Nhà nước cần giúp doanh nghiệp 'xung trận'

13/10/2015 05:53 GMT+7

Ngày doanh nhân năm nay đúng vào thời điểm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương ( TPP ) vừa chính thức hoàn tất đàm phán nên hầu hết các hội họp, gặp gỡ của doanh nghiệp, doanh nhân đều xoay quanh chủ đề này.

Ngày doanh nhân năm nay đúng vào thời điểm Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa chính thức hoàn tất đàm phán nên hầu hết các hội họp, gặp gỡ của doanh nghiệp, doanh nhân đều xoay quanh chủ đề này.

Doanh nghiệp cần sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước - Ảnh: D.Đ.MinhDoanh nghiệp cần sự đồng hành của cơ quan quản lý nhà nước - Ảnh: D.Đ.Minh
Có mong, có mừng, có lo lắng nhưng nhìn chung doanh nhân được hỏi đều có tâm thế sẵn sàng cho cuộc ra khơi lần 2, sau lần VN gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) 8 năm về trước.
Với một cái nhìn thận trọng hơn, trả lời phỏng vấn Thanh Niên, ông Huỳnh Văn Minh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) TP.HCM, cho rằng thách thức lớn hơn cơ hội.
Ông Huỳnh Văn Minh
       
* Hầu hết các ý kiến chuyên gia, tổ chức trong và ngoài nước đều cho rằng VN hưởng lợi nhiều nhất trong TPP, sao ông lại nói thách thức lớn hơn?
- Bởi vì thử thách của DN hiện nay là nguồn nhân lực chưa tốt, trình độ, năng lực hạn chế; vốn ít; lãi suất cao hơn so với nước ngoài. Đó là các thách thức lớn.
Về cơ chế chính sách, mặc dù nhà nước đã ban hành nhiều chính sách thông thoáng, mở ra hết cỡ nhưng chậm đi vào thực tiễn. Chẳng hạn gói 30.000 tỉ đồng, đến nay mới giải ngân 20 - 30% thì khi nào hết 30.000 tỉ? Trong khi người thu nhập thấp cần nhà, mà tiền thì ngâm đó. Hay như luật DN và luật đầu tư sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1.7 nhưng kéo dài tới mấy tháng cũng chưa có đủ các nghị định hướng dẫn, khiến DN lúng túng kinh khủng. DN rất buồn vì sự thiếu đồng bộ đó. Cho nên phải chấn chỉnh lại khâu cải cách thể chế. Muốn cải cách thể chế thì phải cải cách hành chính. Mà hành chính là thủ tục. Thủ tục là do con người tạo ra. Còn bản thân DN phải điều chỉnh mình để phù hợp với thời kỳ mới. Nhưng nhà nước cũng phải đồng hành, cùng chia sẻ với DN, giúp DN yên tâm “xung trận”. Có như vậy mới giúp họ đủ yên tâm giữ vững thị trường trong nước, vừa tự tin giong buồm ra nước ngoài.
* Ông thấy DN VN ở hai giai đoạn gia nhập WTO và tham gia TPP cơ bản khác nhau như thế nào?
- DN chuẩn bị cho gia nhập WTO tương đối cẩn thận. Họ chuẩn bị từ lúc chưa đàm phán cho đến khi kết thúc đàm phán. Họ nắm rất rõ thông tin. Lúc đó tôi cũng là DN nên tư thế hội nhập rất sẵn sàng, rất sung, chủ yếu trước 2008 kinh tế VN tăng trưởng rất mạnh, DN ăn nên làm ra. Chúng tôi phòng thủ rất kỹ và kế hoạch tấn công cũng chu đáo, nên không sốc. Rất tiếc sau đó lại rơi vào khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Nhưng cũng nhờ có sự chuẩn bị tốt nên trụ lại được phần nào. Còn TPP thì thông tin quá ít. Trong cộng đồng DN, họ đón nhận thông tin về TPP chủ yếu qua báo chí. Ngay như tôi cũng chưa nắm được hết những vấn đề cốt lõi của TPP, chỉ hiểu những vấn đề chung chung. Nhưng với DN, họ cần thông tin kỹ càng, tỉ mỉ. Như dệt may, da giày, thủy sản, nông nghiệp mất gì, được gì? Đàm phán xong chỉ mới ở giai đoạn bắt đầu, khó khăn còn ở phía trước. Vì thế, DN cần chuẩn bị mọi thứ để bước vào giai đoạn khó khăn đó.
Bộ máy công quyền phải coi thành công của doanh nghiệp là niềm vui của mình, coi thất bại của họ là nỗi buồn của mình. Có như vậy, mới giúp doanh nghiệp ra khơi an toàn và thành công được
 
