Nhà khoa học tạo ra cừu Dolly tuyên bố từ bỏ nghiên cứu kỹ thuật sinh sản vô tính

18/11/2007 09:53 GMT+7

Giáo sư Ian Wilmut, người đã tạo ra cừu sinh sản vô tính Dolly có tuyên bố làm chấn động giới khoa học thế giới rằng ông sẽ từ bỏ nghiên cứu phương pháp kỹ thuật này. Điều này có nghĩa ông sẽ từ bỏ các nghiên cứu kỹ thuật sinh sản vô tính trên tế bào phôi của người mà ông được phép thực hiện cách đây hai năm để tìm kiếm những phương pháp điều trị mới đối với các bệnh liên quan đến hệ thần kinh.

Lời tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau khi các nhà nghiên cứu Mỹ công bố họ vừa đạt được một bước tiến trong nghiên cứu kỹ thuật sinh sản vô tính trên động vật có vú cấp cao.

Giáo sư Wilmut, hiện làm việc tại Đại học Edinburgh của Anh, cho rằng phương pháp hiện đang nghiên cứu tại Nhật có khả năng tốt hơn dùng để cấy các tế bào và mô riêng của bệnh nhân cho hàng loạt các ca điều trị từ đột quỵ, nhồi máu cơ tim cho đến bệnh Parkinson. Phương pháp nghiên cứu của Nhật Bản cũng gây ra ít tranh cãi hơn so với phương pháp kỹ thuật sinh sản vô tính của ông. Tuyên bố của ông Wilmut có thể đánh dấu cho thời kỳ kết thúc của phương pháp sinh sản vô tính mà hàng chục triệu bảng Anh đã được đổ vào nghiên cứu trong suốt thập kỷ qua. Các hoạt động nghiên cứu của ông đều mang tính thực tế nhưng ông thừa nhận rằng phương pháp của Nhật dễ được xã hội chấp nhận hơn.

Phương pháp của giáo sư người Nhật Shinya Yamanaka tại Đại học Kyoto ứng dụng cách tạo ra tế bào phôi người không cần lấy từ trứng của người vốn rất khó được thực hiện. Hơn nữa phương pháp của giáo sư Yamanaka không phải tạo ra hay tiêu hủy các phôi thai nhân bản vô tính, vốn bị phong trào ủng hộ sự sống phản đối kịch liệt. Giáo sư Yamanaka đã thành công trong các nghiên cứu trên chuột việc biến các tế bào da thành tế báo giống các tế bào gốc có khả năng vượt qua những ảnh hưởng của các căn bệnh hiểm nghèo. Các nhà khoa học Mỹ và giáo sư Yamanaka tiến hành việc biến đổi các tế bào của người trưởng thành thành các tế bào dưới dạng phôi thai. Phương pháp tế bào da này có thể dùng để điều trị cho các bệnh nhân bị đột qụy, tim hay Parkinson, vì chúng là các tế bào của chính bệnh nhân nên khi cấy vào sẽ hạn chế các phản ứng đào thải.

Giáo sư Wilmut cho biết phương pháp nghiên cứu này đã khiến ông rất kinh ngạc và thích thú. Ông có kế hoạch tiến hành nghiên cứu theo hướng phát triển tế bào gốc hơn là phương pháp chuyển nhân như ông đã làm khi tạo ra cừu Dolly.

TTXVN

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.