Nhà... “một vú”

Như Lịch
Như Lịch
17/01/2022 07:08 GMT+7

Dọc xa lộ Hà Nội, đoạn qua P.Linh Trung (TP.Thủ Đức, TP.HCM) có căn nhà trọ đặc biệt do một bệnh nhân ung thư đứng ra thuê, nhằm đùm bọc nhiều bệnh nhân cùng hoàn cảnh khó khăn.

Căn nhà nhỏ nằm sát đường, thỉnh thoảng lại “giật mình” bởi tiếng còi chói tai từ những chiếc xe tải và xe đầu kéo chạy ngang qua. Bên kia xa lộ, đối diện là Bệnh viện (BV) Ung bướu TP.HCM - Cơ sở 2 (TP.Thủ Đức). Buổi trưa nắng gắt, bà Nguyễn Thị Phượng (người thuê căn nhà này và là bệnh nhân ung thư vú) chạy xe máy đón một số chị em sức khỏe yếu đi khám chữa bệnh trở về.

Bà Duyên (đứng), kế tiếp bên phải là bà Phượng và các bệnh nhân “ngôi nhà một vú” cùng ăn trưa

Như Lịch

Bệnh nhân ung thư đùm bọc nhau

Đến thăm căn nhà trọ một ngày cuối năm, tôi thấy có khoảng 15 bệnh nhân ung thư mới đi khám bệnh về. Một bé trai lầm lũi chơi trong góc nhà.

- Trừ thằng bé này, ở đây hầu hết ai cũng có một vú thôi!

- Cho nên mới gọi là ngôi nhà một vú!

Hai bệnh nhân ung thư vú là chị Phan Thị Thủy (quê Bà Rịa-Vũng Tàu) và chị Phạm Thị Hằng (quê Phú Yên) ngẫu nhiên bổ sung nhau khi giới thiệu cho tôi về căn nhà trọ. Các bệnh nhân còn lại phá lên cười trước cái tên “ngộ nghĩnh” bất chợt được đặt. Tôi nghe trong tiếng cười ấy có những niềm đau.

Được biết, người đứng ra thuê căn nhà trọ này là bà Nguyễn Thị Phượng (56 tuổi, ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM). Mắc ung thư vú, bà Phượng trải qua 8 toa hóa chất, phẫu thuật rồi tiếp tục xạ trị 16 tia. Do bệnh đã di căn đến nhiều bộ phận, bà phải rọc hạch nách và đang điều trị hạch cổ…

Bà Phượng cho hay mình mồ côi cha mẹ, không chồng con. Trong thời gian điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM - Cơ sở 1 (Q.Bình Thạnh), bà quen một người đồng bệnh là bà Võ Thị Mỹ Duyên (50 tuổi, quê Tiền Giang). Bà Duyên gia cảnh nghèo khó, không có tiền thuê nhà trọ nên sống ở hành lang BV trong hơn một năm chữa bệnh, vừa tranh thủ giúp việc và chăm sóc những bệnh nhân khác, trong đó có bà Phượng.

Từ tháng 5.2021, bà Phượng, bà Duyên và một số bệnh nhân chuyển ra điều trị tại BV Ung bướu TP.HCM - Cơ sở 2. Ban đầu, họ ở trọ trong nhà nghỉ, về sau thì ra ngoài thuê nhà.

Giải thích việc chuyển chỗ ở, chị Hồ Huỳnh Thị Thu Thúy (quê An Giang) tâm sự chị bị ung thư vú giai đoạn 3B, di căn qua xương. Hằng tháng, chị lên TP.HCM điều trị và phải trọ nhiều ngày. Chỉ riêng khoản ở (trong nhà nghỉ) và ăn uống, các chị tốn khoảng 250.000 - 300.000 đồng/ngày/người. Không cầm cự nổi, chị Thúy và một số bệnh nhân xúm nhau bàn, rồi nhờ bà Phượng đứng ra thuê nhà trọ và bà Duyên nấu ăn giúp.

Nhờ vậy, mấy tháng nay, hàng chục bệnh nhân ung thư có hoàn cảnh khó khăn từ nhiều vùng miền trên cả nước đã có chỗ trọ như mong ước và đỡ tốn kém. Theo đó, chi phí ăn, ở của họ chỉ còn 100.000 đồng/ngày/người. Từ khoản góp này, bà Phượng chịu trách nhiệm chi trả toàn bộ tiền thuê nhà trọ 6 triệu đồng/tháng, điện nước, ăn uống của các bệnh nhân…

Bà Phượng (trái) và bà Duyên an ủi một bệnh nhân ung thư vú giai đoạn cuối

Một số bệnh nhân đặc biệt khó khăn, bà Phượng miễn giảm tiền ăn, ở cho họ. Những phần thiếu hụt, bà Phượng xin tiền của anh em ruột và bạn bè đắp vào. Bà còn mượn tiền người thân để sắm mùng, mền, chiếu, gối, vật dụng sinh hoạt thiết yếu cho các bệnh nhân trong nhà, đồng thời mua chiếc xe máy cũ để tiện đi lại, đưa rước những ca “đi không nổi do mới mổ hoặc vô thuốc”.

Bà Vũ Thị Thơm (61 tuổi, quê Bình Phước, bị ung thư vú di căn xương) kể: “Từ lúc mắc bệnh, tui kiếm sống bằng công việc quen thuộc là buôn ve chai dạo càng khó khăn, trong khi tốn kém đủ thứ! May mà tụi tui được cô Phượng, cô Duyên đùm bọc như chị em trong một gia đình, lo cơm nước chu đáo. Nhiều lần tụi tui đi khám bệnh còn được cô Phượng chở miễn phí…”.

