Công nghệ lạc hậu, nhiều sự cố
Thời gian qua, trên phạm vi toàn quốc có nhiều dự án nhà máy xử lý rác trong tình trạng không thể vận hành hoặc vận hành nhưng không hiệu quả, gây ô nhiễm do lựa chọn sai công nghệ và quy mô.
Tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có buổi làm việc để nghe báo cáo về các vấn đề có liên quan đến hoạt động Nhà máy xử lý rác TP.Phan Thiết (xã Tiến Thành, TP.Phan Thiết, Bình Thuận).
Có tổng vốn đầu tư hơn 495 tỉ đồng, dự án được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào ngày 26.5.2015; Sở KH-ĐT Bình Thuận cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thay đổi lần 2 ngày 19.5.2020. Dự án ban đầu đặt ra mục tiêu chính thức đi vào hoạt động trong tháng 6.2020; tuy nhiên, vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa thể đi vào vận hành.
Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian qua, nhiều nhà máy xử lý rác thải xây xong cũng nằm "đắp chiếu", điển hình như tại Hà Nội là dự án khu xử lý rác thải H.Đông Anh trị giá gần 800 tỉ đồng.
Được khởi công xây dựng trên địa bàn xã Việt Hùng (H.Đông Anh) vào năm 2011, dự kiến đưa vào hoạt động từ tháng 4.2017, nhưng đến nay dự án này vẫn chưa thể vận hành vì nhiều lý do như: thiếu đội ngũ vận hành, không hiệu quả nếu xử lý rác thải sinh hoạt, chờ xin bổ sung chức năng xử lý chất thải công nghiệp, y tế nguy hại.
Hà Nội còn một dự án xử lý rác khác "bỏ hoang" là Nhà máy xử lý rác Phương Đình (xã Phương Đình, H.Đan Phượng), sử dụng công nghệ đốt tiêu hủy thủ công.
Theo Sở KH-ĐT Hà Nội, dự án này lâm cảnh bỏ hoang chủ yếu là do nguyên nhân chủ quan, trách nhiệm thuộc nhà đầu tư; thiết bị công nghệ lạc hậu, việc vận hành thường xuyên gặp các sự cố, tuy đã sửa chữa nhiều lần nhưng chưa khắc phục được.
Còn tại Trà Vinh, 2 dự án nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt Trà Vinh và dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP.Trà Vinh đều do Công ty TNHH Kỹ thuật công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Vina Encorp) thực hiện.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, 2 dự án đều xảy ra vi phạm, dẫn đến tình trạng rác thải ùn ứ, chất cao như núi, mùi hôi bốc lên nồng nặc, nước rò rỉ đen ngòm, đặc quánh…
Thất bại một phần do công nghệ, một phần do quản lý
Về nguyên nhân thất bại của các khu xử lý rác tại các địa phương, chia sẻ với phóng viên, chuyên gia môi trường Hoàng Dương Tùng cho rằng, nguyên nhân một phần do công nghệ, một phần do quản lý.
Hiện nay, xử lý rác chỉ có vài công nghệ. Trong những năm vừa qua, nhiều địa phương đã đầu tư nhiều lò đốt công suất suất nhỏ, hiện cả nước có khoảng 300 - 400 lò như vậy với mức đầu tư khoảng 2 - 4 tỉ đồng/lò, thậm chí dưới 1 tỉ đồng/lò, do các nhà sản xuất Việt Nam làm. Những lò này không đạt tiêu chuẩn về khí thải, chất lượng kém, chỉ hoạt động được một thời gian là hỏng, có nhiều lò thậm chí lại biến thành nơi tập trung rác.
Ngoài lò nhỏ có một số lò lớn. Nhiều lò kiểu này, khói bụi mù mịt. Một số lò tuyên bố xử lý được dioxin và furan cũng như một số khí độc, nhưng không phải như vậy. "Tất cả những thứ đó phải tốn tiền cho đầu tư và vận hành chứ không thể rẻ tiền. Tôi cho rằng lò ở Đan Phượng cũng như thế, một thời gian chất lượng xuống, hỏng hóc, thậm chí gây ô nhiễm môi trường…", ông Tùng nói.
