Loạt bài trên Báo Thanh Niên về Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn tiếp tục nhận được nhiều ý kiến tranh luận. Tuy nhiên, Thanh Niên sẽ tạm dừng đề tài này, và ghi nhận tất cả ý kiến về bộ tranh chỉ mang tính tham khảo, cần thêm những nghiên cứu, đóng góp sâu rộng của giới chuyên môn.
|
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đăng bài phỏng vấn mới nhất với nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn quanh đề tài trên, nhằm ghi nhận tâm nguyện của ông khi giới thiệu bộ tranh quý của họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đến với công chúng.
Trên Thanh Niên số ra ngày 13.3.2014, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức viết: “Quy chế được ghi lại trong Hội điển là quy chế chuẩn mực (…). Những khác biệt trong bộ tranh Nguyễn Văn Nhân đã không tìm thấy bất kỳ tư liệu nào xác quyết…”. Chúng tôi thấy điều Trần Quang Đức nêu trên cũng đáng suy ngẫm trong việc tìm hiểu giá trị bộ tranh Đại lễ phục của triều đình An Nam và khá hợp lý…
Chưa hợp lý lắm. Sách Ngàn năm áo mũ của Trần Quang Đức viết: “Từ thời vua Đồng Khánh, Khải Định về sau trang phục trong triều đã không còn được tuân thủ nghiêm ngặt như trước” (trang 278). Hay: “Qua một số ảnh chụp các vua Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định, Bảo Đại có thể thấy lối trang sức trên mũ Cửu Long của các vị vua này không hoàn toàn đồng nhất” (trang 290)… Chính những ghi nhận của Trần Quang Đức cho thấy quy định chi tiết trong Hội điển là một việc, nhưng thực tế có nhiều thay đổi, “phá cách, không hợp quy chế, vô tiền khoáng hậu” - như chính chữ dùng của Trần Quang Đức - là việc khác. Như vua Khải Định đã thay đổi kiểu áo cổn, võ phục. Ngay cả mũ Cửu Long là quan trọng nhất theo Trần Quang Đức cũng khác nhau trong bốn triều vua. Việc tìm hiểu những thay đổi chi tiết trong lễ phục của các đời vua không chỉ qua những bộ sách của tiền nhân, mà còn qua hiện vật, hình vẽ của người đương thời. Nếu ông Đức muốn tìm biết những thay đổi ấy dưới thời vua Thành Thái thì bộ tranh Đại lễ phục của triều đình An Nam với ghi chú không chỉ bằng tiếng Pháp mà cả bằng chữ Hán: “Hoàng phái sắc phục tự thiên tử chí tôn thất” do họa sĩ Nguyễn Văn Nhân thực hiện là một tài liệu hiếm hoi, quý giá.
|
Ông đưa ra một trường hợp cụ thể về nhận xét không chính xác đó của nhà nghiên cứu Trần Quang Đức được không?
Trần Quang Đức nhận xét: “Chúng tôi thấy một số kiểu trang phục khác cũng không được vẽ chuẩn xác, như cột thủy nằm dưới thủy ba của chân áo bào. Loại cột thủy này chỉ xuất hiện trên trang phục của hoàng tộc, không có ở bào phục của bá quan, nhưng trong tranh của Nguyễn Văn Nhân thì cơ hồ áo bào nào cũng có chi tiết này” (Thanh Niên 10.3.2014), là không đúng. Bằng chứng bức vẽ chân dung danh nhân Đặng Huy Trứ 1825 - 1874 vẫn cho thấy chân áo bào của nhà văn hóa từng làm Ngự sử và Khâm phái quân vụ Sơn - Hưng - Tuyên có chi tiết ấy, chứ không phải “chỉ xuất hiện trên trang phục của hoàng tộc” như Trần Quang Đức khẳng định. Một loạt chi tiết khác cũng được Trần Quang Đức dựa vào Hội điển để so sánh với chân áo bào triều phục của các quan qua tranh họa sĩ Nguyễn Văn Nhân tương tự như trên với hình ảnh kèm theo dễ gây ngộ nhận cho người đọc. Thật ra tất cả những điều liên quan trong Hội điển mà Trần Quang Đức đưa ra không nằm ngoài nội dung đã được chúng tôi dịch và kèm theo nguyên tác Hán văn ở phần đầu của cuốn Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn.
Ông có thể nói rõ hơn mục đích và tâm nguyện của ông khi công bố bộ tranh Đại lễ phục của triều đình An Nam?
Tâm nguyện của chúng tôi là muốn giới thiệu một họa sĩ bậc thầy trong thời kỳ phôi thai của lịch sử mỹ thuật Việt Nam mà đến nay chưa được biết đến tương xứng với những gì ông đã đóng góp. Thật vậy, Nguyễn Văn Nhân là hàng tiền bối của họa sĩ Tôn Thất Sa mà hai nhà nghiên cứu Trịnh Bách và Trần Quang Đức thường nhắc đến mấy ngày qua trong các bài viết của mình với vị trí là “họa sĩ cung đình”. Họa sĩ Tôn Thất Sa vẽ trên bộ sách Những người bạn của cố đô Huế (BAVH) từ năm 1916 - tập san do học giả Cadière làm chủ bút. Nhưng cách đó đến hơn 30 năm trước, họa sĩ Nguyễn Văn Nhân đã để lại dấu ấn của mình qua chân dung vua Đồng Khánh vẽ năm 1885 và chân dung ngài tổ sư Hải Toàn Linh Cơ là tăng cang Quốc tự Giác Hoàng trong kinh thành Huế (tăng cang là chức quan do triều đình bổ nhiệm để trông coi chư tăng - PV) vẽ năm 1895. Vào thời điểm đó các trường mỹ thuật danh tiếng ở nước ta chưa mở ra như Trường vẽ Gia Định (thành lập năm 1913) hay Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương khai giảng chính thức ở Hà Nội vào 1925.
Chúng tôi còn muốn gửi đến giới nghiên cứu ngày nay cũng như các bạn trẻ mai này một tài liệu quý hiếm hiện chưa được phổ biến rộng rãi. Dẫu cho có những nội dung chưa đồng thuận song chúng tôi vẫn cảm ơn tất cả ý kiến của các nhà nghiên cứu đã nêu lên mấy ngày qua, cảm ơn Thanh Niên đã khơi dậy trên mặt báo đề tài văn hóa mỹ thuật hiếm thấy liên quan tới một tài hoa chưa được biết đến nhiều.
Cuối cùng, tôi rất hy vọng và mong ngóng một ngày gần đây bộ tranh hiện bị thất lạc, tha hương vô định ở xứ người kia sẽ sớm được trở về Tổ quốc để đoàn tụ dưới mái nhà di sản Việt Nam.
Giao Hưởng
>> Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: Bộ tranh đại lễ phục Việt Nam không phải do tưởng tượng
>> Tác giả Đại lễ phục triều đình An Nam không phải họa sĩ vô danh
>> Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn: Bộ tranh đại lễ phục Việt Nam không phải do tưởng tượng
>> Huy hoàng đại lễ phục nhà Nguyễn
>> Ra mắt tư liệu quý về đại lễ phục thời Nguyễn
Bình luận (0)