại các năm trước, Sacombank hiện giữ lại 12.672 tỉ đồng lợi nhuận hợp nhất lũy kế. Dù vậy, Sacombank vẫn không chia cổ tức và điều này khiến cổ đông bức xúc. Chủ tịch HĐQT Dương Công Minh giải thích hiện NH vẫn đang tái cơ cấu, xử lý nợ xấu. NH đã trình NHNN cho phép bán đấu giá lượng cổ phần của ông Trầm Bê và phấn đấu giải quyết trong năm nay xong sau đó sẽ chia cổ tức. Nhìn lại thì lần gần nhất, Sacombank chia cổ tức là năm 2015 với tỷ lệ 20% bằng cổ phiếu. Như vậy tính đến nay đã 8 năm, nhà băng này không chia cổ tức.

Nhà đầu tư cá nhân chỉ nắm giữ CP 1 - 2 năm, rất hiếm người kiên nhẫn nắm giữ CP lên đến 10 năm. Hơn nữa, nhiều công ty không có lộ trình về kế hoạch chia cổ tức rõ ràng mà có khi thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào ý chí của cổ đông lớn. Điều này càng khiến cho nhà đầu tư không có niềm tin để rót tiền vào CP dài hạn.

Ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán NH Đông Á

Hay cổ đông của NH TMCP Kỹ thương VN (Techcombank) cũng hụt hẫng khi NH tiếp tục không chia cổ tức nhằm bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh giải thích ông đã từng nói tại ĐHCĐ năm 2013 là trong 10 năm tới NH sẽ không chia cổ tức tiền mặt. Và năm nay sẽ là năm cuối cùng không chia cổ tức tiền mặt. Trên thực tế, đây là năm thứ 12 Techcombank không chia cổ tức cho cổ đông. Lần chia cổ tức gần nhất là bằng cổ phiếu diễn ra vào năm 2018.

Một đơn vị khác là Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex cũng công bố không chia cổ tức năm 2022 và đây là năm thứ 11 liên tiếp nhà băng này không chia cổ tức. Năm vừa qua, NH đạt lợi nhuận sau thuế gần 403,7 tỉ đồng.

Một số doanh nghiệp khác dù năm vừa qua kết quả kinh doanh vượt bậc nhưng cũng không chia cổ tức. Đó là Công ty CP Tập đoàn PAN với lợi nhuận sau thuế cả năm 2022 đạt 794 tỉ đồng, tăng 51% so với năm 2021. Kết quả này cũng vượt kế hoạch lợi nhuận đã được thông qua. Việc lợi nhuận tăng trưởng tốt nhưng PAN vẫn quyết định không chia cổ tức khiến một số cổ đông tại ĐHCĐ diễn ra trong tuần này không mấy hài lòng. Đây cũng là năm thứ hai liên tiếp PAN không chia cổ tức. 

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT của PAN, cho biết việc không chia cổ tức nhằm để dành nguồn lực cho các hoạt động cân đối nguồn vốn và đầu tư phát triển. Mặc dù có lợi nhuận cao nhưng công ty chưa có dòng tiền tốt nên chưa thể chia cổ tức. Tương tự, Công ty CP Công nghệ Mạng và Truyền thông (mã chứng khoán CMT) cũng tiếp tục không chia cổ tức của năm 2022 dù vẫn lãi sau thuế gần 21,5 tỉ đồng. Đây cũng là năm thứ hai CMT không chia cổ tức…

Không công bằng với cổ đông nhỏ

Lãnh đạo doanh nghiệp luôn "an ủi" các nhà đầu tư rằng họ cũng là cổ đông lớn nhất, nếu được chia cổ tức thì họ cũng là người nhận nhiều hơn. Không chia cổ tức thì tiền để lại cũng là tài sản công ty, là quyền lợi chung của tất cả cổ đông… Tuy nhiên, ông Thanh Hải, một nhà đầu tư chứng khoán lâu năm tại TP.HCM, cho rằng giải thích của một số lãnh đạo doanh nghiệp không sai nhưng không hợp lý, hợp tình với cổ đông nhỏ lẻ. Bởi khi đầu tư vào cổ phiếu (CP), nhiều cá nhân ngoài việc trông chờ giá CP tăng thì cũng tính đến cổ tức nhận được. 

