Nhà khoa học hàng đầu AI vẫn dùng câu chữ của riêng mình cho bài diễn văn

Hà Ánh
Hà Ánh
24/06/2023 14:16 GMT+7

'Hãy tin tôi đi! Tôi đã thử yêu cầu ChatGPT viết bài diễn văn tốt nghiệp này và kết quả là... tôi vẫn phải vận dụng câu chữ, từ ngữ của riêng mình', tiến sĩ Lê Viết Quốc, nhà khoa học hàng đầu thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI), phát biểu trong lễ tốt nghiệp tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam.

Tiến sĩ Lê Viết Quốc đang làm việc tại Google và được đánh giá là một trong những nhà nghiên cứu hàng đầu về trí tuệ nhân tạo (AI) tại dự án Google Brain. Ông cũng là thành viên Hội đồng Tín thác và thành viên Hội đồng Khoa học-Đào tạo tại Trường ĐH Fulbright Việt Nam. 

Trước các sinh viên tốt nghiệp đầu tiên của Trường ĐH Fulbright Việt Nam sáng 24.6, tiến sĩ Quốc là diễn giả chính với bài phát biểu giàu cảm hứng xoay quanh chủ đề "Đứng trước sự thay đổi nhanh chóng của thời đại, liệu máy móc có thể thay thế được con người?".

‘Tôi vẫn phải vận dụng câu chữ của riêng mình’ cho bài phát biểu - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Viết Quốc là diễn giả chính trong lễ tốt nghiệp của Trường ĐH Fulbright Việt Nam

HÀ ÁNH

Trong bài phát biểu, tiến sĩ Quốc nói về hành trình của ông với Al và cách AI sẽ tác động đến thế giới.

AI giải quyết vấn đề cấp bách nhất của thế giới

Ông Quốc chia sẻ: "Khi tôi còn là một đứa trẻ, ước mơ của tôi là khi trở thành một người trưởng thành, có khả năng giúp ích cho xã hội. Một ngày nọ, tôi nhìn thấy bức ảnh Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên trên mặt trăng. Đó là bức ảnh khiến tôi kinh ngạc, bởi đây là thành tựu kỳ vĩ của nhân loại. Tôi tự hỏi, tại sao loài người lại có thể đặt chân đến mặt trăng? Rốt cuộc, trên hành tinh này, chúng ta không phải là loài động vật nhanh nhất, chúng ta không phải là loài động vật mạnh nhất, và thậm chí, chúng ta không phải là loài động vật biết bay".

Sau đó, ông cho biết bản thân mình nhận ra rằng chúng ta có thể đến được mặt trăng chính nhờ trí thông minh của loài người. Con người thông minh đến mức có thể chế tạo máy móc đưa con người lên mặt trăng. 

Bà Đàm Bích Thủy 8 năm của tôi đầy ắp những con người bình thường làm điều phi thường!

Ông Quốc tiếp tục: "Khi ấy, tôi mơ ước chế tạo những cỗ máy thông minh và cũng không ngờ được rằng lĩnh vực nghiên cứu khiến ước mơ của mình trở thành hiện thực ngày nay, được biết đến với tên gọi AI".

Chính giấc mơ đó đã đưa ông rời Huế để dấn thân vào hành trình nghiên cứu và phát triển Al. "Hiện tại, dẫu tôi đã làm việc trong lĩnh vực này hơn 20 năm nhưng Al luôn đem lại cho tôi nguồn cảm hứng bất tận vì công nghệ này sở hữu tiềm năng thay đổi thế giới theo chiều hướng tốt đẹp và bền vững hơn. Tôi tin rằng Al có thể "cách mạng hóa" và cải thiện nhiều khía cạnh trong cuộc sống quanh ta từ chăm sóc sức khỏe, giao thông vận tải cho đến giáo dục", chuyên gia về AI nhìn nhận.

Ông Quốc nêu ra nhiều tiềm năng của Al như chẩn đoán bệnh chính xác và hiệu quả hơn. Chẳng hạn, AI đã được sử dụng để đánh giá hình ảnh nhằm phát hiện sớm các bệnh như ung thư. AI cũng có thể tạo ra các hình thức nghệ thuật và giải trí mới hấp dẫn và cuốn hút hơn trước đây. 

Bên cạnh đó, theo ông Quốc, AI có thể giúp nông dân ứng phó những thay đổi nhanh chóng trong hệ sinh thái nông nghiệp, như thay đổi về nguồn nước hoặc sâu bệnh.

‘Tôi vẫn phải vận dụng câu chữ của riêng mình’ cho bài phát biểu - Ảnh 2.

Sinh viên Trường ĐH Fulbright Việt Nam trong lễ tốt nghiệp

HÀ ÁNH

"Tôi không mong đợi máy móc sẽ thay thế vai trò vô giá của một người thầy"

Trong lĩnh vực giáo dục, tiến sĩ Quốc cho hay Al có thể cung cấp các giải pháp học tập mang tính cá nhân hóa cho học sinh. "Tuy nhiên, tôi không mong đợi máy móc sẽ thay thế vai trò vô giá của một người thầy", ông Quốc nhấn mạnh và nhận được tràng pháo tay tán thưởng của cả hội trường.

Ông Quốc đồng thời nhắn nhủ với các tân cử nhân và sinh viên rằng: "Đừng nghĩ AI có thể giúp bạn giảm bớt gánh nặng học tập hoặc viết bài luận nghiên cứu. Hãy tin tôi đi! Tôi đã thử yêu cầu ChatGPT viết bài diễn văn tốt nghiệp này và kết quả là... tôi vẫn phải vận dụng câu chữ, từ ngữ của riêng mình".

Dù vậy, nhà khoa học này cảnh báo, Al sẽ tạo ra nhiều thách thức trong xã hội. "Chúng ta sẽ phải đối mặt với những xáo trộn đột ngột và khôn lường hơn bởi tốc độ phát triển thần tốc của công nghệ và AI", ông Quốc phân tích.

"Al là một lĩnh vực mở, là sân chơi dành cho tất cả mọi người muốn tiếp cận để đào sâu nghiên cứu. Dù các công ty lớn như Google đầu tư hàng tỉ USD vào nghiên cứu và phát triển Al, nhưng bước đột phá tiếp theo hoàn toàn có thể đến từ một cá nhân hoặc tổ chức mà không ai trong chúng ta từng nghe đến. Câu hỏi Al tốt hay xấu, hoàn toàn phụ thuộc vào chính bản thân mỗi người trong chúng ta", tiến sĩ Lê Viết Quốc lưu ý.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.