Nhà làm phim châu Âu với Việt Nam hiện đại

18/10/2017 06:43 GMT+7

Thị Mai - phim điện ảnh đầu tiên của Tây Ban Nha quay tại VN sẽ ra mắt khán giả trong buổi chiếu đặc biệt vào tối nay (18.10), trước khi chính thức công chiếu tại các rạp ở Tây Ban Nha dự kiến vào tháng 1.2018.

Ngày 17.10, tọa đàm về triển vọng hợp tác điện ảnh giữa Tây Ban Nha và VN do Cục Điện ảnh phối hợp với Đại sứ quán Tây Ban Nha tại VN tổ chức lần đầu tiên đã diễn ra.
Phim Tây Ban Nha lần đầu quay tại VN
Tại nhiều nước, hay ngay trong khu vực châu Á, có nhiều ủy ban điện ảnh hỗ trợ các đoàn làm phim nước ngoài. “Việc thành lập ủy ban điện ảnh, chúng tôi đã đề xuất nhưng chưa được thông qua. Tuy vậy, Cục Điện ảnh đang có vai trò tạo điều kiện thuận lợi nhất về mặt thủ tục cho các đoàn làm phim nước ngoài vào VN”, Cục trưởng Cục Điện ảnh Ngô Phương Lan cho hay.
Thông tin tại buổi tọa đàm cho biết, lúc đầu bộ phim Thị Mai được chọn bối cảnh ở một nước khác thuộc châu Á, không phải VN. “Chúng tôi muốn thực hiện bộ phim tại một đất nước có cảnh sắc, văn hóa hoàn toàn khác biệt với Tây Ban Nha và đưa ra nhiều phương án lựa chọn. Nhưng đến khi gặp nhà sản xuất phim Larry Levene - một người dày dạn kinh nghiệm làm phim tại nhiều quốc gia, ông nói ngay: bộ phim này cần được quay ở VN”, nữ đạo diễn Patricia Ferreira cho biết. Và bà đã lập tức đồng ý với Larry Levene. Nhà sản xuất cho hay ông nghĩ đến VN bởi “kịch bản phim có nhiều điểm tương đồng với những câu chuyện ở VN”. Còn nữ đạo diễn lý giải về quyết định của mình: “Tôi có hai lý do. Lý do cá nhân là cách đây vài năm, những người bạn thân của tôi đã đến VN du lịch. Những ấn tượng của họ về đất nước các bạn luôn hối thúc tôi đến nơi này. Còn về lý do công việc, tôi biết nền công nghiệp điện ảnh VN chưa lớn nhưng cho thấy nhiều tiềm năng”.
Câu chuyện trong Thị Mai xoay quanh chuyến hành trình của 3 người phụ nữ Carmen, Elvira và Rosa đến VN để đón đứa trẻ mà người con gái đã khuất của Carmen nhận làm con nuôi. Ba người phụ nữ như lạc vào thế giới khác với những điều mới mẻ. Các nhà làm phim không ngại chỉnh sửa lại kịch bản để phù hợp với bối cảnh VN, chẳng hạn chi tiết 3 người phụ nữ thích thú đạp xe quanh đường phố Hà Nội, tình huống hài hước lúc bị lạc đường khi đi tìm chợ Đồng Xuân (Hà Nội), hay cùng đi du thuyền chiêm ngưỡng vẻ đẹp của vịnh Hạ Long (Quảng Ninh)… Phim có sự tham gia của các diễn viên nổi tiếng hai nước, như: Carmen Machi, Aitana Sánchez-Gijón, Adriana Ozores, Dani Rovira, Chiều Xuân, Mạnh Cường... Một tháng trước khi bộ phim bấm máy, các diễn viên Tây Ban Nha đã đến Hà Nội để chuẩn bị. Khoảng 112 kỹ thuật viên người VN đã hỗ trợ đoàn làm phim.
Thị Mai không chỉ ghi dấu là bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Tây Ban Nha thực hiện tại VN, mà còn nằm trong số hiếm hoi những phim do các nhà làm phim châu Âu thực hiện về một VN hiện đại. Trong khi phần lớn những bộ phim nước ngoài quay tại VN trước đây chủ yếu về đề tài chiến tranh, hay lấy bối cảnh ở vùng đất siêu thực…
Nhà làm phim châu Âu với VN hiện đại
Poster phim Thị Mai Ảnh: T.L
Còn e dè vì thủ tục
Khi nữ đạo diễn Patricia Ferreira trở về Tây Ban Nha sau khi hoàn thành những cảnh quay cuối cùng của Thị Mai, nhiều nhà làm phim đã gặp và hỏi bà về việc làm phim tại VN. Tây Ban Nha, một trong những quốc gia sản xuất phim nhiều nhất châu Âu, rõ ràng là thị trường tiềm năng mới với VN bên cạnh nhà làm phim đến từ Mỹ, Pháp, Ấn Độ…
Nhà sản xuất phim Larry Levene, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà sản xuất phim tài liệu Tây Ban Nha và là thành viên Uyrban FAPAE (Liên đoàn Các nhà sản xuất nghe nhìn Tây Ban Nha), cho rằng VN có lợi thế cảnh đẹp thiên nhiên, bên cạnh đó đội ngũ kỹ thuật viên có thể đáp ứng yêu cầu của đoàn làm phim quốc tế. Nhưng theo ông, VN vẫn còn nhiều việc phải làm nếu muốn cạnh tranh với những quốc gia đã trở thành trường quay lớn của nhiều đoàn phim "bom tấn" Hollywood cũng như nhiều nước khác. Ông lấy ví dụ, ở Tây Ban Nha, chính phủ khuyến khích thu hút các nhà làm phim Mỹ, châu Âu… với chính sách hoàn thuế tới 20%. Ông Larry Levene còn cho rằng VN cần thay đổi thủ tục hợp tác làm phim nhiều hơn nếu muốn thu hút đông đảo các nhà làm phim nước ngoài.
Thực tế không ít nhà làm phim nước ngoài e dè với thủ tục làm phim tại VN. Đạo diễn Oliver Lorelle (Pháp) từng có ý định thực hiện bộ phim Bầu trời đỏ (lấy bối cảnh thời kỳ chiến tranh Đông Dương tại VN) ở Campuchia vì lo ngại việc xin giấy phép làm phim về đề tài chiến tranh tại VN rất khó. Đạo diễn người Ấn gốc Việt Peter Hein cũng cho biết, anh từng đưa 4 đoàn phim Bollywood đến VN thì tới 3 đoàn đã chuyển qua Thái Lan do ngại thủ tục cấp phép tại VN. Một ví dụ khác là đoàn làm phim "bom tấn" Kong: Skull Island, ngoài việc xin phép cơ quan quản lý văn hóa, điện ảnh để được sử dụng đạo cụ, thiết bị làm phim, di chuyển cũng phải xin đủ các bộ ngành như Công an, Quốc phòng, Giao thông vận tải…
Nói về những điểm còn hạn chế tại VN, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết: “Ở châu Âu hay như Tây Ban Nha và nhiều quốc gia khác, đoàn làm phim nước ngoài được hoàn thuế, còn VN gần như không. Chúng tôi đã đề xuất chính sách hoàn thuế nhiều lần, tuy nhiên việc này liên quan đến nhiều điều luật… Chúng tôi sẽ tiếp tục đề xuất ưu đãi này”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.