Đấu giá bài hát khiến các "anh tài" phải mưu trí
* Chào CEO Ngô Thị Vân Hạnh, bà có thể chia sẻ lý do lấy cột mốc 30 tuổi để lựa chọn 33 "anh tài" cho chương trình cũng như tiêu chí đặt ra để lựa chọn họ?
- CEO Ngô Thị Vân Hạnh: Cột mốc sau 30 tuổi là thời kỳ đỉnh cao phong độ của người đàn ông. Ở độ tuổi này, các anh đã có thành công trong sự nghiệp, nhiều trải nghiệm sâu sắc trong cuộc sống, có sự điềm tĩnh chín chắn và học được cách buông bỏ. Điều này có thể chưa có được ở các bạn trẻ, vì họ sẽ đặt sự thắng thua, được mất lên hàng đầu và coi đồng nghiệp của mình là đối thủ. Chúng tôi có cho mình những tiêu chí riêng để lựa chọn 33 "anh tài" tham gia chương trình.
Đầu tiên là các anh phải có những tác phẩm gây thương nhớ, để khi các anh xuất hiện, khán giả sẽ yêu mến, hoài niệm vì những kỷ niệm thanh xuân ùa về. Thứ hai là các anh phải tài năng. Tức là bên cạnh sở trường, các anh còn phải có những tài lẻ khác như biết hát, biết nhảy, biết chơi nhạc cụ... Ví dụ như là "anh tài" Nguyễn Trần Duy Nhất. Trước giờ đâu ai nghĩ anh ấy có thể nỗ lực để hát và nhảy một cách "đáng yêu" như trên sân khấu Anh trai vượt ngàn chông gai như vậy. Tiêu chí thứ 3 là chỉ số IQ & EQ. Cụ thể, các anh phải có trí tuệ, tính chiến lược và cảm xúc cao. Thứ tư là tính "thiếu niên cảm". Tức là các anh phải máu lửa, chiến hết mình và sẵn sàng làm những việc "điên rồ" cùng nhau khi 33 anh hội ngộ tại một chỗ.
Những cuộc trao đổi, trò chuyện khi mời nghệ sĩ tham gia là cách chúng tôi quan sát họ. Tôi là người trực tiếp đi mời từng nghệ sĩ, đặt nhiều câu hỏi với họ để cùng chia sẻ, để hiểu thông điệp, tài năng, sự quyết tâm của các anh có phù hợp với tiêu chí của chương trình không. Chúng tôi cân nhắc rất cẩn trọng từng tính cách, năng lượng của mỗi anh để xem khi kết hợp các anh lại có đúng là những mảnh ghép nhiều màu sắc trong 1 bức tranh đẹp và rực rỡ không. Trong chương trình có những anh là nghệ sĩ kỳ cựu, "cây đa cây đề" trong lĩnh vực của họ và có cả những anh từ các ngành nghề khác nhau nhưng đều có chung một quyết tâm là "chơi hết mình".
* Điều gì ở Anh trai vượt ngàn chông gai khiến chị tự tin vào chương trình lần này?
- Tôi tự hào vì ê kíp đã tạo ra được một sân chơi ý nghĩa để nghệ sĩ mở lòng kết nối và thể hiện được tài năng qua âm nhạc, trí tuệ thông qua luật chơi. Chúng tôi xúc động khi "tập đoàn những bà vợ" của các anh chia sẻ rằng có một nhóm riêng của 33 anh với nhau và các anh đồng lòng rằng họ không mong cầu gì nhiều mà chỉ muốn có một sân chơi thật vui, thật ý nghĩa, mọi người cùng nỗ lực, hỗ trợ nhau, hết mình để cống hiến cho khán giả những màn trình diễn đỉnh cao. Và đặc biệt là các anh lớn đồng lòng sẵn sàng lùi về sau để hỗ trợ các bạn trẻ được tỏa sáng. Tôi tin đây là điều mà chỉ có Anh trai vượt ngàn chông gai mới có được.
