Nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất Trung Quốc mới đây cho biết đã nộp đơn niêm yết lên Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải với mục tiêu có thêm 20 tỉ nhân dân tệ (khoảng 2,8 tỉ USD) để tăng cường đầu tư vào công nghệ, theo CNBC. Trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang leo thang, SMIC có khả năng buộc phải tiếp tục sản xuất nhiều hơn nữa.
Mặc dù Trung Quốc vẫn thua xa Mỹ trong lĩnh vực bán dẫn, nhưng nỗ lực của nước này đang được thúc đẩy ngày càng mạnh hơn khi Washington liên tục siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh của Huawei. Hiện SMIC là bộ mặt đại diện cho hy vọng của Bắc Kinh trong việc tạo ra ngành công nghiệp bán dẫn tự lực, mang đẳng cấp quốc tế. Tháng trước, các quỹ do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ đã đầu tư 2,25 tỉ USD cho SMIC, ngay sau khi Mỹ thắt chặt hạn chế đối với hãng viễn thông Huawei. Cụ thể, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đưa ra một quy tắc yêu cầu các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng thiết bị sản xuất chip của Mỹ phải có giấy phép trước khi bán chất bán dẫn cho Huawei.
Động thái nói trên có khả năng ảnh hưởng đến Taiwan Semiconductor Manufacturing Company (TSMC), nhà sản xuất hầu hết các loại chip mà Huawei thiết kế cho các thiết bị cầm tay như điện thoại thông minh. Nếu Huawei không thể đặt hàng sản xuất chất bán dẫn từ TSMC, họ buộc phải tìm đến các lựa chọn thay thế khác như SMIC. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng công nghệ của SMIC không bằng công nghệ của TSMC. Vì vậy, nguồn tài chính được cung cấp gần đây sẽ là đà thúc đẩy để SMIC nhanh chóng nâng cao khả năng sản xuất, bắt kịp với những hãng sản xuất bán dẫn hàng đầu thế giới.
Bình luận (0)