Nhiều số liệu nhưng vẫn thiếu hình dung
Có rất nhiều con số được trình bày trong thuyết minh khi tham quan nhà hát. Bản thuyết minh đầy ăm ắp số, từ chiều cao, chiều dài, diện tích, độ cao so với mặt đường, lượng cọc tre, độ dày của bê tông, thể tích vật liệu và khối lượng sắt thép... Tiếc rằng những con số đó chưa được diễn giải để người tham quan có thể hiểu một khối lượng công việc như thế, vào thời điểm 1901, lớn đến đâu. Cũng chưa có giải thích điều đó có ý nghĩa gì khi thợ thuyền trong nước chưa từng xây một công trình khác biệt truyền thống đến thế.
Bên cạnh đó, những câu chuyện đặc biệt về từng viên gạch, độ dốc mái, các chi tiết trang trí kiến trúc đã làm nên vẻ đẹp lộng lẫy của nhà hát này cũng chưa được giới thiệu. Những chi tiết xinh xắn mang hình chữ thọ, con dơi (chữ phúc) mang âm hưởng phương Đông cũng không được cắt nghĩa hết, rằng chúng có phải là biểu hiện của sự thỏa hiệp với văn hóa bản địa của người Pháp hay không. Câu chuyện phục chế chùm đèn cổ ngay sảnh ra vào không được kể chi tiết. Cũng không có hình ảnh tái hiện lại vải bố có họa tiết tháp rùa dùng làm cánh gà thuở trước. Trong khi đó mới chính là câu chuyện để khách thăm có thể hiểu Nhà hát lớn như một người bạn cao tuổi, thanh lịch.
Bà Nguyễn Loan, đại diện một công ty du lịch, cho biết: “Thông tin như thế này chỉ đủ với khách tới xem vì tò mò. Còn nếu khách muốn tìm hiểu, trải nghiệm sâu hơn thì chưa thể đáp ứng được. Họ cần nhiều thông tin hơn. Nhà hát nên có thông tin chi tiết để cung cấp cho người hướng dẫn”. Bà Loan là người từng nhiều lần dẫn khách du lịch từ Mỹ tới thăm Nhà hát lớn. Những vị khách này, theo bà cần rất nhiều thông tin chi tiết về văn hóa, kiến trúc. Số lượng khách như vậy cũng không phải ít. Thậm chí về lâu dài, còn có thể phát triển tour về kiến trúc Pháp ở Hà Nội, mà Nhà hát lớn là một điểm đến.
|
Biểu diễn nghệ thuật chưa thực sự độc đáo
Chương trình biểu diễn mang tên Sắc Việt dài 30 phút do Cục Nghệ thuật biểu diễn xây dựng nằm trong chuyến tham quan Nhà hát lớn cũng chưa gây được ấn tượng nổi trội cho các công ty lữ hành.
Chương trình là tổng hợp tiết mục của nhiều nhà hát. Đó là nối tiếp của hòa tấu nhạc dân tộc chuyển qua tuồng, rồi lại múa, sau đó tới chùm sáo, múa rối, chầu văn và hòa tấu đàn đá, đàn T’rưng. Một bữa tiệc nghệ thuật với rất nhiều món được dọn ra.
Thế nhưng dưới mắt một số đơn vị lữ hành, chương trình vẫn chưa thật sự độc đáo, tinh gọn. “Thực ra đây là một buổi diễn không có chủ đề. Không cần trình độ của người đạo diễn mà chỉ cần bốc các tiết mục của các nhà hát vào là được. Đặt tên là Sắc Việt, nhưng tôi chưa nhận ra hồn Việt là cái gì ở đây… Ánh sáng, trang phục cũng phải đầu tư thêm nữa thì mới thành công được”, ông Nguyễn Hồng Nguyên, Hanoi tourist, góp ý.
