Luôn duy trì hoạt động ổn định
Ngày 23.9.1963, hợp đồng xây dựng nhà máy và trạm bơm nước sông được ký kết. Sau một thời gian thi công khẩn trương, ngày 1.7.1966, nhà máy được đưa vào hoạt động thử nghiệm, đến ngày 12.12.1966, Sở sản xuất nước sông Đồng Nai (tên gọi trước đây của Nhà máy nước Thủ Đức) được khánh thành và hoạt động liên tục đến nay.
Sáng sớm ngày 30.4.1975, trước khi quân ta tiến vào Dinh Độc Lập, tại Sở sản xuất nước sông Đồng Nai, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc nhà máy. Công nhân tự tổ chức quản lý, vận hành để hoạt động nhà máy không gián đoạn. Chiều 30.4.1975, Ban quân quản đến tiếp quản nhà máy. Lịch sử dân tộc sang trang, nhà máy vẫn tiếp tục hoạt động liên tục cung cấp nguồn nước cho thành phố và vùng phụ cận bước vào xây dựng cuộc sống mới.
Năm 1979, Sở sản xuất nước Thủ Đức được đổi tên thành Nhà máy nước Thủ Đức cho đến hôm nay.
Nhà máy nước Thủ Đức có nhiệm vụ chính trị vô cùng quan trọng là duy trì sản xuất nước cung cấp, phục vụ người dân TP.HCM. Do đó, tập thể cán bộ, công nhân viên nhà máy đã đề ra phương châm "Tận dụng mọi khả năng hiện có về người và máy móc thiết bị vật tư, chủ động sáng tạo trong tổ chức, quản lý để trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải giữ vững sản xuất, bảo đảm cung cấp liên tục dòng nước trong lành phục vụ người dân thành phố". Nhà máy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, duy trì hoạt động liên tục, ổn định đến nay.
Hiện nay, Nhà máy nước Thủ Đức là đơn vị sản xuất hạch toán nội bộ trực thuộc Tổng công ty Cấp nước Sài gòn (SAWACO). Trong dây chuyền "sản xuất - truyền dẫn - phân phối" của SAWACO, Nhà máy nước Thủ Đức có nhiệm vụ chính là bơm nước sông Đồng Nai về công trình xử lý nước ở Thủ Đức để xử lý thành nước sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng và bơm vào hệ thống ống truyền dẫn chính, từ đó phân phối vào mạng cấp 1,2,3 đến người tiêu dùng trong TP.HCM.
Phạm vi quản lý của nhà máy bao gồm Trạm bơm nước sông ở xã Hóa An (TP.Biên Hòa, Đồng Nai), Công trình xử lý nước và trạm bơm nước sạch ở TP.Thủ Đức (TP.HCM) và 2 tuyến ống truyền dẫn D1800 mm, D2400 mm dẫn nước sông từ Trạm bơm Hóa An về TP.Thủ Đức, một phần tuyến ống nước D2000 mm dẫn nước sạch từ Trạm bơm nước sạch về thành phố.
Trước năm 1995, sản lượng nước do nhà máy sản xuất chiếm hơn 92% lượng nước cung cấp cho thành phố. Năm 2000, sản lượng nước cung cấp chiếm 77,44% lượng nước cung cấp cho thành phố.
Năm 2004, Nhà máy nước Tân Hiệp; năm 2012, Nhà máy nước BOO Thủ Đức; năm 2015, Nhà máy nước Thủ Đức 3 được đưa vào hoạt động. Các nhà máy mới đi vào hoạt động tăng dần công suất lên mức tối đa theo thiết kế. Trong thời gian này, Nhà máy nước Thủ Đức điều tiết giảm sản lượng thích hợp để tiếp nhận dần sản lượng tăng thêm từ các nhà máy này.
Hiện nay, sản lượng nước sạch bình quân cung cấp cho nhu cầu người dân TP.HCM qua trạm bơm nước sạch của nhà máy hơn 800.000 m³/ngày.
Mặc dù đã có thêm nguồn nước từ các nhà máy nước mới nhưng hiện nay sản lượng nước sản xuất tại Nhà máy nước Thủ Đức vẫn là nguồn nước chủ lực cung cấp gần 33% nhu cầu cho sản xuất, sinh hoạt tại TP.HCM.
Phát triển sản xuất gắn với chất lượng nước sạch phục vụ người dân
Hầu hết máy móc thiết bị của Nhà máy nước Thủ Đức có xuất xứ từ Mỹ nên sau năm 1975, nhà máy gặp rất nhiều khó khăn về vật tư và phụ tùng máy móc thiết bị thay thế do sự cấm vận kinh tế.
