Dự án do UBND H.Sơn Hà làm chủ đầu tư với công nghệ xử lý rác thải rắn bằng lò đốt 2 cấp, công suất 9 tấn/ngày đêm.
Xây nhà máy xử lý hơn chục tỉ, vẫn phải chôn lấp rác tạm thời
Năm 2020, dự án được khởi công xây dựng và dự kiến hoàn thành đưa vào hoạt động ngay trong năm này, nhưng tiến độ dự án gặp vấn đề nên đến năm 2022 mới hoàn thành. Sau đó, chủ đầu tư đã bàn giao toàn bộ công trình cho Hợp tác xã dịch vụ điện Di Lăng để tổ chức vận hành thử nghiệm.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, chạy thử nghiệm, công nhân thực hiện nhiệm vụ đốt rác đã phát hiện bể xử lý nước của hệ thống lò đốt bị hỏng, phải tạm dừng để xử lý, khắc phục. Từ đó, đến nay đã hơn 1 năm trôi qua, nhà máy vẫn chưa thể vận hành trở lại.
Ghi nhận thực tế mới đây, bên hông nhà máy là một bãi rác lộ thiên, rộng khoảng 1.000 m2. Tại đây, rác thải được đổ chất thành đống, cao khoảng 1 m và bốc mùi hôi thối, ruồi nhặng bu kín. Vào trong nhà máy, rác thải được chất đầy ở khu xử lý, máy móc ngừng hoạt động. Bể xử lý nước thải bị hư hỏng, bạt bị rách thành nhiều mảnh.
Theo thống kê, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi khoảng 800 tấn/ngày đêm. Tổng khối lượng được thu gom, xử lý là 500 tấn/ngày đêm. Hiện, công tác phân loại rác tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi chưa được thực hiện. Tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực các đô thị trung bình đạt khoảng 75 - 80%, tại khu vực nông thôn đạt khoảng 40 - 50%. Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 23 điểm xử lý rác thải sinh hoạt đang hoạt động bằng hình thức chôn lấp tạm thời tại các địa phương. Hầu hết các bãi chôn lấp này đều là bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
Ông Đinh Minh Hiếu, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Sơn Hà, cho biết: "Trong thời gian chạy thử nghiệm thì phát hiện bể xử lý nước của hệ thống lò đốt bị rò rỉ nước nên chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công xử lý, khắc phục. Cùng với đó, chúng tôi cũng đang xây dựng đơn giá vận hành chính thức, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định nên chưa thể đưa nhà máy vào hoạt động".
Theo ông Hiếu, để nhà máy trên được cấp phép hoạt động cần phải thực hiện theo quy định của luật Bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tại thời điểm lập dự án, chủ đầu tư không cơ cấu chi phí vận hành thử nghiệm và đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình, gồm: Đường thu gom và thoát nước thải, hệ thống xử lý nước thải và hồ sinh học, công tác xử lý mùi chất thải, lập hồ sơ cấp phép hoạt động môi trường... Vì vậy, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất H.Sơn Hà đã có báo cáo gửi UBND H.Sơn Hà xem xét, cấp kinh phí tiếp tục xây dựng các hạng mục còn lại, để sớm đưa nhà máy vào hoạt động.
Bình luận (0)