Nhà sản xuất chip Mỹ Micron chuẩn bị mở rộng ở Nhật Bản, Đài Loan

22/10/2021 15:12 GMT+7

Nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu của Mỹ Micron Technology đang đàm phán với chính quyền trên khắp thế giới , bao gồm cả Nhật Bản, vùng lãnh thổ Đài Loan và châu Âu, để mở rộng phạm vi sản xuất.

Theo Nikkei, Phó chủ tịch điều hành hoạt động toàn cầu của Micron Manish Bhatia hôm 21.10 tiết lộ công ty sẽ đầu tư 150 tỉ USD vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển chip trong vòng 10 năm. Thông báo này được đưa ra giữa lúc Mỹ, châu Âu, Nhật Bản và Trung Quốc đang chạy đua để thúc đẩy chuỗi cung ứng chip nội địa của họ trong bối cảnh tình trạng thiếu chip toàn cầu chưa từng có. Tuy nhiên, Micron nhấn mạnh sẽ cố gắng để không góp phần gây ra tình trạng dư cung trên thị trường chip nhớ.

“Chúng tôi đang thảo luận với nhiều chính quyền ở Nhật Bản, Đài Loan, Mỹ và các nước khác về những gì chúng tôi sẽ làm tiếp theo đối với thế hệ công nghệ chip tương lai. Là một phần của những bước tiếp theo đó, công ty đã không loại trừ việc đưa công nghệ tiên tiến nhất của ngành, là thiết bị in thạch bản cực tím (EUV), đến nhiều cơ sở khác nhau, bao gồm ở Nhật Bản nơi sản xuất bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động”, ông Bhatia nói.

Micron sẽ đầu tư 150 tỉ USD vào sản xuất, nghiên cứu và phát triển chip trong vòng 10 năm

Reuters

Công nghệ EUV được coi là công cụ quan trọng để thúc đẩy phát triển chip. Hiện chỉ có một công ty trên thế giới là ASML của Hà Lan có thể sản xuất thiết bị này. Bhatia cho biết công ty ông vẫn đang đàm phán và chưa chốt kế hoạch đầu tư tại quốc gia cụ thể nào. Micron trước đây thông báo sẽ giới thiệu công nghệ sản xuất EUV cho Đài Loan, trung tâm sản xuất DRAM lớn nhất của công ty, vào năm 2024.

Được biết, Micron đã có các cơ sở sản xuất ở Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản và Singapore. Hãng này cũng vận hành các cơ sở đóng gói chip ở Trung Quốc và Malaysia. Cả DRAM và chip nhớ flash đều cần thiết cho điện thoại thông minh, trung tâm dữ liệu, máy tính, ô tô và vô số mặt hàng khác. Micron hiện không sản xuất ở châu Âu, nhưng giám đốc điều hành cấp cao cho biết công ty đang có cuộc trao đổi với các chính phủ ở khu vực này để mở rộng phạm vi sản xuất.

Trong bối cảnh các nền kinh tế lớn đang xem xét lại các chính sách bán dẫn, Micron muốn làm nổi bật tầm quan trọng của chip nhớ như một phần đang phát triển của hệ sinh thái bán dẫn. Hầu hết các cuộc thảo luận về chính sách đều tập trung vào bộ xử lý, vi điều khiển, cảm biến hình ảnh và các loại chip logic khác, mà không phải là chip nhớ.

Theo ông Bhatia, mục tiêu của Micron không phải là tăng thị phần, mà là để đảm bảo công ty có thể mở rộng cùng với thị trường. “Chúng tôi không tìm cách tăng thị phần của mình. Rõ ràng đó không phải là cách làm có trách nhiệm để chúng tôi phát triển vì điều đó có nguy cơ dẫn đến một số tình trạng cung vượt cầu. Trọng tâm của chúng tôi là có thể phát triển phù hợp với xu hướng thị trường”.

Mặc dù Micron gần đây đã hạ thấp hướng dẫn kinh doanh, nhưng điều này chỉ áp dụng trong ngắn hạn và nhu cầu về DRAM sẽ tiếp tục tăng mạnh khi tình trạng thiếu hụt các thành phần khác bắt đầu giảm bớt. Nhà sản xuất chip Mỹ vẫn kỳ vọng doanh thu kỷ lục và lợi nhuận mạnh mẽ cho năm 2022. Micron là nhà sản xuất chip DRAM lớn thứ ba thế giới sau Samsung và SK Hynix. Còn ở lĩnh vực chip nhớ flash, Micron đứng thứ năm sau Samsung, SK Hynix, Kioxia và Western Digital.

Chỉ vài ngày trước khi Micron công bố kế hoạch đầu tư, Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC), cho biết sẽ xây dựng nhà máy sản xuất chip đầu tiên tại Nhật Bản. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới cũng cam kết chi 100 tỉ USD đến năm 2023 để giúp giảm bớt tình trạng thiếu chip toàn cầu.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.