Anh V., chủ thuê bao số 091371xxxx, cho biết ngày nào cũng nhận được hàng loạt tin nhắn từ tổng đài nhà mạng đến hàng loạt đầu số khác, trong đó chủ yếu là đầu số 9, như 9307 mời bình chọn kết quả bóng đá, 9000 mời chơi game, 9127 quảng cáo nghe nhạc, 9506 chào mời trúng thưởng, 9082 mua dịch vụ dữ liệu tốc độ cao 3G/4G, 9286 mua 3G... Có ngày anh V. nhận được gần 10 tin nhắn từ những tổng đài nêu trên. Ngày 11.9.2017, chị N., chủ thuê bao số 09181xxxxx, nhận được hơn 10 tin nhắn trong vòng 30 phút. Mỗi tin nhắn chỉ cách nhau 2 - 3 phút, khiến chị liên tục giật mình khi đang ngồi làm việc. Hầu hết tin nhắn được gửi từ các tổng đài gồm 9898, 9899, 9234, 9286, 9222, 9022, 9343…
Từ cuối năm 2016 đến nay, các nhà mạng cũng đã thu hồi khoảng 20 triệu SIM kích hoạt sẵn được cho là nguồn phát tán tin nhắn rác thời gian qua. Thế nhưng, theo ông Võ Đỗ Thắng, Giám đốc Trung tâm đào tạo an ninh mạng Athena, tin nhắn rác hầu như không giảm mà chỉ chuyển sang hình thức đầu số dịch vụ, trong đó lượng tin nhắn từ nhà mạng tăng đáng kể. Những tin nhắn chỉ hiển thị tên như: tên nhà mạng, tên công ty hay từ các đầu số đã lọt lưới phần mềm lọc tin rác trên điện thoại di động.
Nguồn gốc của vấn nạn này, theo ông Thắng, chính là do quyền lợi của nhà mạng quá lớn nên họ không quyết liệt ngăn chặn. Ngược lại còn góp phần gia tăng lượng tin rác gửi đến khách hàng. Với hàng trăm công ty cung cấp dịch vụ nội dung đang hoạt động hiện nay, việc phát tán hàng ngàn tin nhắn rác mỗi ngày mang lại doanh thu khổng lồ cho doanh nghiệp lẫn nhà mạng. “Số thu vào hàng trăm tỉ đồng từ dịch vụ tin nhắn, nhưng nếu bị phát hiện, theo quy định hiện hành, doanh nghiệp chỉ bị phạt 50 triệu đồng. Vì vậy nhà mạng cũng không muốn chặn tin nhắn rác triệt để. Chắc chắn vấn nạn này sẽ còn kéo dài”, ông Võ Đỗ Thắng nhấn mạnh.
Bình luận (0)