Nhà máy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu mì

12/08/2013 09:34 GMT+7

Được mệnh danh là “thủ phủ” của cây mì (sắn), với diện tích lớn nhất nước; nhưng từ đầu năm 2013 đến nay, hàng chục nhà máy chế biến tinh bột mì ở Tây Ninh phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu.

Theo ông Lê Thành Công – Phó giám đốc Sở Công thương Tây Ninh cho biết: “Tỉnh đã quy hoạch vùng chuyên canh cây mì với diện tích 30.000 ha, sản lượng gần 960.000 tấn vào năm 2015. Đến năm 2020, sản lượng củ mì nguyên liệu dự kiến đạt trên 1 triệu tấn”.

Nhà máy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu mì
Một nhà máy chế biến tinh bột mì đóng cửa suốt nhiều tháng qua - Ảnh: Công Sinh

Vẫn thiếu dù vượt quy hoạch

Trong khi đó, báo cáo của ngành chức năng trong những năm gần đây, diện tích cây mì đều vượt cao so với quy hoạch. Năm 2011, Tây Ninh trồng 45.720 ha mì, sản lượng đạt trên 1,3 triệu tấn. Năm 2012, trồng 45.390 ha, sản lượng đạt trên 1.317.629 tấn.

Ông Vương Quốc Thới – Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tây Ninh cho rằng sản lượng, diện tích trồng mì trên địa bàn đã vượt quy hoạch. Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp dự kiến khả năng mở rộng vùng nguyên liệu sang tỉnh khác, kể cả các tỉnh giáp biên giới thuộc Vương quốc Campuchia để nâng sản lượng. Đồng thời, ngành nông nghiệp sẽ áp dụng, hỗ trợ nông dân trồng các giống mì cũng như phương pháp trồng mì năng suất cao.

Hiện tại, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 71 cơ sở chế biến tinh bột mì (49 công ty và 22 cơ sở nhỏ) với tổng công suất hoạt động khoảng 4.800 tấn bột/ ngày. Tổng sản lượng củ mì đưa vào chế biến (tính cả lượng mì nhập khẩu từ Campuchia) năm 2011 khoảng trên 2,5 triệu tấn; năm 2012 là gần 3 triệu tấn; 5 tháng đầu năm 2013 là trên 1,5 triệu tấn. Dù diện tích trồng mì cũng như sản lượng củ mì nguyên liệu tăng rất cao so với cao quy hoạch nhưng đến đầu năm 2013, các doanh nghiệp (DN) liên tục kêu thiếu củ mì nguyên liệu để chế biến.

Nhà máy đóng cửa vì thiếu nguyên liệu mì
Nhiều nhà máy hoạt động cầm chừng để tránh lỗ - Ảnh: Công Sinh

Tự ý nâng công suất

Những tháng gần đây, giá thu mua củ mì liên tục tăng, có thời điểm lên 3.150 đồng/kg. Với mỗi ha mì có năng suất bình quân khoảng 40 – 50 tấn củ cho lợi nhuận khoảng 60 – 80 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong nhiều năm qua và vượt qua cả cây cao su. Tuy nhiên, việc củ mì có giá cao càng khiến các nhà máy thêm khó khăn, buộc phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng vì không dám “liều” mua nguyên liệu để chế biến.

Nhà máy chế biến tinh bột mì Việt Úc (H. Tân Châu) có công suất 200 tấn tinh bột/ngày bắt đầu hoạt động trở lại mấy ngày nay sau nhiều tháng đóng cửa. Ông Tạ Văn Út (chủ nhà máy): “Dù chưa đến mức cạn kiệt củ mì nguyên liệu, nhưng việc cạnh tranh thu mua làm giá mì cao ngất ngưỡng đã khiến nhà máy lao đao. Việc hoạt động cầm chừng là nhằm duy trì việc làm cho người lao động và cung cấp cho một số bạn hàng thân thiết để “giữ mối” là chính”

Một DN xuất khẩu tinh bột mì lý giải: “Đây là hậu quả của việc nhiều nhà máy tự ý nâng công suất chế biến khi chưa được cơ quan chức năng cho phép. Bởi khi quy hoạch, tỉnh đã tính toán dựa vào công suất chế biến và diện tích đất trồng mì. Nhưng thời gian qua, do ngành mì làm ăn được nên nhiều nhà máy ồ ạt tự nâng công suất, dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu”. Lãnh đạo Sở Công thương xác nhận điều này và cho biết thêm, hiện các nhà máy chỉ hoạt động tối đa chừng 50  - 60% công suất chế biến.

Ông Trần Phước Vinh – Phó Chủ tịch Hiệp hội sắn Việt Nam cho biết:” Thời điểm hiện tại, tỉnh Tây Ninh có khoảng 15 nhà máy mì ngưng hoạt động vì thiếu nguyên liệu.  Có xấp xỉ 50% nhà máy mì có công suất lớn đóng cửa liên tục, trong đó có một số nhà máy chạy cầm chừng rồi ngưng nghỉ.” Theo ông Vinh, giải pháp căn cơ nhất vẫn phải giữ lại diện tích trồng mì. Điều này, các nhà máy cần phải đưa ra mức giá thu mua củ mì nguyên liệu ổn định trong thời gian dài, phải bảo đảm cho người trồng mì có lãi khá. Chỉ khi nông dân có lợi nhuận khá thì họ mới yên tâm giữ cây mì.

Công Sinh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.