Nhà hàng 50 chỗ mới đạt chuẩn?

25/01/2018 06:03 GMT+7

Quy định kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có ít nhất 50 chỗ ngồi; kinh doanh mua sắm, thể thao, giải trí, sức khỏe, ăn uống... phải thanh toán bằng thẻ tín dụng mới đạt chuẩn phục vụ du khách... trong dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của luật Du lịch 2017 đang làm khó doanh nghiệp.

Làm khó doanh nghiệp nhỏ
Theo báo cáo của Sở Du lịch TP.HCM, hiện trên địa bàn thành phố có 132 nhà hàng được thẩm định, cấp biển hiệu đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch.
Ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Viet Circle, cho rằng hiện nay tỉnh thành nào cũng đẩy mạnh mô hình phố đi bộ nằm trong các khu đông dân cư như phố cổ Hà Nội, phố đi bộ Bùi Viện (TP.HCM) để thu hút khách quốc tế. Trong các khu phố này, thường chỉ có các quán ăn gia đình mô hình nhỏ, yêu cầu phải đủ 50 chỗ ngồi là làm khó doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ. “Để đánh giá một cơ sở đạt tiêu chuẩn phải dựa vào chất lượng phục vụ, chất lượng món ăn chứ không phải số lượng, quy mô lớn hay nhỏ. Một đoàn khách thường có khoảng 15 - 20 người, yêu cầu tối thiểu chỉ cần 20 chỗ ngồi là đủ. Các cơ sở kinh doanh có điều kiện về mặt bằng sẽ tự định lượng khách, cân đối doanh thu để mở rộng quy mô phù hợp”, ông Huê nói.
Mới đây, trong văn bản góp ý về dự thảo thông tư, Phòng Thương mại - Công nghiệp VN (VCCI) cũng cho rằng việc yêu cầu các nhà hàng phải có ít nhất 50 chỗ là một tiêu chuẩn chưa hợp lý. Cùng một diện tích nhưng nhà hàng bố trí số chỗ ngồi ít để tạo không gian thoáng, phục vụ tốt hơn cho khách hàng thì sẽ không thỏa mãn tiêu chuẩn; trong khi nhà hàng bố trí số chỗ ngồi nhiều sát nhau thì lại đáp ứng. “Tiêu chí để đánh giá một nhà hàng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch nên dựa vào khả năng của nhà hàng trong việc đáp ứng các yêu cầu của khách chứ không phải là các tiêu chí về quy mô”, VCCI nêu quan điểm.
Bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc tiếp thị và truyền thông Công ty Fiditour, nhận xét đây chỉ là các điều kiện cần mà chưa đủ. Theo bà, phải chế tài chặt hơn về vệ sinh an toàn thực phẩm, khung giá bán hợp lý để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm... phát triển chuyên nghiệp hơn, đủ năng lực để phục vụ du lịch.
Can thiệp quá sâu
Tương tự, quy định cơ sở kinh doanh phục vụ ăn uống, kinh doanh dịch vụ mua sắm, thể thao, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt chuẩn phải nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng cũng được đánh giá là chưa hợp lý. Một luật sư của Đoàn luật sư TP.HCM cho rằng ở VN, việc thanh toán qua thẻ tín dụng chưa phổ biến. “Thanh toán qua thẻ sẽ giúp minh bạch giá cả, chứng từ, dễ dàng cho nhà nước quản lý thuế nhưng không nên ép buộc một cách khiên cưỡng khi quy định pháp luật về loại hình thanh toán này còn chưa đi vào đời sống của người dân. Cơ quan quản lý chỉ cần tạo điều kiện, cơ chế, không cần can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của DN”, vị này nêu ý kiến.
VCCI cũng cho rằng, thẻ tín dụng là loại thẻ mà số người sử dụng khá hạn chế, không phổ biến như thẻ ATM. Thực tế khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế thường không dùng thẻ tín dụng khi sử dụng dịch vụ có giá trị nhỏ như ăn uống. Vì vậy, phương thức thanh toán nên để các bên thỏa thuận, tùy điều kiện kinh doanh của cơ sở mà có trang bị thiết bị thanh toán qua thẻ hay không, pháp luật không nên quy định điều kiện bắt buộc và cứng nhắc như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.