Thời kỳ trước đổi mới, nguồn vốn đầu tư rất ít, trong khi nhu cầu sử dụng nước ngày càng tăng, yêu cầu cấp bách vừa phải duy trì hoạt động nhà máy, vừa mở rộng - nâng cao công suất. Với tinh thần trách nhiệm, chủ động khắc phục mọi khó khăn trong sản xuất, toàn thể người lao động Nhà máy nước Thủ Đức luôn suy nghĩ, tìm tòi đề xuất hàng trăm sáng kiến, cải tiến, nhằm tận dụng vật tư, chuyển sang gia công trong nước, hợp lý hóa sản xuất và cải tiến công tác quản lý. Nhiều sáng kiến có giá trị được áp dụng ở nhà máy đem lại hiệu quả cao trong sản xuất.
Phong trào sáng kiến được động viên kịp thời và phát huy cao độ đã đảm bảo duy trì máy móc thiết bị hoạt động liên tục, ổn định, đảm bảo an toàn cấp nước, góp phần vào việc đảm bảo an ninh chính trị trong thời điểm khó khăn nhất của thành phố và cả nước. Ngoài giá trị làm lợi tính được bằng tiền, những sáng kiến kịp thời của người lao động Nhà máy nước Thủ Đức còn góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất của nhà máy được liên tục, công tác sửa chữa rút ngắn thời gian, đem đến những hiệu quả khác không thể đo đếm được.
Chất lượng nước sạch không đạt quy chuẩn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe con người và tác động không nhỏ đến nền kinh tế, các hoạt động văn hóa, du lịch, công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp… vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước luôn được nhà máy xem là nhiệm vụ quan trọng nhất.
Ngay từ khi nhà máy hoạt động đến nay, nước sạch do Nhà máy nước Thủ Đức sản xuất đã tạo sự tin cậy về chất lượng, tạo nên uy tín thương hiệu "nước thủy cục", "nước máy" trong lòng người dân thành phố.
Để chất lượng nước sạch sản xuất luôn đạt yêu cầu, nhà máy đã thực hiện chặt chẽ quy trình kiểm tra, giám sát qua từng công đoạn, theo dõi qua hệ thống đo chất lượng nước liên tục (online), thực hiện tốt kế hoạch cấp nước an toàn (được SAWACO phê duyệt) và hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 với mục tiêu chung là cấp nước an toàn, chất lượng sản phẩm nước sạch đạt ở mức tốt nhất so với yêu cầu của quy chuẩn của Bộ Y tế.
Ngoài ra, nhà máy còn phối hợp với các nhà máy sử dụng chung nguồn nước sông Đồng Nai trong việc chia sẻ, trao đổi thông tin về chất lượng nước để kịp thời xử lý khi có biến động; phối hợp Nhà máy thủy điện Trị An để đẩy mặn mùa khô.
Không ngừng nâng cấp
Trước tình hình chất lượng nước sông Đồng Nai có những biến động xấu do ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu…, nhà máy luôn cố gắng đảm bảo sản xuất cung cấp nước an toàn, liên tục, chất lượng nước sạch cung cấp luôn đạt quy chuẩn và ngày càng cao hơn, ổn định, đạt yêu cầu uống trực tiếp tại vòi.
Trải qua 58 năm hoạt động không ngừng nghỉ, Nhà máy nước Thủ Đức vẫn đặt mục tiêu phát triển về chất và lượng làm kim chỉ nam. Từ công suất 360.000 m³/ngày đêm vào năm 1966, đến nay đã đạt được 750.000 m³/ngày đêm và các hệ thống ngày càng được nâng cấp, hiện đại hóa.
Với sản lượng chiếm tỷ trọng lớn trong toàn bộ lượng nước sản xuất và cung cấp tại TP.HCM và với sự hoạt động ổn định và tin cậy, nhà máy đã trở thành "trung tâm điều tiết" áp lực và sản lượng cho toàn bộ hệ thống cấp nước. Nhà máy sẽ điều tiết giảm khi mạng lưới tiếp nhận nguồn nước mới và sẽ phát tăng dần khi mạng lưới ổn định. Nhà máy sẽ phát bù sản lượng khi có bất kỳ nhà máy nào trong hệ thống gặp sự cố và cũng sẽ điều tiết nhằm đảm bảo sản lượng tiêu thụ trên mạng lưới vào những giờ cao điểm và thấp điểm.
Đến nay, Nhà máy nước Thủ Đức là nhà máy có quy mô và công suất lớn nhất nước, là nguồn cung cấp nước sạch chủ yếu phục vụ người dân thành phố. Để đáp ứng nhu cầu sử dụng nước và phát triển đô thị, cùng với sự phát triển của hệ thống cấp nước thành phố, nhà máy sẽ không ngừng được nâng cấp, mở rộng nhằm tăng công suất xử lý nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của mình.
Bình luận (0)