Trong bối cảnh hơn 1 năm qua khi giá chứng khoán đã lao dốc mạnh, nhiều người vẫn còn thua lỗ lớn thì chỉ còn trông chờ vào cổ tức để có được niềm an ủi. Các doanh nghiệp bị thua lỗ thì chẳng nói làm gì, nhưng nhiều công ty đã đạt kết quả kinh doanh tốt nhưng vẫn không chia cổ tức khiến cổ đông quá hụt hẫng. 

"Những cổ đông, nhà đầu tư nhỏ khi nắm giữ CP lên khoảng 2 năm là quá dài. Thế nên trường hợp doanh nghiệp 1 năm, 2 năm không trả cổ tức thì còn chấp nhận được nhưng đến 4 năm, 5 năm hay lên cả 10 năm vẫn không chia cổ tức dù năm nào cũng có lợi nhuận hàng trăm tỉ hay hàng ngàn tỉ đồng thì không công bằng với cổ đông. Nhà đầu tư không thể ngồi chờ vài năm liền để nhận về một khoản cổ tức chỉ 10 - 15%. Nếu như vậy họ sẽ gửi tiền vào NH tốt hơn khuyến khích tham gia vào thị trường chứng khoán", ông Hải nói.

Thấu hiểu bức xúc của cổ đông trong mùa ĐHCĐ, ông Huỳnh Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty chứng khoán NH Đông Á, cũng cho rằng yêu cầu về cổ tức là chuyện dễ hiểu. Thông thường khi thị trường sôi động, giá CP tăng cao thì cổ đông đã được hưởng lợi nhuận từ chênh lệch giá nên sẽ ít để ý đến cổ tức. Hoặc khi giá CP lên cao thì họ đều bán ra nên không còn quan tâm giữ chờ nhận cổ tức. Tuy nhiên khi giá CP lại giảm mạnh, danh mục đầu tư thua lỗ thì họ càng trông chờ được chia cổ tức. Về nguyên tắc, lợi nhuận do doanh nghiệp làm ra không chia cho cổ đông mà giữ lại thì tài sản công ty gia tăng. Nhưng không ai biết chắc chắn rằng việc giữ lại lợi nhuận để doanh nghiệp tái đầu tư thì có thể lớn mạnh hơn không hay có khi dự án đó lại thua lỗ… 

"Lãnh đạo doanh nghiệp thường gắn bó với công ty 10 năm, 20 năm hay nhiều hơn là bình thường. Riêng nhà đầu tư cá nhân chỉ nắm giữ CP 1 - 2 năm, rất hiếm người kiên nhẫn nắm giữ CP lên đến 10 năm. Hơn nữa, nhiều công ty không có lộ trình về kế hoạch chia cổ tức rõ ràng mà có khi thay đổi theo từng năm, tùy thuộc vào ý chí của cổ đông lớn. Điều này càng khiến cho nhà đầu tư không có niềm tin để rót tiền vào CP dài hạn", ông Huỳnh Anh Tuấn chia sẻ thêm.

Nhiều công ty khất nợ cổ tức hơn 10 năm

Dù đã công bố chia cổ tức nhưng một số công ty năm này qua năm khác đều khất nợ với cổ đông. Chẳng hạn, Công ty CP Lilama 45.4 (mã chứng khoán L44) đã thông báo thay đổi ngày trả cổ tức năm 2012, 2013 bằng tiền sang cuối năm 2023. L44 cho biết đang gặp nhiều khó khăn về tài chính, nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Công ty sẽ sắp xếp nguồn vốn và ưu tiên trả các khoản nợ người lao động, ngân sách, do đó chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức. Điều này đồng nghĩa với việc sau 10 năm cổ đông vẫn chưa nhận được cổ tức. 

Tương tự, Công ty CP đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (mã chứng khoán SJS) cũng thông báo tiếp tục kéo dài thời gian thanh toán cổ tức năm 2016 và năm 2017 sang ngày 30.6.2023. Đây đã là lần thứ tám công ty trì hoãn việc thanh toán cổ tức 2016 và là lần thứ tư trì hoãn chi trả cổ tức 2017 cho cổ đông. Thậm chí, vào giữa năm 2019, Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) từng phải nhắc nhở và đề nghị doanh nghiệp giải trình về nguồn tiền để trả cổ tức nêu trên…

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.