Nhà khoa học trẻ nhất Giải thưởng Quả cầu vàng: 'Đây là công việc rất đáng làm'

Vũ Thơ
Vũ Thơ
25/10/2023 15:02 GMT+7

Trong số 10 nhà khoa học được trao Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm nay, TS Phạm Huy Hiệu (31 tuổi, Trường ĐH VinUni) là người trẻ nhất, nhưng anh đã có công trình khoa học được hàng trăm nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới trích dẫn.

Chẩn đoán sớm các bệnh lý bằng AI

TS Phạm Huy Hiệu, người trẻ nhất được vinh danh trong Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng (do T.Ư Đoàn và Bộ KH-CN trao tặng) năm nay, hiện là giảng viên Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois (Trường đại học VinUni).

Trong hành trình nghiên cứu của mình, anh đã có rất nhiều công trình khoa học mang lại giá trị cho cộng đồng. Trong số đó, có 2 công trình về lĩnh vực y tế mà anh tâm đắc nhất là "Nghiên cứu và xây dựng các cơ sở hình ảnh y tế quy mô lớn hỗ trợ xây dựng các mô hình dự đoán sớm bệnh lý" và "Giải pháp VAIPE: Hệ thống theo dõi và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thông minh cho người Việt".

Nhà khoa học trẻ nhất Giải thưởng Quả cầu vàng: 'Đây là công việc rất đáng làm' - Ảnh 1.

TS Phạm Huy Hiệu là nhà khoa học trẻ nhất được tôn vinh trong Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm nay

NVCC

"Nghiên cứu đầu tiên tôi tham gia thực hiện tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup, dưới sự dẫn dắt của TS Nguyễn Quý Hà, Giám đốc điều hành viện. Nghiên cứu này hướng tới thu thập, chuẩn hóa và dán nhãn các cơ sở hình ảnh y tế quy mô rất lớn để phục vụ phát triển các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) hỗ trợ khoanh vùng tổn thương và phân loại sớm các bệnh lý, đặc biệt là các bệnh lý nguy hiểm và thường gặp tại Việt Nam", anh Hiệu chia sẻ.

Với công trình này, cho tới nay, nhóm nghiên cứu của anh đã công bố 5 bộ dữ liệu quy mô lớn về chẩn đoán hình ảnh y khoa. Các bộ dữ liệu do nhóm thu thập và chuẩn hóa được mở hoàn toàn miễn phí cho cộng đồng khoa học trong nước và quốc tế.

"Các bộ dữ liệu này đã được hàng trăm nhóm nghiên cứu trên khắp thế giới trích dẫn và khai thác để đánh giá hiệu quả của các thuật toán, mô hình học máy dựa trên dữ liệu. Sinh viên các trường đại học kỹ thuật trên khắp cả nước cũng đã sử dụng các bộ dữ liệu này phục vụ học tập và nghiên cứu. Nghiên cứu này là một phần trong nỗ lực của chúng tôi trong việc giải các bài toán của người Việt, đồng thời thúc đẩy khoa học mở (open science) và dữ liệu mở (open data)", TS Hiệu cho biết.

Nhà khoa học trẻ nhất Giải thưởng Quả cầu vàng: 'Đây là công việc rất đáng làm' - Ảnh 2.

TS Phạm Huy Hiệu và sinh viên tham gia trình bày nghiên cứu tại Hội nghị IEEE Statistical Signal Processing tổ chức ở Trường đại học VinUni

NVCC

Nghiên cứu thứ hai nhằm phát triển một giải pháp di động, tích hợp AI và phân tích dữ liệu cho phép thu thập, quản lý, phân tích dữ liệu sức khỏe của các cá nhân. Thói quen sử dụng thuốc, nhịp tim, huyết áp, chỉ số chiều cao, cân nặng cũng như các chỉ số sức khỏe quan trọng khác, sẽ được thu thập thông qua điện thoại thông minh và được phân tích nhằm đưa ra các khuyến cáo về việc sử dụng thuốc an toàn, cảnh báo uống nhầm thuốc, uống thuốc ngoài đơn kê và chẩn đoán sớm các bệnh lý.

"Chúng tôi đang trong quá trình thử nghiệm và triển khai trên thực tế ứng dụng này để đánh giá hiệu quả, từ đó hướng tới ứng dụng trong các cộng đồng lớn hơn như nhóm người dùng mắc bệnh huyết áp, tim mạch hay tiểu đường. Đối với chúng tôi, nghiên cứu khoa học chỉ thực sự có ý nghĩa đầy đủ khi nó được ứng dụng trong thực tế và tạo ra những thay đổi tích cực trong đời sống con người. Đây cũng là lý do chúng tôi dành nhiều mối quan tâm và sức lực cho nghiên cứu này", anh nói.

