Trình bày báo cáo nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cho rằng việc khu vực tư nhân cung cấp dịch vụ công cho những đối tượng thụ hưởng có khả năng chi trả sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho ngân sách, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo thêm cơ hội kinh doanh trong nền kinh tế.
Khi đó, vai trò của nhà nước cần có sự thay đổi, tập trung vào việc đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, không thiên vị, khuyến khích các bên cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt với chi phí hợp lý.
“Giáo dục và y tế là điển hình của mô hình xã hội hóa dịch vụ công. Cụ thể là nhà nước cho phép tư nhân đầu tư cung cấp dịch vụ công qua hình thức đầu tư 100% vốn tư nhân hoặc liên doanh liên kết với cơ sở công lập để cung cấp dịch vụ giá trị gia tăng cho đối tượng có nhu cầu. Phòng công chứng tư thì đã giảm tải đáng kể cho các phòng công chứng công. Các công trình đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) cũng góp phần thay đổi diện mạo cơ sở hạ tầng và dịch vụ giao thông vận tải và sản xuất điện”, ông Tuấn dẫn chứng.
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, cho rằng chuyển giao dịch vụ công cho tư nhân thì các cơ quan nhà nước sẽ tập trung vào nhiệm vụ quản lý nhà nước, làm trọng tài. Điều này sẽ tốt hơn là nhà nước trực tiếp tham gia cung cấp dịch vụ công.
“Tư nhân giờ còn làm cả sân bay, cảng biển, đường cao tốc với chất lượng cao, cung cấp phần mềm thu phí tự động. Nhiều nước còn cho tư nhân phóng tàu vũ trụ, quản lý nhà tù. Đó cũng là những gợi ý tham khảo cho Việt Nam trong xã hội hóa dịch vụ công”, ông Lộc nhìn nhận, nhưng cũng lưu ý rằng “cho tư nhân tham gia dịch vụ công không phải loại bỏ vai trò nhà nước”.
Theo đó, nhà nước vẫn nắm vai trò điều tiết, quyết định khi cần thiết. Cùng với đó, nhà nước nên tập trung làm luật chơi, sân chơi, làm trọng tài chứ không làm cầu thủ.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Giám đốc Văn phòng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, tin rằng thành công của các dịch vụ công chứng tư, y tế, giáo dục là minh chứng để nhà nước mở rộng sang các lĩnh vực khó hơn, chẳng hạn câu chuyện bãi rác Nam Sơn (Hà Nội) hiện vẫn bế tắc. Để làm được thì “nhà nước cần bỏ tư duy làm "chủ", thông qua cách hành xử là không nên thiên vị cho các đơn vị cung cấp dịch vụ của nhà nước”.
Bình luận (0)