* Vậy các DN phải làm gì hậu TPP?
- DN không có đường lùi. Vấn đề là bản thân DN phải tự điều chỉnh, chọn thị trường nào, mặt hàng nào trong số các nước tham gia TPP. Nếu không chuẩn bị tốt, người ta sẽ tận dụng được lợi thế của mình, còn mình thất thế. Muốn vậy, nhà nước cũng cần có sự quan tâm tới sự phát triển của DN. Các thương hiệu lớn của nước ngoài đã vào VN hết rồi, từ xe cộ, hàng điện tử, đồ ăn thức uống... Thậm chí họ cũng đã mua cổ phần của các thương hiệu lớn VN. Nên chăng chúng ta có những siêu thị ở các nước láng giềng để làm bàn đạp đưa hàng hóa VN tấn công ra nước ngoài. Chúng ta đều thấy, các nước liên tục mở nhiều siêu thị ở VN, đặc biệt là DN Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
* Cụ thể, theo ông DN mong muốn điều gì từ phía nhà nước để có thể cạnh tranh khi TPP chính thức có hiệu lực?
- Điều tôi và các DN mong muốn nhất là nhà nước phải vào cuộc, phải thấy rõ khó khăn của DN. Các cơ quan quản lý phải đồng hành cùng DN, phải chia sẻ, coi thành công của DN là thành công của mình. Trong thời gian qua, cơ quan quản lý thấy cái gì khó là dồn cho DN. Bộ máy công quyền phải coi thành công của DN là niềm vui của mình, coi thất bại của họ là nỗi buồn của mình. Có như vậy, mới giúp DN ra khơi an toàn và thành công được.
Góc nhìn doanh nhân:
Không có gì phải hoảng hốt
       
Vào TPP, cái tốt nhất là có lợi cho người tiêu dùng. Riêng với mặt hàng sữa, người dân có cơ hội uống được sữa Úc, New Zealand, Ireland chất lượng cao với giá rẻ. Đây cũng là cơ hội để loại khỏi cuộc chơi những ai không muốn thay đổi, hoặc không có khả năng thay đổi. Vấn đề của sữa VN lúc này là gì? Giá nguyên liệu đầu vào quá cao, chi phí vận chuyển, kho bãi... tất cả đều cao hơn các quốc gia có lợi thế ngành sữa trong các quốc gia TPP. Muốn vẫn sống sót và vượt qua được “ải” này, DN và ngành phải thay đổi và tôi cho đây là cuộc chơi sòng phẳng, không có gì phải hoảng hốt. Nhà nước làm chính sách nhưng chính DN phải biết tính toán lại bài toán chi phí thế nào lợi nhất và tốt nhất cho mình, đó là nghệ thuật của sự khác biệt, vượt trội.
Ông Trần Bảo Minh, Tổng giám đốc Công ty CP sữa quốc tế IDP
Bất động sản hưởng lợi lớn
       
Bất động sản cũng sẽ được hưởng lợi rất nhiều, nhất là ở các phân khúc bất động sản công nghiệp, nhà xưởng và kho vận khi mà các công ty sản xuất sẽ đổ bộ vào VN để thuê đất làm nhà máy, nhà xưởng sản xuất. Kéo theo đó là nhu cầu văn phòng cho thuê, nhà ở và mặt bằng bán lẻ cũng sẽ trở nên nhộn nhịp hơn. Trong đó, phân khúc căn hộ cao cấp sẽ được hưởng lợi nhiều nhất khi mà việc các DN đến VN mở rộng, xây mới nhà máy sẽ kéo theo một đội ngũ chuyên gia nước ngoài, Việt kiều vào VN làm việc. Trong bối cảnh luật đã rộng cửa cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà tại VN thì việc ký kết Hiệp định TPP sẽ vô cùng thuận lợi, tạo động lực để nguồn vốn ngoại đổ vào thị trường bất động sản. Tuy nhiên, TPP cũng mang lại sức ép cạnh tranh không nhỏ và trong cuộc đua này, các DN phải thực sự chuyên nghiệp mới có thể tham gia.
Ông Nguyễn Bá Sáng, Chủ tịch HĐQT Công ty An Gia Investment
Tiếp cận vốn ủy thác từ nước ngoài với chi phí thấp
       
