Nhà khoa học Cleopatra

13/01/2013 03:20 GMT+7

Nữ hoàng Cleopatra có thể không gợi tình như mô tả của các học giả Hy Lạp và La Mã, mà là một nhà khoa học tài giỏi.

Theo một cuốn sách mới, nữ hoàng Ai Cập Cleopatra là người am hiểu toán, hóa học, đồng thời là một triết gia. Hằng tuần, bà thường xuyên gặp gỡ các nhà khoa học khác. Cuốn sách này có nhan đề Ai Cập học: Thiên niên kỷ bị thất lạc, Ai Cập cổ trong các tài liệu viết tay Ả Rập thời trung cổ, sẽ được Nhà xuất bản của Đại học London (UCL) phát hành trong tháng 1. Theo đó, Okasha El Daly - nhà Ai Cập học của UCL - đã tìm thấy những bản viết tay tiếng Ả Rập trung cổ chưa từng được phát hiện trước đây. Ông đã chuyển ngữ và phân tích nội dung các bản chữ dựa trên kiến thức về lịch sử Ai Cập thời đầu.

Lâu nay, Cleopatra luôn được thể hiện trong hình tượng khêu gợi như thế này - Ảnh: Granger Collection, New York
Lâu nay, Cleopatra luôn được thể hiện trong hình tượng khêu gợi như thế này - Ảnh: Granger Collection, New York  

Theo chuyên gia El Daly, tài liệu chữ Ả Rập đầu tiên về nhà khoa học Cleopatra được ghi lại bởi Al-Masudi, qua đời vào năm 956. Trong cuốn sách Muruj, Al-Masudi viết về Cleopatra như sau: “Nàng là nhà hiền triết, triết gia, đã nâng cao địa vị của các học giả và vui thích với sự đồng hành của họ. Nàng cũng viết sách về y học, bùa chú và mỹ phẩm, bên cạnh nhiều quyển sách khác là tài liệu phổ biến trong giới những người thực hành y khoa”.

Những tác giả thời Ả Rập trung cổ như Al-Bakri, Yaqut, Ibn Al-Ibri, Ibn Duqmaq và Al-Maqrizi cũng đã bày tỏ sự ấn tượng về những dự án xây dựng của nữ hoàng. Trên thực tế, El Daly cho rằng những quyển sách Ả Rập đầu tiên đề cập về Cleopatra và lịch sử Ai Cập do giám mục John xứ Nikiou (cũng là người Ai Cập) viết. Trong đó đã nói về những công trình kiến trúc của nữ hoàng ở Alexandria, với nhiều lời ngợi khen. Còn một sử gia Ả Rập khác, ông Ibn Ab Al-Hakam, cho rằng chính Cleopatra là người đứng sau công trình hải đăng xứ Alexandria, một trong những cấu trúc vĩ đại nhất của thế giới cổ đại.

Trả lời phỏng vấn Đài phát thanh Hà Lan, chuyên gia El Daly cho biết hải đăng xứ Alexandria không chỉ đóng vai trò là đèn biển, mà còn là một kính viễn vọng vĩ đại, có thấu kính khổng lồ dùng để đốt cháy tàu thuyền địch có ý đồ tấn công Ai Cập. Còn những nguồn tài liệu Ả Rập khác chỉ ra Cleopatra đã tạo ra công thức trị rụng tóc và thậm chí nghiên cứu cả khoa sản (thực hiện thí nghiệm theo dõi các giai đoạn phát triển của bào thai trong bụng mẹ), chưa kể khả năng giả kim tài tình.

Để giải thích về sự bất nhất của hình ảnh Cleopatra trong giới sử học, chuyên gia El Daly lý luận rằng những thông tin trước đây về nữ hoàng Ai Cập đều đến từ kẻ thù, những kẻ muốn bôi xấu và biến bà thành một phụ nữ chỉ giỏi chuyện cám dỗ đàn ông. Tuy nhiên, Giáo sư Mary Lefkowitz của Đại học Wellesley (Mỹ) không đồng ý về suy đoán trên. “Trên thực tế, người Ai Cập say mê Cleopatra, dù họ có e sợ về uy quyền của bà đi chăng nữa”, theo Lefkowitz. Các chuyên gia khác cũng ủng hộ giả thuyết mới về một Cleopatra - nhà khoa học.

Phi Yến

>> Ngân hàng Thế giới sẽ hỗ trợ Hy Lạp
>> Hy Lạp bài trừ nạn “con ông cháu cha”
>> Người Đức “chán” Hy Lạp
>> Tìm thấy đường cổ 2.000 năm tuổi ở Hy Lạp 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.