Từ gánh nặng ngàn cân…
Game “Made in Việt Nam” đã không còn là câu chuyện viển vông của quá khứ, giờ đây ngành game Việt đã có rất nhiều studio có thể tự “bơi” và cho ra mắt sản phẩm đều đặn, mang lại lợi nhuận. Đặc biệt sau thành công của Nguyễn Hà Đông và con chim “mỏ bự” Flappy Bird , các studio game Việt càng được công nhận và xuất hiện đa dạng hơn, chính quy hơn.
Tuy nhiên, không có câu chuyện thần tiên nào có thể tái lập mãi, cũng chẳng có một thế giới trong mơ nào mà mỗi con đường đều đầy hoa hồng, đầy lý tưởng.
Ngược dòng trở lại vào năm 2010, VNG ra mắt Thuận Thiên Kiếm và làm chấn động ngành game Việt. Không nhiều người kỳ vọng sản phẩm có thể “một bước lên mây”, nhưng việc được chơi một sản phẩm “chính hãng” Việt Nam… đã tiếp lửa cho rất nhiều game thủ nuôi hy vọng về một ngành công nghiệp trò chơi điện tử độc lập, giàu bản sắc. Sau 2 năm, trò chơi ngậm ngùi đóng cửa.
Ít lâu sau, Emobi Games ra mắt game bắn súng lịch sử 7554. Trò chơi ngay lập tức trở thành một “quả bom”, chí ít là về mặt truyền thông. Với một định hướng phát triển và chiến lược khác hẳn Thuận Thiên Kiếm, 7554 được rất nhiều người đánh giá là đỉnh cao nhất của ngành phát triển game Việt Nam tại thời điểm bấy giờ. Tuy nhiên, trò chơi thất bại về doanh thu, mặc dù nhận được sự cảm thông và khích lệ rất lớn của cộng đồng game thủ trong nước.
Đến lúc này - dù vẫn không ngừng nuôi dưỡng mơ ước - nhưng có một sự thật: Làm game gì thì làm, doanh thu phải là ưu tiên hàng đầu.
Có lẽ chính vì áp lực đánh giá thành, bại của một game dựa trên yếu tố doanh thu, mà VNG, Hiker Games (tên mới của Emobi) và nhiều đơn vị phát triển sau này… đã chuyển hướng phát triển sản phẩm. Cụ thể, học hỏi từ các game di động, webgame mang về lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi tháng từ Trung Quốc.
… Đến sợi dây trói siết chặt
Đó là lý do mà một nhà phát triển từng khiến cả cộng đồng game Việt tự hào vẻ vang với 7554, đã “khép mắt” làm ra game Đại Minh Chủ dưới sự đỡ đầu của Soha. Để rồi, sau khi bị vây hãm trước những lời cáo buộc Đại Minh Chủ sao chép game Trung Quốc, ông Nguyễn Tuấn Huy – đại diện Emobi Games – phải thừa nhận sự thật, bùi ngùi với câu nói: “Nếu hỏi chúng tôi có tự hào về việc này không. Chắc chắn là không. Nếu hỏi có cảm thấy xấu hổ không. Chắc chắn là có”.
Cũng cần phải nhắc lại, Đại Minh Chủ là sản phẩm thành công của Soha Game về mặt doanh thu. Mô hình làm game này tiếp tục được Hiker Games và Soha Game áp dụng với Mộng Võ Lâm, Thần Thoại…
Trên thực tế, với vị thế một ngành game non trẻ và kém vững chắc, việc các nhà làm game trong nước học hỏi từ các sản phẩm thành công là điều nên làm, phải làm. Tuy nhiên, điều này đang tạo thành một tiền lệ vô hình áp đặt lên hầu hết các studio “thuần Việt”.
“Bóng ma vô hình” này đè nặng lên đôi vai của những nhà làm game Việt, không chỉ đối với gameplay và cơ chế tính năng của trò chơi, mà ngay cả bối cảnh, nhân vật, những quãng thời gian lịch sử… cũng được các nhà làm game tận dụng lại từ nước bạn.
Gần đây nhất, sản phẩm Võ Lâm 69 do MCCorp phát hành đã được tự hào quảng bá cùng hai chữ thuần Việt. Nhưng lối chơi, các tính năng, cách dẫn dắt cốt truyện, cài cắm thoại… đều đậm đặc chất game Trung Quốc. Thậm chí, khi bật bản đồ phụ bản của game, những địa danh như núi Hoa Sơn đập ngay vào mặt người chơi. Tất nhiên, dàn hệ thống nhân vật của game cũng là một nồi thập cẩm được lấy ra từ những pho tiểu thuyết võ hiệp của Kim Dung – cách làm phổ biến của dòng game thẻ tướng Trung Quốc.
Vậy, những nhà làm game Việt đã có những bản sắc gì, những nét “thuần Việt” gì trong một sản phẩm như Võ Lâm 69? Khi mà từ công tác thiết kế màn chơi, phong cách tạo hình nhân vật, và thậm chí là cả khâu biên kịch, kịch bản game… đều không có chỗ cho sự sáng tạo, không có chỗ cho người Việt đi tìm bản sắc?
Đi tìm những hào kiệt
Ở thời buổi ngành game Việt đang vừa phải cạnh tranh gay gắt, vừa chống chịu trước các áp lực bên ngoài, vừa vật lộn với bài toán kinh doanh… quả thật, rất khó để toàn tâm ngồi yên mà đi tìm sự sáng tạo, đi tìm sự tự chủ, chứ chưa nói đến ước mơ xây dựng ngành game Việt có bản sắc riêng biệt.
Thánh Gióng trong game We Are Heroes
Tạm khoan bàn đến việc tự tạo cho mình những sản phẩm chất lượng trong bối cảnh thị trường Việt, kể cả mang vác về nước những “ngoại binh” hạng nặng như Granado Espada, War Thunder, Warface, Cửu Âm Chân Kinh,… cũng không thể đấu lại với “cỗ máy kiếm tiền” webgame và gMO 2D Trung Quốc đang thống trị thị trường Việt – dòng game mà chỉ sống cũng như phát triển được tại Trung Quốc và các nước lân cận nhận ảnh hưởng mạnh từ văn hóa Trung Quốc.
Cái “bóng ma” ấy, rõ ràng đang bao phủ và trói buộc trọn vẹn ngành game Việt, cả nhà phát triển lẫn người sử dụng sản phẩm: game thủ. Chừng nào bộ máy cung - cầu này còn tồn tại, thì cũng chừng đó thời gian ngành game Việt không thể nào tìm được tiếng nói riêng.
Ảnh trong game ToyQuest của Hiker Games (tiền thân là Emobi Games)
Giữa bối cảnh muôn trùng khó khăn đó, tìm kiếm một “hào kiệt” là câu chuyện vô cùng khó khăn. Rất may, ngành game chúng ta vẫn xuất hiện những cá nhân nổi bật, tiếp lửa cho ước mơ “tự chủ”, dù không thật sự nhận được nhiều sự quan tâm như trước.
Câu chuyện thần kỳ Flappy Bird, những nỗ lực công phá Steam của ToyQuest, chất lượng 3D ấn tượng của We Are Heroes, sự ra đời của hàng loạt nhà phát triển game Việt trên nền tảng mobile (dù sản phảm vẫn còn rất đơn sơ)… đều là những bản “anh hùng ca” trong mắt của người viết, những tia hy vọng cần thiết cho hành trình thoát khỏi “bóng ma” mờ ảo, đè nặng ngành game Việt suốt hàng chục năm.
Bình luận (0)