Người tiêu dùng có thể bỏ ra nhiều tỉ đồng mua một cây cảnh, một bức tranh, hay một bộ ghế thuộc hàng danh mộc; nhưng bỏ tiền triệu mua gốm đương đại thì… còn nhiều cân nhắc. Gốm, chất liệu phổ thông nhất, cũng là nghề tồn tại lâu đời nhất trong lịch sử loài người, được mặc định làm nên sản phẩm sử dụng; việc nhận biết nghệ thuật từ gốm vẫn là khái niệm ít nhiều xa lạ. Dù rằng sở hữu những làng gốm cổ trải dọc đất nước, nhưng để gốm Việt thời hiện tại có chỗ đứng xứng tầm với lịch sử gốm Việt, vẫn còn khoảng cách rất xa.
Điêu khắc gia Lê Anh Vũ tận dụng lợi thế vốn có của mình về nghề gốm làng cổ Bát Tràng, đang từng bước gây dựng một sân chơi, nhưng không phải để chơi cho vui cùng gốm, mà cùng những điêu khắc gia khác, những nghệ sĩ thành danh khác… định hình mục tiêu dài hạn, nơi đó gốm được hiểu, được thể hiện và diễn tả bằng ngôn ngữ của nghệ thuật đỉnh cao.
Anh có thể cho biết gốm truyền thống và việc phát triển nghề có những hạn chế gì dựa trên kinh nghiệm là người trong cuộc?
Câu chuyện làng nghề bao lâu nay thường vướng phải việc giới hạn sản phẩm, sáng tác mẫu mới rất ít, một người ra mẫu cả làng chép theo là chuyện phổ biến. Điều này không trách được người thợ, có trách là trách cả tổng thể chậm phát triển, tư duy tiêu dùng ảnh hưởng đến sản xuất. Một đơn vị sản xuất tốt, tiềm lực mạnh có thể định hướng thị trường, sản phẩm làm ra xã hội phải chạy theo. Nhưng ở làng gốm, cụ thể như Bát Tràng, nhiều lò gốm không thể định hướng được, họ phải tự thân ganh đua chiếm thị phần chung, làm theo nhu cầu tiêu dùng, trào lưu thị hiếu của xã hội.
Lấy ví dụ cái chén trà xanh trắng giờ dễ bán, còn vẽ men màu tam thái, ngũ thái như những năm 1990 lại chẳng ai mua, hoặc biến tấu một chút ra mẫu mới, chẳng ai đoái hoài. Phổ cập nghệ thuật toàn dân còn hạn chế. Doanh nghiệp phải tìm cách vận động để sống, phải chạy theo thị trường, nên cứ quanh quẩn không thoát xa được.
Tư duy giấu nghề, giờ có còn tồn tại?
Vẫn có đấy, nhiều khi cần nhau cái đĩa, cái chén, đến cửa hỏi họ không cho vào đâu, vì sợ bị ăn cắp mẫu. Nhưng cũng có lý do nhiều khi dây chuyền sản xuất đang chạy, người lạ vào cản trở lưu thông, ảnh hưởng vệ sinh hoặc gián đoạn sản xuất.
Còn riêng khái niệm giấu nghề, tôi quan niệm càng giấu càng khổ, càng đi xuống, bởi nếu anh mở rộng, càng nhiều bạn, thêm kinh nghiệm, nghề càng tốt hơn. Những kỹ năng, kỹ xảo, men thuốc, kinh nghiệm… nó ở trong đầu, ai moi ra được. Kể cả có nói ra, từ lý thuyết đến thực hành là cả quá trình, nên tư duy giấu nghề chính là cách tự hại mình thôi.
Thợ nghề, nghệ nhân, nghệ sĩ, tư duy rất khác nhau. Là người có thể "cân" được các danh xưng ấy, cộng vốn tích lũy ở góc độ sư phạm khi giảng dạy tại Trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, anh muốn thể hiện gì với gốm?
Thợ nghề, nghệ nhân, họ có tự hào của họ, bởi là người trực tiếp tạo nên sản phẩm, trả giá bằng mồ hôi, nước mắt cùng thời gian mới thành thạo, nên cách nghĩ họ rất khác với nghệ sĩ. Tôi làm những cuộc triển lãm gốm nghệ thuật do các nghệ sĩ hàng đầu thể hiện rồi mời nghệ nhân hàng đầu của làng, cả anh em làm gốm thương mại, thợ nghề… đến xem, giao lưu với nghệ sĩ; mọi người trầm trồ đấy, thích đấy, nhưng để tiêu hóa được thì còn xa vời. Nhưng cái được là người thợ nghề, người làm thương mại, nghệ nhân, khi tương tác, họ hiểu hơn về nghệ sĩ qua cách nhìn, cách thể hiện ý tưởng trên gốm nghệ thuật.