“Kết hợp biểu diễn cũng tốt thôi, nhưng việc có hút khách không thì tôi không dám bàn. Nếu xem những show như Làng tôi hay À ố thì ấn tượng hơn nhiều”, ông Nguyễn Hải, một người làm lữ hành lâu năm, nói. Một số đại diện lữ hành khác cũng cho rằng không cần đưa chầu văn vào chương trình vì đã có hẳn một show chầu văn riêng biệt, địa điểm thuận lợi, của đạo diễn Việt Tú. Show này thậm chí còn nhận được sự ủng hộ của nhiều đại diện ngoại giao các nước.
“Làm một nồi lẩu thì thực sự khó cho hướng dẫn viên. Miền núi có sáo, cao nguyên có T’rưng, đàn đá. Khách sẽ hỏi về những nhạc cụ này cho bằng chết. Bản thân tôi đã từng phải giải thích cả tiếng đồng hồ về đàn này vì họ trót nhìn thấy trong Văn Miếu. Cái đó cần kiến thức rất chuyên sâu”, bà Đỗ Bích Ngọc, Khiri Travel, nói.
Chỉnh lịch diễn, lịch trải nghiệm
Tuy còn nhiều điều cần thay đổi về nội dung, nhưng các doanh nghiệp lữ hành đều muốn Nhà hát lớn mau chóng đưa sản phẩm ra thị trường. Ngay cả khi chưa mở cửa tham quan, điểm di tích này vốn vẫn thu hút khách cả trong nước lẫn ngoài nước vì lịch sử văn hóa của nó. Việc mở cửa như một bảo tàng khiến các doanh nghiệp thấy vui. Khách chọn điểm đến này có nhiều quốc tịch khác nhau như Pháp, Mỹ, Đức, Nhật… Họ cũng đánh giá cao việc được hỏi ý kiến về tour này trước khi sản phẩm được tung ra thị trường.
Dự kiến, Nhà hát lớn đưa ra lịch thăm cũng như biểu diễn vào sáng thứ hai và thứ năm. Trong đó phần thăm di tích chiếm 20 - 30 phút, phần xem biểu diễn chiếm 30 phút từ 10 giờ 15 - 10 giờ 45. Tuy nhiên, các công ty lữ hành đều cho rằng thời gian biểu này cần thay đổi, vì khung giờ 10 giờ 15 - 10 giờ 45 thường được hãng lữ hành tận dụng thời gian để đi tham quan ngoài trời. Các tour như Nhà hát lớn là tour trong nhà, thường được tận dụng đưa vào buổi chiều hoặc tối.
Bà Thúy Hà, đại diện một công ty lữ hành, cũng lưu ý để khởi động thì đầu tiên phải có khu shoping, thứ hai là chạy chương trình với giá thấp thôi.
Về phần mình, lãnh đạo Nhà hát lớn, Tổng cục Du lịch và Cục Nghệ thuật biểu diễn cũng lắng nghe và hứa sẽ tiếp thu những góp ý trên để chỉnh sửa sản phẩm. Dự kiến các sản phẩm này sẽ được trình làng chính thức vào tháng 6 tới. Theo ông Hà Văn Siêu, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, không chỉ là câu chuyện kinh doanh, Nhà hát lớn còn là điểm văn hóa cần quảng bá. Ông tin rằng với giá trị văn hóa của mình, nhà hát sẽ thành điểm đến du lịch đặc biệt có giá trị.
Giá vé còn cao
Về giá cả, phần lớn cho rằng giá tham quan và xem biểu diễn ở Nhà hát lớn 400.000 đồng/người là cao. Trong khi giá vé của Nhà hát múa rối nước, vốn đắt khách hàng chục năm nay, chỉ 80.000 đồng/người, À ố show vô cùng đặc sắc 600.000 đồng/người, thì giá vé như vậy không thích hợp. Chưa kể, vé tham quan 120.000 đồng/người dự kiến vào nhà hát cũng quá cao so với nền chung các bảo tàng chỉ khoảng 30.000 - 40.000 đồng.
|
Bình luận (0)