“Nhà rùa học” với nỗi niềm hồ Gươm

12/02/2011 22:13 GMT+7

Dư luận cả nước gần đây xôn xao về chuyện cụ rùa hồ Gươm đã nổi tới 134 lần trong năm 2010. Theo "nhà rùa học" Hà Đình Đức, con số này nói lên những điều bất thường.

Người canh gác "ngôi đền" hồ Gươm

Ngôi nhà PGS-TS Hà Đình Đức ở một ngõ nhỏ đường Kim Ngưu, Q. Hai Bà Trưng, Hà Nội như một "thư viện" lớn lưu trữ tất cả sổ sách, hình ảnh, tài liệu, báo chí từ mấy chục năm qua về nhiều vấn đề liên quan đến lịch sử hồ Gươm và cụ rùa. Nhìn "nhà rùa học" cặm cụi tìm tài liệu và thuyết trình không biết mệt những vấn đề liên quan đến cụ rùa và hồ Gươm, tôi mới hiểu trong suốt mấy chục năm qua ông đã dâng hiến toàn bộ trí lực và tình yêu của mình cho mảnh đất ngàn năm văn hiến này và ông đã trở thành người canh gác "ngôi đền" hồ Gươm thiêng liêng cho Hà Nội.

Tuy năm nay đã 71 tuổi (ông Đức sinh năm 1940, quê Thọ Xuân, Thanh Hóa), nhưng ngày nào "nhà rùa học" cũng  lọ mọ quanh hồ Gươm. Anh em làm báo coi ông là một cuốn "tự điển sống" về cụ rùa hồ Gươm. Vì thế, hễ có chuyện gì liên quan đến cụ rùa là cánh phóng viên lại khẩn trương "tra cứu" ông Đức ngay. Điện thoại di động của ông luôn nóng vì các cuộc gọi của những "phó thường dân" yêu mến ông và cánh nhà báo. Công chức một số ngành và chính quyền địa phương thường xuyên liên lạc với ông về những việc liên quan đến hồ Gươm và cụ rùa.

Số lần cụ rùa nổi lên cuối năm 2010 và đầu năm 2011 là khá cao, tháng 12.2010 cụ rùa nổi 23 lần, sang tháng 1.2011 nổi 14 lần. Phải chăng vì cụ rùa mang nhiều vết thương ở trên cổ, trên mai nên mới phải nổi lên nhiều đến vậy? Vì thế, chúng ta nên xem xét cụ thể các vết thương mà chữa trị!

PGS Hà Đình Đức

Thấy cụ rùa nổi, chụp được tấm ảnh đẹp hay quay được đoạn clip ghi hình cụ rùa đang bơi, mọi người lập tức chuyển tới cho ông "Đức rùa". Bởi vậy, cả TP Hà Nội không có ai (hoặc không có cơ quan nào) thống kê được số lần cụ rùa nổi trong một ngày, một tuần, một tháng, một năm rồi cả chục năm như ông Đức. Một số nhà nghiên cứu nhận xét "Rùa là loài động vật máu lạnh, trời lạnh thì lặn xuống bùn, trời nắng mới nổi lên sưởi ấm!", nhưng ông Đức hỏi ngược lại: Tại sao suốt mấy tháng cuối năm 2010 giá lạnh ở Hà Nội, có hôm lạnh tới 9,4 độ, cụ rùa vẫn liên tục nổi lên là vì nguyên cớ bất thường gì? 

Cách gì bảo tồn rùa Hồ Gươm?

Trời Hà Nội cuối năm 2010 đầu năm 2011 rét mướt là thế mà hầu như không ngày nào vắng bóng ông "Đức rùa" ở hồ Gươm. Ông cho biết: "Suốt mấy ngày giáp tết vừa rồi, tôi cùng tổ công tác bắt rùa tai đỏ của Sở Khoa học - Công nghệ đi thuyền tìm đến các bãi rùa đẻ và đo mực nước tại nhiều điểm trên hồ Gươm. Hồ nông lắm rồi, chỗ sâu nhất chỉ khoảng mét hai, nhiều chỗ chỉ khoảng bốn, năm mươi phân, thuyền không đi được, nước bẩn lắm. Ở ngay cái điểm mà Báo Thanh Niên chụp được tấm ảnh cụ rùa gặm phải ống ngầm phía đền Ngọc Sơn, tôi phát hiện thấy một cái hõm khá sâu, có thể là nơi cụ rùa hằng ngày về nghỉ. Có lẽ, vì cứ phải chui qua, chui lại dưới 2 dải ống ngầm với tấm mai đầy thương tích, nên cụ mới cáu sườn đòi gặm ống đấy. Hôm mới rồi cụ rùa lại định bò lên bờ hồ phía phố Hàng Khay, trông cụ mệt mỏi lắm!".