* Chị và ê kíp có rút ra được kinh nghiệm nào từ Chị đẹp đạp gió rẽ sóng để thực hiện Anh trai vượt ngàn chông gai không, chẳng hạn về câu chuyện hậu trường?
- Chắc chắn là có! Kinh nghiệm làm việc cùng với 30 chị đẹp, khâu tổ chức sản xuất đều được chúng tôi áp dụng và rút kinh nghiệm để công tác sản xuất của Anh trai vượt ngàn chông gai được hoàn thiện hơn. Chúng tôi nhận thấy sự tin tưởng và môi trường thoải mái khi tham gia chương trình là điều kiện tiên quyết để các nghệ sĩ sẵn sàng mở lòng với nhà sản xuất và với mở lòng với nhau. Vì vậy, chúng tôi đã thực hiện điều này một cách chu đáo và tinh tế nhất để xây dựng một môi trường ấm cúng, an toàn, giúp các anh thoải mái, tự nhiên nhất, cảm xúc nhất. Các bạn sẽ thấy các anh vào ký túc xá vui thế nào, thoải mái thế nào và "tiểu phẩm" nhiều thế nào trong nhà chung.
Tuy nhiên, không phải format chương trình chỉ tập trung vào chuyện vui, hài hước. Câu chuyện chiến lược sẽ bắt đầu ngay sau khi các anh kết thúc phần biểu diễn trên sân khấu. Từ cách tính điểm, chọn Nhà (tên gọi của nhóm ở chương trình), chọn bài hát… đều khiến các anh phải vận dụng hết khả năng phân tích, trí tuệ và cũng là lúc các anh thể hiện rất rõ tính cách của mình. Anh nào tiêu hoang, anh nào lo xa, anh nào "sao cũng được"… được bộc lộ rất rõ.
Chẳng hạn như khi lập Nhà, ban tổ chức hoàn toàn giấu kín luật. Chỉ khi các "anh tài" về chung một Nhà, họ mới biết điểm của từng thành viên sẽ được chia trung bình và quy ra điểm chung dùng để đấu giá bài hát và thứ tự biểu diễn. Khi đặt nghệ sĩ vào một phiên đấu giá, họ phải tính toán và có chiến lược phù hợp để chọn được ca khúc mong muốn và vị trí trình diễn tốt… Tại công diễn 1, có trường hợp các anh dùng hết điểm để đấu giá, nhưng cũng có người cẩn trọng, để lại 50% điểm vì biết đâu có thể cứu được đồng đội. Có những anh còn giả vờ thích 1 bài hát để nhóm khác đấu giá cao hơn nhằm giúp bản thân mua được ca khúc mình thích với mức giá thấp…
Tôi tin các anh khi vào việc và chơi với nhau là 2 thái cực hoàn toàn khác. Hình thức đấu giá bài hát là điều đặc trưng trong format Anh trai vượt ngàn chông gai 2024. Những người đàn ông thoải mái chơi với nhau ngoài đời nhưng cũng rất chiến lược, tính toán khi gặp nhau trên thương trường.
Tôi thấy được sự tôn trọng, sự soi chiếu trong các anh
* Khi quản lý nhiều con người như vậy, ê kíp có can thiệp khi xuất hiện những mâu thuẫn không?
- Chúng tôi không can thiệp vào sâu vì đây là chương trình thực tế. Chúng tôi chỉ can thiệp khi có vấn đề bị đẩy đi quá xa và có thể trở nên tiêu cực. Tuy nhiên, rất may đây chỉ là kế hoạch dự phòng chứ cả trong Chị đẹp đạp gió rẽ sóng và Anh trai vượt ngàn chông gai, chúng tôi chưa phải đối mặt với điều này. Tôi tin các anh hiểu tới đây không phải để hơn thua nên rất tôn trọng nhau, cùng nỗ lực để giúp cho nhau tốt hơn. Các anh lớn thì chỉ cho các em những kinh nghiệm, trải nghiệm mình có được cho đàn em nhưng cũng rất lắng nghe tin tưởng các em nhỏ vì tin các em có kinh nghiệm hơn trong việc tiếp cận với thị trường và khán giả trẻ. Tôi thấy được sự tôn trọng, sự soi chiếu, sự tiếp nối trong các anh khi ở gần nhau.