"Đây là công việc rất đáng làm"

Chia sẻ về việc dành sự quan tâm của mình cho lĩnh vực y tế, anh cho biết các giải pháp y tế số thông minh chi phí thấp, mở ra khả năng tiếp cận ở quy mô lớn, sẽ có ý nghĩa đặc biệt trong việc nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cộng đồng.

Nhà khoa học trẻ nhất Giải thưởng Quả cầu vàng: 'Đây là công việc rất đáng làm' - Ảnh 3.

TS Phạm Huy Hiệu trong một buổi giảng dạy tại Trường đại học VinUni

NVCC

Tương lai của y tế là mọi chỉ số sức khỏe cá nhân được số hóa, thu thập, phân tích bằng các mô hình dự đoán dựa trên dữ liệu, nhằm đưa ra các khuyến cáo và chẩn đoán sớm các bệnh lý. Điều này giúp nâng cao hiệu quả điều trị và giảm tải cho hệ thống y tế.

"Ở một khía cạnh khác, chúng tôi muốn thúc đẩy quá trình đưa những công nghệ chăm sóc y tế mới, giá rẻ tới đại đa số người dân mà không phụ thuộc thu nhập hay khu vực địa lý. Đây là công việc rất đáng làm và làm được như vậy sẽ tạo ra được ý nghĩa xã hội rất lớn", anh trải lòng.

Là nhà khoa học trẻ nhất trong số các nhà khoa học đạt Giải thưởng khoa học công nghệ Quả cầu vàng năm 2023, anh cho biết đó là một vinh dự và may mắn.

"Đây là cơ hội đặc biệt để tôi gửi lời cảm lãnh đạo Tập đoàn Vingroup, Trường đại học VinUni, Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính và Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois nơi tôi làm việc, vì đã dành những nguồn lực tốt nhất của mình để xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, khuyến khích tự do và sáng tạo, cho phép tôi có thể tập trung thời gian vào công việc giảng dạy và nghiên cứu với sự hỗ trợ của một hệ thống quản trị hiện đại, tinh gọn và các thủ tục được đơn giản hóa", TS Hiệu xúc động chia sẻ.

Đồng thời, TS Hiệu bày tỏ mong muốn ngày càng có nhiều hơn nữa các bạn trẻ tài năng dành tình yêu cho khoa học, dành chuyên môn của mình để phát triển công nghệ và đào tạo con người.

Nhà khoa học trẻ nhất Giải thưởng Quả cầu vàng: 'Đây là công việc rất đáng làm' - Ảnh 4.

TS Phạm Huy Hiệu (bìa trái) và nhóm nghiên cứu tại Trường đại học VinUni

NVCC

"Kỳ vọng của tôi là đất nước sẽ có một thế hệ các nhà khoa học trẻ hùng hậu, tài năng, có trí tuệ và khát vọng cống hiến mạnh mẽ để tham gia vào lực lượng dẫn dắt sự phát triển của công nghệ và khoa học đất nước. Đồng thời, tạo ra các giải pháp mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Đó là công việc đòi hỏi lòng tận hiến và đức hy sinh, nhưng đó là công việc thực sự có ý nghĩa", anh bày tỏ.

Tốt nghiệp Đại học Bách khoa Hà Nội năm 2015, chàng trai quê Nam Định tiếp tục làm tiến sĩ về khoa học máy tính tại Viện đại học Toulouse (Pháp). Cuối năm 2019, anh về nước và làm việc tại Viện Nghiên cứu dữ liệu lớn Vingroup với vai trò chuyên gia nghiên cứu.

Hiện TS Phạm Huy Hiệu là giảng viên tại Viện Kỹ thuật và khoa học máy tính, kiêm Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe thông minh VinUni-Illinois (Trường đại học VinUniversity, là học giả nghiên cứu tại Trường đại học Illinois - Urbana Champaign (UIUC), Mỹ.

Ở tuổi 31, TS Hiệu đã công bố 45 bài báo trên tạp chí khoa học uy tín trong nước và quốc tế. Trong đó, có 1 bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, 16 bài báo công bố trên tạp chí khoa học quốc tế thuộc danh mục Q1 (13 bài là tác giả chính), 4 giải thưởng, huy chương quốc tế và trong nước.

TS Hiệu cũng là chủ nhiệm, đồng chủ nhiệm 6 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học. Anh đã tham gia nghiên cứu một hệ thống phần mềm AI phân tích hình ảnh hỗ trợ chẩn đoán và sàng lọc bệnh đã được triển khai trên 40 bệnh viện, xử lý 300.000 lượt bệnh nhân mỗi tháng. 

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.