PGS Hà Đình Đức bên bàn làm việc tại nhà riêng - Ảnh: Việt Chiến

Khi tôi dò hỏi cụ rùa năm nay bao nhiêu tuổi, là rùa đực hay rùa cái, ông Đức lắc đầu quầy quậy nói: "Chẳng dại gì khẳng định tuổi tác và giới tính của cụ với cánh nhà báo, để các cậu đưa lên mạng làm cho bàn dân thiên hạ cãi nhau mất thì giờ!". Tôi gặng mãi, ông Đức mới hóm hỉnh: "Có thể cụ rùa đã sống được vài trăm năm rồi, chỉ thương nỗi cụ sống một mình trong thăm thẳm cô đơn, không bạn tình, không cháu con suốt mấy thế kỷ, nay lại phải cắn răng chịu đựng bọn rùa tai đỏ, bọn câu trộm rùa đêm đêm rình rập!".

Theo PGS Hà Đình Đức, với quy luật tự nhiên "sinh, lão, bệnh, tử" sẽ có lúc cụ rùa này ra đi. Do vậy, việc đi tìm hậu duệ của cụ rùa Hồ Gươm để giữ lại cho đến các đời con cháu mai sau thiết tưởng là việc làm vô cùng quan trọng. Có một điều là ai là người được quyền đi tìm hậu duệ cụ rùa Hồ Gươm và tìm như thế nào?

Trong hơn 40 năm giảng dạy sinh học ở trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, PGS-TS Hà Đình Đức đã có hàng chục công trình nghiên cứu khoa học có giá trị, trong đó có 6 công trình nghiên cứu cấp Quốc gia về Hồ Gươm. Ông đã được Nhà nước công nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú và được đề cử giải thưởng "Bùi Xuân Phái vì tình yêu Hà Nội". Từ năm 1991, TP Hà Nội mời PGS-TS Đức làm chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học về cụ rùa và từ đấy ông gắn bó phần đời còn lại với hồ Gươm.

"Bây giờ nếu như cấp thẩm quyền giao cho tôi cái quyền này, thì khi nhận được bất kỳ thông tin nào về loài rùa mai mềm khổng lồ xuất hiện ở đâu đó ở Việt Nam, tôi sẽ lên đường tới đó tìm hiểu ngay. Giả dụ, nếu ở vùng nào đó, người dân bắt được con rùa lớn nặng khoảng sáu, bảy chục cân và đang rao bán với giá hai chục triệu đồng thì tôi phải có quyền quyết định chi tiền cho mua ngay. Nếu theo cơ chế thủ tục nhiêu khê như hiện nay thì việc đấy khó lắm, người dân họ lại bán cho mấy quán nhậu mất thôi" - ông Đức nói.

Ông kể, tháng 11.2001, thông tin từ tỉnh Thanh Hóa cho biết, người dân ở xã Quảng Phú, Thọ Xuân, Thanh Hóa từng bắt được một con rùa nặng 150 kg ở Đầm Sen, từ đó đến nay, thỉnh thoảng họ vẫn nhặt được trứng rùa. Trước đó, người dân ở đây từng bắt được rùa nặng tới 200 - 250 kg, cứ đến mùa mưa, rùa nổi lên dưới đám rều rác, thở phì phò như trâu. Theo ông Đức, giống rùa lớn hiện vẫn còn ở vùng Lam Sơn (nay là Thọ Xuân, Thanh Hóa) là cùng loài với rùa hồ Gươm. PGS Hà Đình Đức cho rằng, đã tới lúc UBND TP Hà Nội và Bộ, ngành chức năng của Trung ương cần xây dựng ngay một đề án nghiên cứu bảo vệ loài rùa mai mềm  nước ngọt khổng lồ ở các địa phương, nhằm bảo tồn và làm nguồn bổ sung loài rùa này vào Hồ Gươm để gìn giữ cho cháu con một hình ảnh đẹp về huyền thoại dựng nước và giữ nước từ ngàn xưa của ông cha. 

Việt Chiến

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.