* Anh vẫn được biết đến với hai tư cách, hoặc một giảng viên đại học, hoặc một nhà nghiên cứu - dịch thuật văn học. Hai công việc này bổ sung hay mâu thuẫn trong anh?
- Ở đại học, giảng dạy và nghiên cứu (kể cả dịch thuật) có thể so sánh với hình và bóng. Giảng là giảng những gì mình đang nghiên cứu. Có nhiều lúc, vừa vào lớp, tôi giảng ngay bài thơ Nhật mà mình vừa dịch trong quán cà phê. Tôi cho rằng dạy đại học phải luôn cập nhật cái mới, mà cái mới chỉ có khi có sự tìm tòi bất tận ở người thầy. Tôi không nghĩ giảng dạy là phải mô phạm (theo nghĩa lúc nào cũng tuân thủ những quy phạm cố định), mà luôn phải sáng tạo những cảm hứng mới, đặc biệt với môn Văn. Do đó, hai công việc trên đối với tôi là một. Tuy nhiên, cũng như hình và bóng, chúng có thể là hai khi cần.
* Việc nghiên cứu, dịch thuật văn học nước ngoài mang lại cho anh điều gì?
- Văn học thế giới là một đại dương trong đó có văn học Việt Nam. Vì thế tôi không đặt ra sự đối lập trong - ngoài. Tuy nhiên, có điều tôi không hiểu, vì lẽ gì văn học Việt Nam từ xưa đến nay luôn có quá nhiều điều hầu như không thể đề cập, do cái gọi là vấn đề cấm kỵ, kiêng dè, nhạy cảm... Cái gì thuộc về con người thì văn học không có quyền xa lạ. Ta tự tạo nên một truyền thống hẹp hòi rồi lại nhân danh truyền thống đó mà "giữ mình".
Ví dụ: ở ta rất khó nói cho thật thẳng thắn cái xấu xí của dân tộc mình. Trong khi đó, ở những nền văn học khác, người ta rất thật thà về chuyện đó. Tôi luôn luôn cảm thấy, dù văn học Việt Nam vẫn có những đỉnh cao, nhưng không hiểu sao vẫn cứ hẹp hòi. Bao giờ thì mới hết rụt rè, khép nép...? Một thiếu nữ mà như thế sẽ được xem là có duyên. Nhưng một nền văn học mà như thế thì lại là vô duyên.
Nhắc đến cái tên Nhật Chiêu, người ta nghĩ ngay đến một giảng viên đại học không chỉ đứng lớp mà còn dịch và giới thiệu nhiều tác phẩm văn học các nước, nhất là văn học Nhật Bản. Những đầu sách của anh xác nhận điều đó: Tagore, người tình của cuộc đời (biên khảo, NXB Hội Nhà văn, 1991), Bashô và thơ haiku (biên khảo, NXB Văn học, 1994), Nhật Bản trong chiếc gương soi (biên khảo, NXB Giáo dục, 1995), Tuyển tập truyện ngắn Nhật Bản (dịch, NXB Trẻ, 1996), Câu chuyện văn chương phương Đông (biên khảo, NXB Giáo dục, 1997), Thơ ca Nhật Bản (biên khảo, NXB Giáo dục, 1998), Tình trong bóng tối (dịch, NXB Văn nghệ, 1989), Con lừa vàng (dịch, NXB Phụ nữ, 2004)... |
- Tôi nghĩ, những yếu tố cực kỳ quyết định khiến người Nhật có được những tác phẩm văn chương kiệt xuất, đó là tình yêu bao la dành cho thiên nhiên, cái Đẹp, là tinh thần tự do trong đời sống Nhật Bản. Không ở đâu mà tất cả cộng đồng đều dành cho thiên nhiên, cho cái Đẹp niềm say mê lạ lùng như ở Nhật. Không ở đâu, tất cả đều được biến thành Đạo để thưởng thức như ở Nhật. Suốt cả năm, người ta có biết bao nhiêu lễ hội về hoa, về đá, về tuyết, về cỏ, về rêu... Cái gì cũng được ngắm nhìn, chiêm nghiệm, ngay trong những tầng lớp dân chúng bình thường nhất. Chỉ ở Nhật, hình ảnh các nhà văn mới xuất hiện trên giấy bạc, và được xem là điều rất bình thường. Tự do lại đóng góp cho người Nhật một lợi thế trong cách nhìn cuộc sống. Trước thế chiến II, lịch sử Nhật Bản chưa hề bị kẻ thù nào chiếm đóng. Người Nhật không bị khống chế, áp đặt, họ hoàn toàn tự do trong lối sống, trong văn hóa, tôn giáo, triết học..., và may mắn đã gặp được Phật giáo để từ đó, Thiền trở thành phần tiêu biểu nhất trong đời sống của người Nhật, bộc lộ rõ trong văn học.
* Là giảng viên đại học lâu năm, điều bức xúc nhất của anh với đào tạo đại học là gì?