Được biết, để giải quyết tình trạng ùn ứ rác thải trên địa bàn, tỉnh Trà Vinh đang kêu gọi đầu tư dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh trên diện tích khoảng 10,44 ha tại ấp Sâm Bua (xã Lương Hòa, H.Châu Thành), công suất dự kiến 500 tấn/ngày.
Tại Quyết định chủ trương đầu tư 481/QĐ-UBND cấp lần đầu ngày 3.3.2022, UBND tỉnh Trà Vinh đã phê duyệt công nghệ áp dụng cho dự án Nhà máy xử lý chất thải rắn Trà Vinh tại ấp Sâm Bua là công nghệ đốt phát điện.
Tuy nhiên, đến ngày 9.6 vừa qua, UBND tỉnh Trà Vinh lại ban hành quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án, trong đó điều chỉnh từ công nghệ đốt phát điện thành công nghệ tiên tiến trong xử lý đảm bảo tỷ lệ chôn lấp chất thải sau xử lý thấp nhất.
Đặt câu hỏi về nguyên nhân có thể khiến tỉnh Trà Vinh "quay xe" và nhìn nhận về công nghệ đốt rác phát điện, ông Hoàng Dương Tùng khẳng định, đây là một giải pháp tốt với một số công nghệ, nhiều nước đã áp dụng từ lâu để giải quyết vấn đề chất thải rắn. Họ đặc biệt chú ý đến xử lý dioxin và furan. Với địa phương có khối lượng rác khoảng vài trăm mét khối một ngày có thể xây dựng lò kiểu này.
"Công nghệ tốt thì sẵn có, song khi nhà đầu tư vào chào giá cũng phải cẩn thận khi xem xét quyết định. Nhiều địa phương chỉ bàn về giá cả thôi, dường như cứ muốn rẻ đi. Họ cũng có thể làm rẻ đi được, nhưng mình không biết, không kiểm soát được, có thể bị thua thiệt, môi trường bị ô nhiễm", ông Tùng nói.
Cần khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật lò đốt rác
Một chuyên gia môi trường khác phân tích, trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển như ở châu Âu, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đều lựa chọn sử dụng công nghệ đốt rác phát điện.
Rất khó để chỉ ra một nhà máy đốt rác thông thường vận hành thành công, ổn định, đảm bảo các chỉ tiêu về môi trường ở Việt Nam. Thành công được hiểu là đốt đúng công suất thiết kế, không gây ô nhiễm môi trường, đốt liên tục, ổn định, không bị phạt, không bị dừng.
Với quy mô của dự án như ở Trà Vinh là xử lý 500 tấn rác/ngày đêm thì đủ quy mô cho nhà máy đốt rác phát điện. Giá đốt rác phát điện với đốt rác thông thường cũng không chênh lệch nhiều, trong khi các chỉ tiêu về môi trường của nhà máy điện rác đáp ứng 100% yêu cầu của đặt ra.
"Các địa phương cần rút ra bài học kinh nghiệm để lựa chọn công nghệ xử lý rác phù hợp, hiệu quả, tránh lãng phí, gây bức xúc trong nhân dân", vị này nói.
Tính câu chuyện giải pháp bền vững, dài lâu cho bài toán xử lý rác ở Việt Nam, ông Hoàng Dương Tùng nêu quan điểm: "Hiện nay, Việt Nam chưa có quy chuẩn kỹ thuật của nhà máy rác, không có mức sàn… Phải có hành lang pháp lý để địa phương cảm thấy an toàn khi lựa chọn dự án xét về kỹ thuật và giá xử lý phải trả.
Hiện nay, mới có quy chuẩn khí thải cho lò đốt. Theo tôi, Bộ TN-MT cần khẩn trương ban hành quy chuẩn kỹ thuật lò đốt rác để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương. Quy chuẩn đó là mức sàn kỹ thuật để địa phương yên tâm khi quyết định, ít nhất là đảm bảo về kỹ thuật đã. Về giá có thể chênh nhau tùy theo công nghệ, chất lượng nhưng phải làm sao để người ta giải trình được tại sao lại lựa chọn các mức giá xử lý rác thải khác nhau".
Bình luận (0)