Nhà giáo 82 tuổi triển lãm diễn ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Trinh Nguyễn
Trinh Nguyễn
23/12/2021 06:15 GMT+7

Ở tuổi 82, nữ nhà giáo Nguyễn Thị Mỹ Dung công bố diễn ca về Điện Biên Phủ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung tiến tới tấm pano mành tre phất lụa in thơ. Bài thơ bà làm trên đó nói về trận đánh mở đầu chiến dịch Điện Biên Phủ tại Him Lam. Trong đó, có cả tâm sự của hạ sĩ Pháp sống sót trở về cho thấy quân Pháp đã bất ngờ thế nào: “Pháo Việt Minh đâu ra nhiều thế”.

Bà Mỹ Dung nói: “Trong tâm sự của mình, Đại tướng nói đời chỉ huy của tôi khó nhất là lần này, lần này là thay đổi phương án. Mọi người nói tiến nhanh thắng nhanh nhưng Đại tướng nói tiến nhanh thắng nhanh thì hao tổn binh lực lắm, phải tiến chắc thắng chắc”.

Những pano cho thấy câu chuyện lịch sử cùng hình ảnh về Đại tướng và Điện Biên Phủ

BTC cung cấp

Tại triển lãm thơ diễn ca lịch sử Theo dấu chân Đại tướng (khai mạc ngày 21.12 tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hà Nội) nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp và 77 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, có nhiều câu chuyện được bà Mỹ Dung kể lại trên 92 tấm pano như thế. Những dòng diễn ca ấy kể về Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể từ khi ông được Bác Hồ giao cho toàn quyền ở Điện Biên Phủ. Cũng có câu chuyện khác về những người anh hùng đã chiến đấu và hy sinh ở Điện Biên. Tên của họ gắn liền với chiến thắng chấn động địa cầu này. Đó là những Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn… Triển lãm cũng có cả những hình ảnh khoảnh khắc đời thường của vị Tổng tư lệnh.

Toàn bộ phần diễn ca này được bà Nguyễn Thị Mỹ Dung sáng tác từ năm 2014 sau chuyến đi Điện Biên Phủ theo những dấu mốc lịch sử mà Đại tướng đã làm nên. Bà cũng đã đọc hết Tổng tập Võ Nguyên Giáp trước khi bắt đầu việc sáng tác 110 bài thơ về ông.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung tại triển lãm Theo dấu chân Đại tướng

Lịch sử trong lòng dân

Bà Mỹ Dung cho biết bà luôn ghi trong lòng câu nói của Bác Hồ: “Dân ta phải biết sử ta”. Từ đó, nữ nhà giáo có cách lựa chọn của riêng mình. “Tôi thấm câu nói của Đại tướng là phải làm lớp trẻ hiểu sâu sắc lịch sử hơn nữa, nhiều hơn nữa. Vì thế, tôi diễn ca lịch sử chính là để người dân và lớp trẻ dễ hiểu, dễ nhớ. Lịch sử tôi chọn ở đây là chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhân vật lịch sử là Đại tướng Võ Nguyên Giáp”, bà Mỹ Dung nói.

Nữ nhà giáo, nhà báo, nhà thơ Nguyễn Thị Mỹ Dung và Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Tư liệu

Bài thơ bà Mỹ Dung tâm đắc nhất chính là bài về riêng Đại tướng. Bài thơ đã được phổ nhạc và có đoạn: “Đất Việt tướng tài - bậc vĩ nhân/Là người anh cả của toàn dân/Thắng hai đế quốc: vang danh Võ/Thống nhất sơn hà: rạng tiếng Văn”.

Những diễn ca lịch sử của bà cũng trở nên giàu cảm xúc hơn khi được đặt cạnh nhiều tác phẩm ảnh. Trong số này, phần lớn là tư liệu ảnh của Thông tấn xã Việt Nam. Ông Chu Chí Thành, nguyên Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam, cho biết: “Hầu như ảnh thời Điện Biên Phủ là của phóng viên thông tấn xã”.

Bà Võ Hòa Bình, con gái Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chia sẻ: “Cách trình bày triển lãm rất gần với phong cách của Đại tướng, đó là giản dị và sâu sắc. Đơn giản mà vẫn đi vào lòng người”.

Bà Nguyễn Hải Vân, Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, nhận xét triển lãm tái hiện bài học về sự đồng lòng, phát huy sức mạnh tập thể của dân tộc Việt Nam từ hơn nửa thế kỷ trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.