Nhà nước chỉ kinh doanh những gì thị trường không làm

06/06/2014 01:21 GMT+7

Trong thảo luận tại hội trường về dự án luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hôm qua 5.6, nhiều ĐB QH đề nghị siết trách nhiệm người đại diện vốn nhà nước để hạn chế thua lỗ, mất vốn.

Trong thảo luận tại hội trường về dự án luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh hôm qua 5.6, nhiều ĐB QH đề nghị siết trách nhiệm người đại diện vốn nhà nước để hạn chế thua lỗ, mất vốn.

Nhà nước chỉ kinh doanh những gì thị trường không làm
ĐB Trần Du Lịch thảo luận ngày 5.6 - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), đạo luật này ra đời nhằm tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả nguồn vốn và tài sản của nhà nước đầu tư vào DN, hạn chế thất thoát lãng phí. Muốn vậy phải siết chặt phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các DN 100% vốn nhà nước, các loại hình DN mà nhà nước tham gia đầu tư vốn. Tuy nhiên, phạm vi đầu tư vốn của dự luật vẫn rất rộng, tạo kẽ hở để hợp thức hóa chạy đua đầu tư và dẫn đến thua lỗ, thoái vốn. Bên cạnh đó, dự thảo cũng chỉ mới chú ý đến phẩm chất đạo đức của người đại diện vốn nhà nước mà chưa có quy định yêu cầu về chuyên môn, kinh nghiệm quản lý: “Luật trao quyền hạn khá rộng rãi cho các cơ quan đại diện sở hữu vốn nhà nước tại DN nhưng quy định về trách nhiệm lại chưa tương xứng với quyền trao cho họ, nên tôi đề nghị phải siết lại vấn đề này”, ĐB Tiến nói.

Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng phải dựa trên nguyên tắc: công dân được phép kinh doanh những gì luật không cấm nhưng nhà nước chỉ được kinh doanh những gì luật cho phép. “Cần quan điểm rõ là nhà nước kinh doanh những gì mà thị trường không làm, bổ khuyết cho thị trường chứ không cạnh tranh, không làm thay thị trường. Nhà nước đầu tư mở đường nhưng khi thị trường làm được thì nhà nước rút đi làm cái khác”, ĐB Lịch nói.

Đề cập đến vai trò giám sát của QH, ĐB Trần Du Lịch nói: “Hiện nay 1,3 triệu tỉ vốn nhà nước đang kinh doanh nhưng kinh doanh như thế nào, bỏ vốn vào đâu thì phải báo cáo rạch ròi để QH quyết định rút chỗ này đầu tư chỗ kia. Quy định như hiện nay tôi cảm tưởng QH đang đứng bên lề”.

Đề nghị tăng quyền cho Viện KSND

Thảo luận tại hội trường sáng 5.6 về dự án luật Viện KSND (sửa đổi), đa số ĐB đề nghị không thành lập viện kiểm sát khu vực giống như mô hình tòa án sơ thẩm khu vực, mà giữ nguyên mô hình theo cấp huyện như hiện nay. Theo ĐB Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), viện kiểm sát khác với tòa. “Tòa xử án có thể ấn định và chủ động thời gian, còn công tố và điều tra thì không thể ấn định thời gian. Trong khi các vụ án có thể xảy ra bất kỳ lúc nào, người dân không thể chờ kiểm sát viên đi cả chục hay cả trăm cây số. Thành lập viện kiểm sát khu vực không phù hợp với xây dựng một nền tư pháp gần dân, sẽ đẩy khó khăn đến cho người dân”, ĐB Phương nói.

Các ĐB cũng đề nghị trao thêm quyền cho viện kiểm sát trong việc điều tra, khởi tố bởi đây là kênh phòng chống tội phạm có hiệu quả cả về tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp và tham nhũng; đồng thời quy định cụ thể hơn về vai trò trách nhiệm của cơ quan này trong việc chống oan sai, bỏ lọt tội, đảm bảo quyền công dân.

Thái Sơn

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.