Đào Nhật Tân là đặc sản của người dân các tỉnh miền Bắc trong mỗi dịp xuân về, nhưng nay đã bám rễ và nảy lộc đơm hoa ở Lâm Đồng.
Vườn đào Nhật Tân của ông Lợi sẽ bung hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán - Ảnh: G.B
|
Được sự chỉ dẫn của cán bộ UBND thị trấn Nam Ban (H.Lâm Hà, Lâm Đồng), chúng tôi không mấy khó khăn khi tìm đến nhà ông Chu Đức Lợi (58 tuổi, khu phố Đông Anh 1, TT.Nam Ban) để mục sở thị vườn đào Nhật Tân thuộc diện hoành tráng nhất vùng đất này. Giữa trưa nắng chang chang, ông Lợi vẫn cặm cụi chỉnh sửa tán, vặt lá, cắt cành cho hàng trăm cây đào Nhật Tân trong vườn để “bắt” cây nở hoa vào dịp Tết Nguyên đán.
Ông Lợi vốn là người làng Nhật Tân (Hà Nội). Năm 1997, ông vào vùng kinh tế mới Nam Ban này để thăm người anh sinh sống tại đây. Thấy cư dân sinh sống hầu như là người các tỉnh phía bắc nhưng nhìn quanh không có cây đào Nhật Tân nào, ông Lợi nảy sinh ý định trồng loại cây này. Qua thời gian tìm hiểu thổ nhưỡng, khí hậu, năm 2000 ông Lợi quyết định bán nhà cửa, vườn tược ở quê rồi vào Nam Ban mua 1,3 ha đất trồng đào Nhật Tân - nghề gia truyền của ông. “Phải mất tới 3 năm mới thành công. Đào được tôi đưa từ ngoài bắc vào trồng, ban đầu cây phát triển vùn vụt, cành lá sum suê nhưng không có hoa. Tôi bỏ công nghiên cứu, tìm hiểu được nguyên nhân và khắc phục thành công. Tiếp đến, khi mở rộng vườn đào thì không biết tại sao cây cứ héo lá dù chăm sóc đúng cách. Tìm hiểu mãi, cuối cùng khi đào đất lên phát hiện phía dưới có lớp đá bàn rất nóng. Tôi khắc phục bằng cách phun bùn vào rồi mới trồng cây”, ông Lợi kể và cho biết thêm: “Hiện vườn đào của tôi có 5 sào trồng gần 1.000 cây gồm các loại bạch đào, bích đào và đào phai. Trong số này có 200 cây đào thế, 700 đào cành sẽ được đưa ra thị trường vào đúng Tết Ất Mùi. Nếu cho thuê đào thế thì giá 2 - 5 triệu đồng/cây, nếu bán giá 5 - 30 triệu đồng/cây, còn đào cành giá 300.000 - 1 triệu đồng/cành. Tính sơ sơ như vậy đã thu lãi vài trăm triệu đồng rồi”.
Cũng theo ông Lợi, trồng đào Nhật Tân ở đây không phải dễ, bởi thời tiết, khí hậu, đất đai khác hoàn toàn so với ngoài bắc nên nếu chăm bón không đúng kỹ thuật thì chỉ có thu hoạch… toàn lá. Một năm bón phân hai lần, và chỉ bón phân vi sinh, đạm, lân; không được bón phân kali bởi sẽ làm cho cây cứng cành, không phát triển. Đồng thời, phải có mặt trong vườn hằng ngày để theo dõi mà sửa tán, tạo thế và đặc biệt là phát hiện, xử lý sâu bệnh kịp thời. Tuy nhiên, quan trọng nhất là phải biết hãm sinh trưởng của cây để cây xuống lá và ra hoa đúng thời gian mong muốn. “Việc hãm cũng phải đúng kỹ thuật, cành nào khỏe thì khoanh (dùng dao cắt 1 vòng tròn quanh thân, cành) hơi mạnh tay tí, cành nào yếu thì phải nhẹ tay và phải thực hiện đúng thời gian không có mưa (khoảng 1 tuần) chứ có mưa là cây liền vết cắt ngay”, ông Lợi chia sẻ bí quyết.
Nhờ làm chủ được kỹ thuật chăm sóc, tạo dáng, tạo thế nên đào Nhật Tân của ông Lợi có dáng, thế rất đẹp và ra hoa tự nhiên chứ không phải nhờ “đánh thuốc” và hằng năm cung luôn không đủ cầu. Dịp Tết Nguyên đán nào cũng vậy, chỉ trong mấy ngày, vườn đào của ông đều được khách hàng mua hết. Vì thế, ông Lợi được nhiều người dân ở đây xem là “vua đào Nhật Tân”.
Bình luận (0)