Nhà máy xử lý rác 'trùm mền' hoạt động lại

06/12/2015 06:00 GMT+7

Ngày 5.12, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, cho biết các vướng mắc ở Nhà máy xử lý rác Phương Thảo (xã Hòa Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã được giải quyết.

Ngày 5.12, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long, cho biết các vướng mắc ở Nhà máy xử lý rác Phương Thảo (xã Hòa Phú, H.Long Hồ, Vĩnh Long) đã được giải quyết.

Trước đó, từ năm 2009, Công ty CP phát triển xây dựng Phương Thảo (Công ty Phương Thảo) đã đầu tư 238 tỉ đồng xây dựng nhà máy xử lý rác trên diện tích 8 ha nằm ngay bãi rác của tỉnh Vĩnh Long. Nhà máy có công suất 300 tấn/ca 8 giờ. Cuối năm 2013, sau 9 tháng hoạt động thí điểm, nhà máy buộc phải tạm ngưng hoạt động do phát sinh bất đồng giữa chủ đầu tư và địa phương.
Theo bà Liêu Cát Phương Thảo - Tổng giám đốc Công ty Phương Thảo, bất đồng hai bên bao gồm các vấn đề như lượng rác cung ứng cho nhà máy quá ít, chỉ 100 tấn/ngày so với công suất vận hành song lại không được xử lý thêm lượng rác tồn; mức giá xử lý rác mà Vĩnh Long áp dụng chỉ 240.000 đồng/tấn so với giá xử lý trung bình toàn quốc từ 320.000 - 390.000 đồng/tấn vào thời điểm đó... Thu không đủ bù chi, hiệu quả thấp nên Công ty Phương Thảo đã buộc đóng cửa nhà máy.
Trước áp lực từ lãi suất cũng như khả năng hư hỏng máy móc khi tạm ngưng hoạt động, Công ty Phương Thảo đã gửi đơn trình bày khó khăn và mong muốn được tháo gỡ lên Thủ tướng Chính phủ. Sau đó, ngày 14.5.2015, ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, đã ký văn bản đồng ý với đề nghị của Công ty Phương Thảo tìm phương án khôi phục lại hoạt động nhà máy xử lý rác theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ.
Theo các văn bản mới nhất của UBND tỉnh Vĩnh Long, các vướng mắc được giải quyết theo hướng Vĩnh Long sẽ cấp khoảng 150 tấn rác/ngày cho Nhà máy xử lý rác Phương Thảo; nếu lượng rác thải của tỉnh cung cấp không đủ theo công suất của nhà máy thì nhà máy được nhận rác từ nơi khác để xử lý. UBND tỉnh Vĩnh Long cũng thống nhất trả mức chi phí xử lý rác là 365.000 đồng/tấn; đồng ý để chủ đầu tư chuyển đổi từ công nghệ lên men hầm kín xử lý khí, đống tĩnh, thổi khí cưỡng bức sang công nghệ lò đốt kiệt triệt để của châu Âu (công nghệ này cho phép xử lý cả rác thải y tế).
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.