Nhà giàu khát con trai

13/11/2011 16:34 GMT+7

Số bé trai được sinh ra tăng rất cao trong nhóm các cặp vợ chồng nhà giàu, học vấn cao.

Số bé trai được sinh ra tăng rất cao trong nhóm các cặp vợ chồng nhà giàu, học vấn cao.  

Xuất ngoại tìm giống Y

Bác sĩ T., chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cho biết: “Tôi nhận được khá nhiều lời đề nghị giúp sinh con trai của các cặp vợ chồng, phần lớn trong số họ là các cặp vợ chồng có điều kiện kinh tế khá giả, ổn định và có học vấn. Có cặp, chồng làm về khoa học công nghệ, vợ là giảng viên đại học, có hai con gái nhưng rất đồng lòng muốn sinh thêm con trai vì lý do "nhà chồng mong mỏi". Nhưng tâm sự một hồi anh chị mới bày tỏ: trời không cho con trai nhưng lại cho chút tiền bạc. Nhưng mỗi lần gặp bạn bè lại bị chúng nó “chỉ trích”:  “Làm vừa thôi, cứ mua nhà to, nhà bé của nả sau này cũng làm từ thiện cho… con rể!”.

Có cặp vợ chồng đã 40 tuổi có con gái lớn sắp vào ĐH bỗng dưng muốn sinh thêm con trai cũng dắt nhau đến nhờ bác sĩ giúp chọn giống mang đuôi Y. Bác sĩ T. cho biết: "Không chỉ từ chối việc lập kế hoạch sinh con trai, nhiều trường hợp tôi đã phải tư vấn để họ bớt "khát". Thậm chí tôi phải đem chính mình ra làm ví dụ: rằng bác sĩ không có khả năng chọn đâu, vợ chồng bác sĩ cũng sinh hai con gái".

Nhưng dù vậy, đề nghị giúp đỡ sinh con trai vẫn không giảm. Có trường hợp, chị vợ 27 tuổi hơn tuổi chồng 2 tuổi, muốn "ăn chắc" sinh con trai ngay từ lần đầu. Từ trước ngày cưới cả tháng đã điện thoại tới tấp đề nghị bác sĩ tư vấn ăn kiêng, chọn ngày để... đậu con trai đầu lòng.

Hay một trường hợp khác, chị vợ có chồng làm “quan” cấp vụ. Anh chồng lại là con trưởng có nhiệm vụ sinh cháu đích tôn cho ông bà nội. Đôi vợ chồng này đã có con gái đầu lòng 9 tuổi khỏe mạnh, học giỏi, nhưng “ngay từ lúc siêu âm biết sẽ sinh con gái đầu lòng tôi đã nghĩ phải có kế hoạch sinh con trai lần hai" - chị vợ kể mà ngân ngấn nước mắt. Khi bác sĩ từ chối không thể hỗ trợ hai người sinh con trai, chị vợ quyết tâm cùng chồng bay sang nước láng giềng để tìm đến dịch vụ chọn lọc giống. Trở về sau chuyến đi, chị vợ kể: "Hết hy vọng rồi, vì bên đó họ bảo nòng nọc Y của ông xã "yếu" không đủ điều kiện cho sinh con trai”.

Càng giàu càng khát

Theo ông Nguyễn Văn Tân, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (TCDS), tâm lý “sinh con trai nối dõi” chính là “động lực” khiến các vợ chồng tích cực tìm cách sinh con trai. Số trẻ trai đã tăng nhanh trong những năm gần đây. Đặc biệt, mất cân bằng giới tính khi sinh tăng cao ở nhóm cư dân có điều kiện kinh tế tốt hơn. Người càng giàu thì càng nỗ lực sinh con trai, càng có điều kiện tiếp cận với các hỗ trợ sinh con theo ý muốn, dù “ngoài luồng”.

Với nhóm nghèo nhất và nghèo, tỷ lệ trẻ trai - trẻ gái được sinh ra ở mức bình thường (105/100 và 107/100); ở nhóm giàu và giàu nhất tỷ lệ này đã tăng lên 112-113 trẻ trai/100 trẻ gái.

"Tôi cho rằng tiến bộ trong siêu âm, chẩn đoán sớm giới tính thai nhi đã hỗ trợ lựa chọn giới tính thai nhi. Và người có hiểu biết thì khả năng tiếp cận, áp dụng công nghệ này tăng lên. Phỏng đoán này dựa trên thực tế hiện nay: Ở nhóm các bà mẹ là phụ nữ có trình độ càng cao thì mất cân bằng giới tính khi sinh với số trẻ trai ra đời cũng cao hơn. Trong nhóm bà mẹ có trình độ từ cao đẳng trở lên, tỷ lệ con sinh ra là trẻ trai so với trẻ gái lên đến 114/100. Trong khi ở nhóm mẹ trình độ thấp hơn (bậc trung học cơ sở) thì tỷ lệ trẻ trai/trẻ gái được sinh ra thấp hơn hẳn: 109/100.

Hàng chục trang web có thông tin hướng dẫn về lựa chọn giới tính khi sinh đã bị đóng cửa; một số trường hợp siêu âm chẩn đoán lựa chọn giới tính thai nhi đã bị cơ quan quản lý phát hiện xử phạt nhằm ngăn chặn việc áp dụng chọn giới tính thai nhi. “Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi vẫn là tâm lý trong mỗi gia đình dòng họ. Để giảm “khát” con trai thì mỗi cặp vợ chồng trước hết phải vượt qua những quan niệm xưa cũ, xác định sinh con khỏe mạnh, nuôi con ngoan ngoãn trưởng thành là hạnh phúc nhất”, ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng TCDS chia sẻ. 

Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.