Mỗi lần lên tái khám, các thành viên “ngôi nhà một vú” thường xách theo rau củ, trái cây, món ăn quê nhà, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhau.

Bệnh nhân Huỳnh Thị Lệ hằng ngày bán vé số trước cổng Bệnh viện Ung bướu - Cơ sở 2

Mỗi sáng, thấy còn sống là mừng !

Hôm tôi đến thăm ngôi nhà trọ, tình cờ trùng ngày đám giỗ mẹ bà Phượng. 11 giờ 30, mọi người quây quần ăn trưa trên nền nhà. Có mâm cúng giỗ, nên bữa cơm của họ tươm tất hơn ngày thường.

“Đầu bếp chính” Võ Thị Mỹ Duyên hết đứng lại ngồi, để ý những chị em không được khỏe. Từ 4 giờ, bà Duyên thức dậy nấu ăn cho các bệnh nhân (3 bữa/ngày). Nhiều bữa bà Duyên nấu thêm cháo, hầm hạt sen…, còn bà Phượng mua trái cây về làm nước ép hoặc mua rong biển, nước sâm bồi bổ cho những người vừa trải qua phẫu thuật hay hóa trị, xạ trị.

- Lệ, em mới vô toa đầu tiên, ăn không nổi cũng ráng ăn nha!

Bà Duyên dặn dò một phụ nữ trẻ trọc đầu, có gương mặt xinh đẹp mà xanh xao, đó là chị Nguyễn Thị Lệ (34 tuổi, quê Bình Định) - thành viên mới trong căn nhà này. Ở quê, chị Lệ làm nhân viên ngành điện lực, còn chồng làm tài xế. Vợ chồng chị cùng hai con (đứa học lớp 2, đứa lớp 1) chưa có nhà riêng, sống chung với gia đình chồng.

Cách đây khoảng 3 tháng, chị Lệ bất ngờ phát hiện mình bị ung thư vú. Chị phải mổ cắt bỏ vú và bắt đầu liệu trình gồm 6 liều thuốc hóa sinh, 12 liều thuốc sinh học..., với số tiền vay nợ chữa bệnh khoảng 500 triệu đồng. “Nhiều khi em nản lắm chị ơi! Mắc bệnh rồi, tất cả chỉ còn là con số không”, chị Lệ ứa nước mắt chia sẻ với tôi.

Trước khi hóa trị và bị rụng tóc, chị Lệ nhờ bà Duyên cạo đầu, vừa tiết kiệm chút tiền vừa lưu giữ mái tóc dài quen thuộc. Bà Duyên xót xa: “Tóc Lệ rất đẹp! Tui ủi đến đâu là khóc đến đó”.

Phần lớn bệnh nhân ở đây nghèo khó, kiệt quệ tiền bạc sau thời gian ròng rã chữa bệnh. Trải qua 4 năm điều trị ung thư vú, với hơn 40 toa hóa sinh, bà Nguyễn Thị Thấy (57 tuổi, quê Tiền Giang) đưa sổ bệnh án và giấy chứng nhận hộ nghèo, mong chúng tôi viết bài kêu gọi giúp đỡ. Tương tự, bà Huỳnh Thị Lệ (65 tuổi, quê Tiền Giang) cho biết hằng ngày bà bán vé số trước cổng BV để có tiền mua thuốc và trang trải cuộc sống.

Chỉ đứa bé đang chơi một mình, bà Võ Thị Mỹ Duyên bảo đó là cháu ngoại của bà. Mẹ của bé (làm nghề bào rau, ở trọ tại Q.Bình Tân, TP.HCM) là người câm điếc, có chồng cũng câm điếc nhưng đã chia tay. Cháu bé hơn 3 tuổi mà chưa biết nói, nên bà đón ra ngoài này… Bà Duyên bộc bạch: “Một số chị em mới mắc bệnh ung thư hoặc bệnh tái phát thì tinh thần đi xuống, muốn bỏ cuộc. Tui lấy cuộc đời quá khổ, trắng tay của mình để động viên họ cố gắng vượt qua. Với tụi tui, mỗi buổi sáng mở mắt ra, thấy mình còn sống là mừng!”.

Những cuộc chia tay

Ngày 10.12.2021, các bệnh nhân trong “ngôi nhà một vú” tiễn hai thành viên về quê trong tình cảnh khác nhau. Đó là chị Phạm Thị Hằng (quê Phú Yên) nhận tin vui “bác sĩ cho tốt nghiệp”, xuất viện, sau khi chị phát hiện mắc ung thư vú giai đoạn tương đối sớm (giai đoạn 2A) và tích cực điều trị suốt một năm. Còn chị Y.O (quê Đồng Tháp) bị u vú ác tính, trong những tháng dịch giã căng thẳng ít lên khám bệnh, nay bệnh trở nặng, tiên lượng xấu, gia đình đưa về quê. Chị Y.O có 3 đứa con, đứa nhỏ nhất mới hơn 2 tuổi.

Trước đó, ngày 4.11.2021, bà L.K.G (50 tuổi, quê An Giang) qua đời với căn bệnh ung thư vú di căn phổi, não. Các bệnh nhân ở nhà trọ này quyên góp, phụ mua cái hòm để an táng bà G...

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.