Nhà rông Tây nguyên

20/08/2013 09:20 GMT+7

Nhà rông là một biểu tượng thiêng liêng trong phong vị văn hóa bản địa đặc sắc của người Tây nguyên.

Nhà rông là một biểu tượng thiêng liêng trong phong vị văn hóa bản địa đặc sắc của người Tây nguyên.

Cộng đồng các dân tộc thiểu số như Bana, Jrai, Giẻ Triêng… đều xem nhà rông là một nơi chốn linh thiêng. Bởi vậy nhà rông luôn được xây ở nơi đất có vị thế đẹp, nằm ở trung tâm của buôn làng. Các hoa văn trang trí, đồ cúng hay kết quả của những cuộc săn hoành tráng… đều thể hiện rõ khi tới thăm nhà rông. Đó còn là biểu hiện của tài hoa, sự giàu nghèo của những buôn làng Tây nguyên.

Khoảng độ tuổi 10-15, đám con trai của làng thường mỗi đêm phải đến ngủ nhà rông. Đó là như một nơi chốn để họ trưởng thành về tâm lý, bản lĩnh. Cũng hằng đêm, già làng hay những người già trong làng đến nói chuyện với đám con trai về những câu chuyện của làng như những chuyến đi săn đáng nhớ, nguồn gốc những vật được thờ cúng ở đây.

 

Hòn đá bản mệnh

Rất nhiều những nhà rông vùng phía đông của tỉnh Gia Lai ngày trước có thờ một thứ rất lạ, đó là một hòn đá chỉ nặng độ vài chục kg. Người làng xem đó như là hòn đá bản mệnh, giúp cho làng vượt qua những lúc khó khăn. Không một ai dám dịch chuyển hòn đá đi nơi khác, chỉ trừ già làng và trước đó phải cúng xin Yàng.

Một đống lửa được đốt lên giữa nhà rông, đám thanh niên say mê “hứng” lấy những câu chuyện, kinh nghiệm từ các bậc hiền minh của làng. Theo ngày tháng, tuổi của họ tăng lên đồng nghĩa kinh nghiệm sống qua những đêm được “dạy” như thế trong không gian nhà rông đã giúp họ tồn tại, vươn lên giữa đại ngàn. Hết “lớp học” này đến lớp học khác cứ thế tiếp diễn. Người trước bày cho người sau. Đó cũng là một cách truyền đạt sơ khởi nhưng rất hiệu quả khi con chữ chưa hề xuất hiện ở những buôn làng xa vắng.

Đến tuổi lấy vợ, những chàng trai xem như đã “tốt nghiệp”, trở về ngủ với gia đình, chờ người con gái bắt chồng (nhiều dân tộc ở Tây nguyên theo chế độ mẫu hệ). Họ cũng đã có lưng vốn sống, trưởng thành và sẵn sàng tự mình xây dựng cuộc sống mới.

Ở một số nơi, con gái vẫn đến ngủ nhà rông. Chỉ là một vách ngăn giữa hai đầu hồi, gái một bên, trai một bên cùng được thụ hưởng kinh nghiệm từ những “lớp học” như thế. Già Ksor H’mưng ở H.Kon Chro (Gia Lai) năm nay đã ngoài 70, khi nhắc đến những ngày “học” ở nhà rông thủa trước, đôi mắt ánh lên: “Ngày trước vui lắm. Tối nào thanh niên cũng thức đến khuya nghe chuyện, học chơi chiêng, học hát, nghe người già kể chuyện. Nhiều đêm khan ở nhà rông cũng thích lắm. Đám con trai bây giờ ít ngủ nhà rông rồi, ít ai quở  trách chúng. Chúng chỉ thích la cà, đi chơi thôi, buồn quá…”.

Để dựng lên ngôi nhà rông, những dân tộc như Jrai, Bana vùng bắc Tây nguyên thường có những lễ cúng. Sau đó, những chàng trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn sẽ được chọn lên rừng kiếm gỗ. Đàn bà con gái thì cắt tranh, làm những việc phụ. Già làng Mõi của làng Kon Kơmõ ở xã Hà Tây, H.Chư Pah (Gia Lai) vui mừng với ngôi nhà rông của làng vừa mới dựng lên. Ngôi nhà rông có mái cao, mọc lên hùng vĩ giữa làng. “Đã cúng xin rồi, Yàng (trời) cho mang cái nhà rông cũ đi để làm cái mới. Ba tháng mới xong đấy. Nhưng làng chưa có trâu cúng vì nhiều nhà còn khó. Đợi ít năm nữa mới đâm trâu...” - Già làng Mõi nói.

 Nhà rông 2
Nhà rông ở xã Hà Tây, H.Chư Pah (Gia Lai) - Ảnh: Trần Hiếu

Tất cả các lễ cúng quan trọng đều thực hiện ở nhà rông. Ở đấy, các thầy cúng thường khấn lên những bài cúng tồn tại qua hàng bao đời, cầu cho mưa thuận gió hòa, cho người làng khỏe mạnh, cho cây cối tươi tốt… Và nếu cuộc sống tín ngưỡng với văn hóa vật thể, phi vật thể còn đậm đặc ở một số nơi của vùng Tây nguyên thì nhà rông vẫn được xem là một địa chỉ tâm linh nhất - thần nhà Rông.

Ngày nay, phong trào “tôn hóa” (lợp mái tôn) nhà rông với những ngôi nhà rông xa lạ đã và đang mọc lên giữa các cộng đồng làng. Vốn văn hóa riêng có, thấm đẫm phong vị bản địa đặc sắc đang dần phai nhạt…

Trần Hiếu

>> Lạc điệu nhà rông
>> Hoang phế nhà rông
>> Khánh thành nhà rông lớn nhất Kon Tum
>> Xây dựng lại nhà rông lớn nhất Tây Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.