'Nhà đầu tư từng hồ hởi muốn làm sân bay, nhưng giờ đi hết rồi'

Mai Hà
Mai Hà
24/06/2023 09:35 GMT+7

Theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, khó khăn, vướng mắc trong cơ chế khiến trước đây nhiều nhà đầu tư hồ hởi muốn tham gia vào các dự án sân bay này, nhưng "bây giờ đi hết rồi".

Tại tọa đàm “Huy động các nguồn lực phát triển hạ tầng hàng không” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 23.6, ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT), cho biết trong số 22 cảng hàng không cả nước, riêng Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, khai thác 21 cảng. Chỉ duy nhất 1 cảng hàng không huy động xã hội đầu tư theo hình thức PPP là sân bay Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh).

'Nhà đầu tư từng hồ hởi muốn làm sân bay, nhưng giờ đi hết rồi' - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch đầu tư (Bộ GTVT)

VGP

Theo ông Dũng, tốc độ phát triển hàng không ở Việt Nam rất nhanh, trung bình từ 16 - 18%/năm, được Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế đánh giá là tốc độ phát triển hàng không nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, đứng thứ 5 thế giới. Dù vậy, tốc độ phát triển quá nhanh này lại đang gây áp lực lên kết cấu hạ tầng cảng hàng không.

Công suất thiết kế cho các sân bay là 95 triệu lượt hành khách/năm giai đoạn 2011 - 2019. Trong khi trước Covid-19 năm 2019, sản lượng thông qua các sân bay của Việt Nam đạt 116,5 triệu hành khách/năm, vượt tới 20 triệu lượt khách so với công suất thiết kế.

“Với lưu lượng như vậy, một số cảng hàng không của chúng ta đã quá tải hạ tầng, nhất là các sân bay lớn như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Cam Ranh, Đà Nẵng. Nhà ga có thể chen chúc được chứ sân đỗ máy bay thì không có cách nào chen cả”, ông Dũng nêu.

Tuy nhiên, việc thu hút xã hội hóa hạ tầng cảng hàng không đang gặp nhiều vướng mắc. Chia sẻ từ kinh nghiệm bản thân, ông Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không, cho biết đã được mời tham vấn vào một số dự án có ý định xã hội hóa hạ tầng sân bay như sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An), sân bay Phù Cát (tỉnh Bình Định), sân bay Thành Sơn (tỉnh Ninh Thuận).

Tuy nhiên, theo ông, vướng mắc lớn nhất là “chưa có đường đi”. Nói các khách, nhà đầu tư chưa biết đi thế nào về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư; các địa phương không biết đi thế nào, làm như thế nào để thực hiện các đề án xã hội hóa.

“Thực tế là sau một thời gian theo đuổi, rất đáng tiếc là các nhà đầu tư trước đây hồ hởi, muốn tham gia vào các dự án sân bay này, thì bây giờ đi hết rồi”, ông Nam nói.

Cho rằng vấn đề xã hội hóa hạ tầng sân bay đã nói trong 10 năm qua nhưng chưa triển khai được nhiều, vấn đề rắc rối nhất theo ông là xử lý tài sản của ACV hiện nay tại các sân bay hiện hữu.

Hiện có 2 phương án: một là ACV sẽ thoái vốn hết khỏi các sân bay đó và phương án hai là ACV tiếp tục ở lại và làm cổ đông chi phối tại các sân bay xã hội hóa.

Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên đi theo phương án 2, bởi vì hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào đưa tiền cho ACV để ACV chi phối trong các dự án phát triển sân bay. Tôi nghĩ phương án tốt nhất là ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành. Nhưng vẫn phải có cách để giải quyết tài sản của họ cho khoa học, minh bạch, không thất thoát, rõ ràng.

TS Lương Hoài Nam

“Cá nhân tôi nghĩ rằng không nên đi theo phương án 2, bởi vì hiếm có doanh nghiệp tư nhân nào đưa tiền cho ACV để ACV chi phối trong các dự án phát triển sân bay. Tôi nghĩ phương án tốt nhất là ACV nên thoái ra để cho nhà đầu tư tư nhân và các liên doanh đầu tư tư nhân tham gia, vận hành. Nhưng vẫn phải có cách để giải quyết tài sản của họ cho khoa học, minh bạch, không thất thoát, rõ ràng”, ông Nam đề nghị.

'Nhà đầu tư từng hồ hởi muốn làm sân bay, nhưng giờ đi hết rồi' - Ảnh 3.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không

VGP

Cần vai trò đột phá của địa phương

Với kinh nghiệm 5 năm quản lý vận hành sân bay tư nhân đầu tiên cả nước là Vân Đồn, ông Phạm Ngọc Sáu, nguyên Giám đốc Cảng hàng không Vân Đồn, cho rằng cần tạo đột phá trong việc thu hút vốn xây dựng sân bay.

Theo đó, Nhà nước cần tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, đáng tin cậy, đơn giản hóa thủ tục, hoàn thiện độ tin cậy về quyền sở hữu, chính sách đất đai; đảm bảo môi trường đầu tư ổn định. Quy trình cấp phép, quản lý hoạt động sân bay phải minh bạch; xây dựng được mô hình đối tác công - tư mạnh mẽ, hữu ích.

Ngoài ra, xung quanh sân bay phải có hạ tầng đường bộ, đường sắt, đường thủy kết nối thuận tiện để tăng tiềm năng giao thương, du lịch. Ông Sáu lấy ví dụ sân bay Vân Đồn được xây trên đất Quảng Ninh, nhưng khách đến Hạ Long (Quảng Ninh) thường chọn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) vì đi lại thuận tiện hơn.

Theo TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, để hút được vốn tư nhân đầu tư sân bay, yếu tố để đột phá là vai trò của các địa phương. Đơn cử như Quảng Ninh đã giải phóng mặt bằng nhanh để nhà đầu tư làm sân bay Vân Đồn.

"Công trình rẻ, không đội vốn, đội giá gì nhưng kéo từ năm này qua năm khác sẽ đội lên rất nhiều. Nhiều khi hiệu quả công trình tiết kiệm nằm ở thời gian rút ngắn giải phóng mặt bằng", ông Dũng chia sẻ.

Xem nhanh 12h ngày 24.6: Bản tin thời sự toàn cảnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.