- Là chuyện dài nhiều tập của đại học ta: dạy vẹt, học vẹt. Cứ trách học sinh hiện nay chỉ biết học vẹt. Vì đâu? Bởi cơ chế giáo dục quái dị đã đào tạo nên những người đứng lớp chỉ biết dạy vẹt, nghĩa là sao chép linh tinh những thứ giáo trình lạc hậu ra đời từ mấy mươi năm trước (vốn đã lạc hậu ngay từ lúc mới ra đời!).
Bạn thử đi lạc vào một giảng đường mà ở đó môn văn đang được giảng dạy. Tội nghiệp cho sinh viên quá! Họ luôn luôn phải nghe rằng văn chương phải thế này, phải thế kia, rằng chân lý thì không thể khác... Nghe có lý một cách khủng khiếp! Mà cái lý khủng khiếp ấy bóp chết ngay trong trứng mọi mưu toan tư tưởng của sinh viên.
Cái lệch lạc nhất, đó là hầu như mọi con vẹt giỏi đều trở thành tiến sĩ, để rồi đến lượt mình, lại hăng hái đào tạo các tiến sĩ vẹt khác, thậm chí dắt díu nhau trở thành các giáo sư vẹt. Không gì vui hơn, đông hơn, nhộn hơn thị trường chữ nghĩa bây giờ. Tất nhiên là vẫn có ngoại lệ, chỉ có điều ngoại lệ càng ngày càng hiếm hoi.
* Liệu có yếu tố nào có thể xem là ưu điểm không?
- Có. Chuyện đã đến thế mà ai cũng lạc quan, cũng cười vui. Mà lạc quan không phải là ưu điểm thì là gì (?!).
* Anh có tin rằng văn học có thể làm thay đổi từng con người và thay đổi loài người nói chung?
- Văn học, xin nói ngay, không làm thay đổi điều gì cả. Ví dụ: kẻ cướp thình lình xông vào nhà, ta vớ lấy bình hoa đập đầu nó, may ra hạ được nó. Văn học như cái bình hoa đó, đừng tưởng nó làm ra là để diệt cướp. Thỉnh thoảng may mắn, nó làm được chút gì đó, còn thường thì không. Vậy mà ta vẫn yêu văn học và yêu hoa. Cần gì lý do. Không lý do, không điều kiện, đó chính là lý do đáng kể nhất, điều kiện đáng kể nhất. Bao giờ tôi cũng yêu văn học, con người, thiên nhiên... Không lý do. Mọi lý do đều là bịa đặt, hoang tưởng.
* Một chuyện khác, xin anh cho biết, lớp cử nhân tài năng có phải là một kiểu lớp chuyên của bậc trung học không? Nó có cần được điều chỉnh theo hướng nào đó hay không?
- Theo tôi, chữ "tài năng" đã bị lạm dụng. Thực chất, một lớp tài năng hiện nay chỉ bao gồm các sinh viên giỏi. Các em chỉ giỏi như những sinh viên đứng đầu của các lớp thường. Còn tài năng thì khác. Một sinh viên tài năng không nhất thiết phải điểm cao (do có chiến lược thi cử) mà cần có tư chất đặc biệt về nghiên cứu, sáng tạo. Do đó, tuyển sinh viên tài năng không thể làm theo kiểu thi cử hiện nay mà phải thử thách những tư chất đó. Và sau đó, phải đào tạo theo tư chất của từng em, khuyến khích sáng tạo tối đa. Một vấn nạn là tìm đâu ra đủ số những người giảng dạy tài năng, mặc dù ta luôn dư thừa những học vị, học hàm cao ngất trời.
* Theo anh, trong quan hệ hai chiều giữa đời sống và văn học thì chiều nào có tính định đoạt hơn?
- Đó là sự tương tác bất tận. Cái nào quan trọng hơn tùy thuộc vào điểm nhìn của ta.
* Thời sự văn học trong nước: thực chất của những tranh luận và cả những scandal, theo anh, có nghĩa gì?
- "Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con", xin mượn thơ Tản Đà để nói thay.
* Gần đây, người ta lại thấy anh xuất hiện với tư cách người sáng tác. Do anh không hài lòng với những gì người khác đã viết hay sao...?
- Đúng ra là không hài lòng với chính mình. Giới thiệu mãi những sáng tác của nước ngoài rồi cũng chán. Vậy thì tự sáng tác thôi. Hơn nữa, tôi tự biết tính mình vốn ghét kiểu hàn lâm kinh viện, vờ vĩnh đóng mãi vai "nhà nghiên cứu" đủ rồi, giờ thì chỉ thích ngao du. Từ tết đến giờ, tôi đã đi hết cả ba miền và viết, không làm mọt sách nữa.
* Tương lai của văn học Việt Nam, theo anh, sẽ đi theo chiều hướng nào?
- Mở rộng chân trời. Và quan trọng hơn, phát hiện ra bản thân mình.
Ngô Thị Kim Cúc
(thực hiện)
Bình luận (0)