(TNO) Sau khi luật Nhà ở năm 2014 với một số điều kiện thông thoáng dành cho đối tượng người nước ngoài chính thức có hiệu lực từ ngày 1.7, nhiều Việt kiều và người nước ngoài đã bắt đầu rục rịch mua nhà ở Việt Nam.
vào thị trường bất động sản ở Việt Nam - Ảnh: Đình Quân
Chiều 21.7, trong báo cáo thị trường bất động sản TP.HCM quý 2.2015, Công ty nghiên cứu CBRE cho biết có hàng trăm căn hộ được bán cho người nước ngoài sau khi luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1.7 cho phép người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam. Cụ thể đã có 112 căn hộ tại một dự án lớn nhất TP.HCM của Tập đoàn Vingroup được bán cho người nước ngoài.
“Trong những năm qua, những nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường phàn nàn về sự không công bằng trong thị trường Việt Nam. Còn bây giờ với sự thay đổi này, chúng ta có thể thấy liệu họ có thực sự muốn nắm bắt cơ hội”, báo cáo CBRE nhận định.
Báo cáo của CBRE cũng cho biết thị trường căn hộ tiếp tục phục hồi. Điều này đã được chứng minh bởi lượng tiêu thụ căn hộ kỷ lục của quý 2.2015 với hơn 10.000 căn. Nếu trước đây giai đoạn 2012 - 2013, khách hàng chủ yếu mua căn hộ ở phân khúc bình dân thì nay đã dịch chuyển sang phân khúc cao cấp.
Trong quý 2.2015, phân khúc cao cấp ghi nhận mức tiêu thụ khoảng 5.800 căn hộ, trong khi chỉ có khoảng 2.800 căn hộ được bán trong phân khúc bình dân.
Quý 2.2015 được ghi nhận là quý có số căn hộ cao cấp mở bán theo quý đứng thứ nhì trong lịch sử (tương đương 4.500 căn), đa số nằm ở khu đông Sài Gòn. Không chỉ số lượng chào bán căn hộ tăng cao, hầu hết các dự án cao cấp đã tăng giá bán trong giai đoạn/lần mở bán sau.
Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (Horea) vừa có công văn gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM về việc gỡ khó thủ tục tạo điều kiện cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, cơ quan có thẩm quyền xác nhận nguồn gốc Việt Nam của người Việt Nam ở nước ngoài là Sở Tư pháp cấp tỉnh, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Horea cho biết căn cứ để xác nhận nguồn gốc của người Việt Nam ở nước ngoài chủ yếu là khai sinh, thẻ căn cước, tờ khai gia đình, chứng minh nhân dân, hộ khẩu... Tuy nhiên, do hoàn cảnh lịch sử, nhiều người Việt ở nước ngoài nay không còn lưu giữ hồ sơ hộ tịch. Nhiều trường hợp hồ sơ hộ tịch gốc không còn lưu trữ tại các cơ quan có thẩm quyền trong nước.
Do vậy, cần phải có giải pháp để xử lý các trường hợp nêu trên tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài có cơ hội được mua và sở hữu nhà. Trước tháng 5.1975, ở phía nam, có phương thức tòa án dân sự được ra "án thế vì khai sinh" trên cơ sở khai trình của những người có liên quan, có hai nhân chứng có tuyên thệ, cam kết chịu trách nhiệm, để xử lý các trường hợp chưa có khai sinh hoặc không thể về quê gốc để trích lục khai sinh.
Từ đó, Horea kiến nghị bổ sung chế định giao cho tòa dân sự có thẩm quyền ban hành "án thế vì khai sinh" để giải quyết hợp trường hợp chưa có khai sinh, hoặc không còn hồ sơ hộ tịch gốc... giúp Việt kiều có thể mua nhà ở Việt Nam.
Bình luận (0)