Là nhà điêu khắc sử dụng chất liệu kim loại trong các sáng tác từ những năm 2010, vì cớ gì anh quay lại với gốm?
Vì tự ái, bởi nhiều đồng nghiệp nổi tiếng coi gốm là tầm thường, nhiều người về làng Bát Tràng ca thán rằng sản phẩm chán, chẳng có gì để xem. Tôi muốn dùng hết khả năng của mình để mọi người thấy gốm không đơn giản chỉ là sản phẩm xưa nay, mà ở vị thế khác. Gốm không chỉ là ứng dụng, nếu hiểu được cấu trúc, men thuốc, làm chủ nó, sẽ thể hiện được nhiều điều.
Và cách anh chứng minh cụ thể là gì?
Tôi lập nên Không gian gốm nghệ thuật Bát Tràng (Bát Tràng Ceramic Art Space), quy tụ anh em trong giới điêu khắc hàng đầu hiện nay đến sáng tác, làm triển lãm, mở cửa tự do tham quan. Tác phẩm thể hiện cái tôi của từng nghệ sĩ, có điểm chung là hướng đến chuyên nghiệp, chỉn chu, đẳng cấp và bài bản, không chơi cho vui. Chính sự thành danh đã có của từng nghệ sĩ, mỗi người khi đến sáng tác đều xây dựng tác phẩm gắn với hình ảnh, trách nhiệm của riêng mình.
Khái niệm "sân chơi" cho nghệ thuật ngày càng nhiều, định hướng "sân chơi" của anh có gì khác biệt?
Làm nghệ thuật có nhiều dạng, nhánh kinh doanh nghệ thuật kiếm tiền, nhánh tạo hiệu ứng lan tỏa. Là nơi tập trung chia sẻ, giao lưu nghề nghiệp, khơi dậy ý tưởng, tôi chọn nhánh thứ hai. Tôi không tập trung các tên tuổi điêu khắc về làm gốm với tôi để bán tác phẩm, bởi bản thân các nghệ sĩ đã hoạt động tốt, rất thành công theo mảng riêng của họ rồi. Tôi mời đến góp công, góp sức, gọi là "chơi" cho vui, không nặng về kinh tế.
"Chơi" bình thường đã khó, chơi với gốm mà thuộc hệ tay ngang nhảy vào còn khó hơn bội phần, điều đó có đúng?
Đúng! Trong trường hợp tôi không phải là người làng nghề đứng ra tổ chức, bởi mọi thứ sẽ phải tạo dựng từ đầu, với đất, men, lò nung, rồi đủ thứ kỹ thuật và kinh nghiệm đi kèm. Nên nếu tổ chức một cuộc chơi, đủ hiện vật cho triển lãm dù nhỏ, cũng tiêu tốn rất nhiều công sức và tiền bạc.
Còn với Bát Tràng Ceramic Art Space, mọi thứ đơn giản lắm. Tôi có nghề, có xưởng đang hoạt động, có thợ làm việc hằng ngày, có lò nung, tôi làm chủ tất cả các công đoạn về kỹ thuật, nên việc cân đối kinh tế cho anh em nghệ sĩ đến chơi với gốm thật đơn giản và dễ dàng. Tôi mời đến góp cơm, góp cháo, trên tinh thần chung tay cho ra một cuộc chơi chuyên nghiệp. Nghệ sĩ ra ý tưởng, bắt tay vào làm, khúc mắc ở khâu nào, tôi hoặc anh em kỹ thuật sẽ giúp xử lý, hỗ trợ kỹ thuật chuyên môn, từ tạo hình, men thuốc, rồi đến nung đốt. Thành phẩm khi hoàn hảo, chi phí rất thấp, nhưng chuyển tải được tối đa ý đồ mà nghệ sĩ muốn thể hiện.
Những nghệ sĩ đến chơi với gốm đều có "số" trên nghệ đàn Việt, làm thế nào anh có thể quy tụ và chiêu dụ những "siêu sao" ấy đến với gốm?