Tôi mừng nhiều hơn lo. TPP sẽ tác động và tạo cơ hội nhiều hơn cho DN giao thương mà DN là khách hàng của ngân hàng. Điều này đòi hỏi ngân hàng luôn luôn phải đi trước cung cấp các sản phẩm dịch vụ giải quyết các vấn đề của DN về thanh toán toàn cầu, cho vay thông qua tài trợ thương mại... Quy mô DN lớn cũng là cơ hội cho ngân hàng phát triển các sản phẩm, dịch vụ. Đồng thời luồng vốn đầu tư quốc tế vào VN tăng trưởng mạnh tạo thuận lợi cho hệ thống ngân hàng tăng cường thanh khoản và gia tăng cơ hội kinh doanh. Ngân hàng có điều kiện tiếp cận nguồn vốn ủy thác từ nước ngoài với chi phí thấp.
Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB)
Ưu đãi xây dựng vùng nguyên phụ liệu dệt may
       
Ngành dệt may gặp khó khăn lớn nhất là không có đủ nguồn nguyên vật liệu trong nội khối có giá tốt để hưởng lợi 0% thuế xuất một cách trọn vẹn. Nếu mua nguyên vật liệu của Nhật, Mỹ cũng là các quốc gia nội khối TPP nhưng giá rất cao, làm sao cạnh tranh nổi. Hiện tại, DN VN chỉ mới khai thác được 20% lợi thế khi vào TPP. Có nghĩa là 80% đang đứng ngoài cuộc chơi này mà nguyên nhân chính vẫn là do “án” xuất xứ. Tuy nhiên, tôi vẫn thấy nhiều cơ hội để nâng tỷ lệ này lên khá lạc quan. Theo dự báo khoảng năm 2018 TPP sẽ có hiệu lực, hy vọng nhà nước sẽ chú trọng đề xuất ưu đãi cho nhà đầu tư trong nước để xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu của cả nước. Về phía DN, đầu tư về trang thiết bị, cải tiến bộ máy quản lý, nhân lực... phải làm nhiều hơn nữa mới có cơ hội và sức khỏe tốt để ra khơi một lần nữa.
Ông Phạm Xuân Hồng, Tổng giám đốc Công ty CP may SG3
Liên kết chuỗi để cạnh tranh
       
Theo tôi được biết sản phẩm thịt không phải là mặt hàng sẽ giảm thuế về 0% ngay mà có lộ trình. Đó chính là khoảng thời gian quý báu cho chúng ta thay đổi để tồn tại. Với năng lực hạn chế của chúng ta chỉ có con đường liên kết với nhau theo chuỗi giá trị giữa nông dân và DN. Đó cũng chính là cách mà chúng tôi đang thực hiện.
Hiện chúng tôi đã liên kết 646 hộ chăn nuôi heo ở Củ Chi và Hóc Môn theo tiêu chuẩn VietGAP với sự hỗ trợ của dự án Cạnh tranh ngành chăn nuôi và An toàn thực phẩm (Lifsap) thuộc Sở NN-PTNT TP.HCM. Tổng đàn hiện đạt hơn 41.000 con, mỗi ngày có thể cung cấp khoảng 250 con heo sạch ra thị trường. Sản phẩm của chúng tôi được kiểm soát từ trang trại đến bàn ăn và giảm bớt các khâu trung gian nên giảm được chi phí do đó giá bán bằng với giá thịt heo thường ngoài thị trường. Thịt ngoại đông lạnh giá rẻ chỉ có thể vào các bếp ăn công nghiệp, cơ sở chế biến vì thói quen của người VN là sử dụng thịt tươi sống, thói quen đi chợ vẫn còn rất lớn. Tôi tin rằng nếu ngành chăn nuôi tổ chức lại sản xuất tạo được chuỗi liên kết giữa nông dân và DN thì vẫn có thể tồn tại và phát triển.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ
Thanh Niên
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.