Nhà sản xuất tung DLC vô tội vạ: Vấn đề nhức nhối

25/12/2015 19:00 GMT+7

Nội dung tải về (DLC) đã quá quen thuộc với game thủ, tuy nhiên, bạn có bao giờ thấy rằng nhà phát triển đã quá lạm dụng chúng để buộc người chơi phải bỏ tiền ra không?

Không phải nhà làm game nào cũng "xấu"

Vài năm gần đây, nội dung tải về (downloadable content - DLC) không còn quá xa lạ với game thủ. Nó đã trở thành một phần hấp dẫn không thể thiếu mỗi khi hoàn thành cốt truyện chính.

Nhưng liệu người chơi có để ý rằng nhiều nhà làm game hiện tại đang quá lạm dụng DLC hay không? Rõ ràng, họ bắt người dùng phải bỏ ra thêm một số tiền không hề nhỏ để sở hữu thêm phần chơi đáng lẽ mình phải được tặng kèm khi mua game. Thực chất, DLC của một sản phẩm không hề xấu, tuy nhiên, cách làm của nhà phát triển lại khiến nó xấu đi trong mắt game thủ.

Người chơi phải bỏ ra gần 200 USD cho toàn bộ DLC trong DOA 5: Last Round (Ảnh: Tecmo Koei)

Khi tình trạng game crack, game lậu ngày càng tràn lan và phát triển mạnh mẽ với những chiêu trò tinh vi thì việc doanh thu ngày càng đi xuống của các nhà sản xuất cũng là điều dễ hiểu. Chính vì thế, DLC như một phần chơi kích cầu người dùng mua game, dành riêng cho game thủ khi đã hoàn thành phần chơi chính. Dĩ nhiên, DLC sẽ kéo dài thời gian chơi, giúp game thủ tiếp tục đắm chìm trong tựa game mình yêu thích.

Lấy ví dụ điển hình nhất là nhà phát triển CD Projekt RED, với The Witcher 3, họ sẵn sàng tạo ra thêm 16 DLC hoàn toàn miễn phí đi kèm với tựa game gốc. Những DLC này như một món quà tri ân đến các game thủ sẵn sàng bỏ tiền ra vì sản phẩm của họ.

CD Projekt RED được game thủ ủng hộ với chính sách của mình (Ảnh: CD Projekt RED)

Nhưng, tình trạng lạm dụng DLC để "hút máu", cố kiếm thêm từ người tiêu dùng như một số hãng game lớn đang dần trở nên phổ biến. Họ gần như không còn quan tâm đến cảm xúc của người chơi nữa.

Điển hình là game Dead Space 3 khi mà bạn phải bỏ khoảng tiền không hề nhỏ chỉ để mua 1 bản DLC có tên là Awakened. Chỉ có cách chơi bản DLC này, bạn mới có thể biết được chuyện gì xảy ra với Issac trong phần chơi chính.

Awakened - Điển hình của việc câu kéo game thủ bằng DLC

CyberConnect2 cũng dùng chính chiêu trò này áp dụng cho game Asura's Wrath của mình. Người chơi phải bỏ tiền ra mua 1 loạt DLC với giá khá "chát" để biết được cái kết thật của game - một phần đáng lẽ không thể thiếu được trong các sản phẩm giải trí.

Cái kết "thật sự" lại không có trong game chính?

Biết là bị "vắt sữa", nhưng tại sao vẫn mua?

Các nhà phát triển luôn có một "chiến lược tấn công" rất mưu mẹo, họ mang đến cho người dùng một sản phẩm thật sự chất lượng từ đồ họa đến lối chơi. Tuy nhiên, đi cùng với đó chỉ là cốt truyện theo kiểu nửa vời, tức là nó sẽ cắt đi những đoạn quan trọng để gây sự tò mò cho game thủ. Từ đó, nhà sản xuất buộc người chơi phải bỏ tiền ra để sở hữu tất cả DLC nhỏ khác đi kèm để có thể hiểu hết được cốt truyện.

Bên cạnh đó, những vật phẩm, màn chơi mới cũng được "đóng gói" trong những DLC đắt đỏ. Người dùng không còn cách nào khác là phải "xì" tiền túi của mình cho trò chơi họ yêu thích.

Lời kết

Nhìn chung, game thủ sẽ chẳng được lợi lộc gì trong chiến thuật mới này của các nhà phát triển. Việc người dùng đang bỏ ra quá nhiều tiền để sở hữu những phần chơi không cần thiết sẽ chỉ làm họ thiệt thòi và góp phần không nhỏ giúp các studio này có thêm "động lực" để "hút máu" người chơi hơn nữa.

Vì thế, để tránh tình trạng phải bỏ quá nhiều tiền cho một tựa game, bạn có thể để dành nó và lựa chọn cho mình các sản phẩm khác chất lượng hơn để trải nghiệm.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.