Muốn nghệ sĩ phát huy tối đa sức lao động và khả năng sáng tạo, là để cho họ tự do, thoải mái về đầu óc, tinh thần. Nên khi mở ra Bát Tràng Ceramic Art Space, tôi không làm theo tư duy gò ép, chẳng hạn có nơi nghệ sĩ đến sáng tác được 5, họ giữ lại 3, có nơi giữ lại toàn bộ. Nhưng ở Bát Tràng Ceramic Art Space, mọi người làm ra bao nhiêu sở hữu bấy nhiêu, mua bán thế nào tự do xử lý, tôi không can thiệp vào công việc kinh doanh của các nghệ sĩ.
Một điều quan trọng nữa, tôi muốn mọi người đến với gốm là lao động thực sự, chuyên nghiệp, sáng tạo, không phải để giải trí cho vui.
Nghệ thuật và tài chính luôn là bài toán khó cân bằng; mở ra một không gian "chơi" cùng nghệ sĩ cũng có người từng làm, nhưng chỉ tồn tại một thời gian rồi… nghỉ chơi, anh nghĩ gì?
Tôi nghĩ xa lắm, bản thân tôi là người thích học hỏi từ người khác, nên khi xây dựng cuộc chơi này từ ban đầu, tôi thấy mình được rất nhiều. Mỗi nghệ sĩ đều có cái hay trong sáng tạo nghệ thuật; khi đến làm việc cùng nhau, tôi học được từ họ đặc biệt là trong cách tư duy, cách họ tiếp cận gốm, và cách giải quyết vấn đề thông qua gốm. Qua sân chơi ấy, tôi cũng muốn để mọi người nhìn gốm Bát Tràng ở một góc tiếp cận khác, hiểu hơn về gốm, để gốm có thêm giá trị và chỗ đứng mới trong xã hội đương đại.
Còn ở góc độ cá nhân, càng nhiều anh em nghệ sĩ đến làm việc, tôi càng thêm bạn, thêm kiến thức và kinh nghiệm, đó là sự lan tỏa, sau đó tài chính nó tự đến. Tôi quan niệm cứ mở lòng, cho đi, rồi mình cũng sẽ được nhận lại.
Các triển lãm của anh em nghệ sĩ tại Bát Tràng Ceramic Art Space, gần đây nhất là Phồn 2… điều gì khiến anh thực sự tâm đắc, nhất là trong công tác giảng dạy ở ĐH?
Tôi học ĐH, rồi cao học, đi sáng tác rất nhiều, nhưng thực sự khi đứng lớp, giảng dạy, hoặc giúp sinh viên thực tập đến từ các trường ĐH Mỹ thuật công nghiệp, ĐH Kiến trúc… cần nhiều câu chuyện rộng dài hơn thì tôi thấy mình chưa đủ. Nhờ có Bát Tràng Ceramic Art Space, tôi được tương tác, giao lưu, va chạm cùng các nghệ sĩ lớn, những người đi trước, họ chỉ ra những điểm khiếm khuyết, yếu kém trong nghề của tôi…; đấy là cái thực sự đáng quý. Ở Bát Tràng Ceramic Art Space, mọi người rất cởi mở, từ tư duy, cảm xúc, kỹ năng nghề nghiệp…; tất cả cùng quan điểm là chia sẻ, không vụ lợi, ai cũng muốn lan tỏa giá trị mình đang có bằng công việc sáng tạo cá nhân. Nhờ kiến thức thực tế ấy, tôi đem truyền lại cho các sinh viên và những người yêu thích gốm.
Nhìn lại sau hơn 5 năm hoạt động của Bát Tràng Ceramic Art Space, ngoài những triển lãm, ngoài cái "được" cho riêng mình, điều khiến anh tâm đắc là gì?
Đó là sức lan tỏa, nhiều không gian gốm tương tự hoạt động rất hiệu quả như xưởng gốm của nghệ sĩ Hiếu (Mường) ở Hòa Bình, Hiếu (béo) ở Hà Nội… Có những nghệ sĩ đến với gốm ở Bát Tràng Ceramic Art Space và thành công như điêu khắc gia Nguyễn Duy Mạnh, Hoàng Mai Thiệp… Nhiều bậc đàn anh và thế hệ điêu khắc trước chúng tôi cũng bắt đầu chọn gốm làm chất liệu sáng tác và đang hoạt động tại đây. Hay như họa sĩ Triệu Minh Hải, vẽ sơn dầu, chơi với gốm ở Bát Tràng Ceramic Art Space, nay anh thường tổ chức các lớp dạy gốm rất quy mô, cho hàng trăm người. Những lan tỏa cụ thể cứ như thế mở rộng, đó là điều tôi thực sự hài lòng khi đồng hành cùng các nghệ sĩ ở Bát Tràng Ceramic Art Space.
Cảm ơn anh về những chia sẻ thú vị!
Bình luận (0)