33 anh là 33 mảnh ghép để ghép nên 1 bức tranh nên anh nào cũng có màu sắc riêng. Như cựu danh thủ Hồng Sơn đã từng rất ngạc nhiên khi chương trình mời anh tham gia. Anh nói anh không hát hay và cũng chưa từng nhảy thì làm sao anh cạnh tranh được với các anh em nghệ sĩ chuyên nghiệp khác. Nhưng tôi thuyết phục rằng những thành tựu của anh, những nỗ lực của anh khi vượt qua chấn thương để quay lại với phong độ đỉnh cao một lần nữa sẽ là động lực cho các anh em và khán giả, giúp mọi người hiểu được giá trị của sự nỗ lực, sự tự hào khi vượt qua những khó khăn để trở thành phiên bản tốt hơn của mình. Tôi muốn anh lan tỏa điều đó. Nghe nói vậy, anh Hồng Sơn đồng ý tham gia vì đây là điều anh có thể chia sẻ cũng như mong sẽ được học những điều mới mẻ khác từ các anh còn lại.
* Nhiều khán giả tò mò về phần âm nhạc của chương trình. Liệu chị có thể bật mí? Chị và ê kíp có sợ sự cạnh tranh không, không chỉ với show chung format mà những show chiếu cùng khung thời gian?
- Tại Anh trai vượt ngàn chông gai, Đinh Hà Uyên Thư đảm nhận vai trò Tổng đạo diễn sân khấu, SlimV đảm nhận vai trò Giám đốc âm nhạc. Qua vòng ghi hình concert đầu tiên, tôi tự hào và trân trọng những gì mà hai bạn đã đặt trọn tài năng và tâm ý để xây dựng nên những tiết mục tuyệt vời. Hy vọng, khán giả sẽ hài lòng vì sự đẹp đẽ, ấn tượng và hoành tráng của mỗi tiết mục mà chúng tôi dốc lòng tạo nên.
Các tiết mục ở sân khấu Anh trai vượt ngàn chông gai 2024, chúng tôi xây dựng các câu chuyện âm nhạc phong phú và kể bằng nhiều hình thức khác nhau, hiện đại kết hợp với truyền thống để sáng tạo nên sự mới mẻ và tiếp nối những giá trị quen thuộc trong lòng khán giả. Điều này những sáng tác mới không thể có được.
Chúng tôi không sợ sự cạnh tranh vì cạnh tranh lành mạnh sẽ khiến chúng ta tốt lên. Riêng Anh trai vượt ngàn chông gai có những thông điệp và giá trị tích cực đặc trưng của format. Đây không phải là cuộc thi tài năng mà là hành trình truyền cảm hứng. Thông qua hành trình đó khán giả sẽ hiểu được nếu có khó khăn thì chúng ta hãy nỗ lực vượt qua, điều tốt đẹp đang chờ chúng ta ở phía trước. Mỗi nghệ sĩ đều có quá trình và câu chuyện riêng mà chỉ Anh trai vượt ngàn chông gai hay Chị đẹp đạp gió rẽ sóng mới cho họ cơ hội để kể lại, điều mà khán giả nếu chỉ xem khoảnh khắc bùng nổ trên sân khấu sẽ không cảm nhận được rõ. Đây là một giá trị rất đặc trưng giúp chúng tôi thuyết phục được nghệ sĩ tham gia. 70% thời lượng chương trình là chia sẻ về hành trình chỉ có 30% là các màn biểu diễn, đích đến rực rỡ của hành trình.
* Cảm ơn CEO Ngô Thị Vân Hạnh đã dành thời gian chia sẻ!
Bình luận (0)