Nhà sáng chế tuổi học trò

06/12/2010 09:07 GMT+7

Mới học lớp 11, nhưng cậu học trò vùng biên ải Trương Hải Linh (trường THPT Lê Quý Đôn, xã Đắk Búk So, huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) đã nổi tiếng với các sản phẩm sáng chế giành giải cao như 'Xe bắn đá', 'Rô bốt song long', 'Rô bốt lao công'...

Sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, đông con, cũng như hầu hết trẻ em trong vùng, những loại đồ chơi như xe ô tô, rô bốt… luôn là món quà xa xỉ. Mê máy móc, đồ chơi từ nhỏ, Linh thường tìm tới các nơi tập trung phế liệu để xin hoặc mua những loại đồ chơi bị hỏng đem về mày mò sửa chữa, chắp vá khiến chúng không chỉ hồi sinh mà còn độc đáo, hấp dẫn hơn. Thấy bạn có món đồ chơi, máy móc mới là Linh lân la hỏi mượn để tháo tung ra, mê mẩn tìm hiểu rồi lắp lại hoàn chỉnh.

Lên 10 tuổi, khi tivi chiếu cuộc thi Robocon, cậu học trò lớp 4 mê tít và bắt đầu tự chế tạo đồ chơi theo ý tưởng riêng. Sản phẩm đầu tiên của nhà sáng chế tí hon là chiếc xe tải ben bằng gỗ. Lớn hơn chút nữa, Linh ra quán gần nhà để học lỏm cách hàn nối, sửa chữa điện tử rồi xin tiền bố mẹ mua công cụ hư hỏng về tháo lấy mô tơ, bánh răng, các phế liệu khác để chế tạo thành công chiếc xe đua có gắn động cơ chạy bằng mô tơ 12 vôn.

Bố Linh cho biết, hồi học cấp 2, Linh từng xin về hàng đống radio hỏng để sửa chữa rồi mở nghe, hoặc dùng linh kiện chế tác ra nhiều món đồ lạ mắt. Biết tài của Linh, người dân trong vùng có radio, loa, quạt điện... bị hỏng lại đem tới nhờ em sửa.

Trong phòng học của Linh có hẳn một xưởng sáng chế chất đầy máy móc, đồ điện hỏng và rất nhiều món đồ chơi, đèn ngủ nhỏ đẹp, lạ mắt do em tự sáng chế từ phế liệu. Mẹ Linh kể, hồi đầu thấy con suốt ngày lo đi tìm nhặt phế liệu bố mẹ phát hoảng, khuyên răn, la rầy và dỗ ngọt nhưng không ngăn nổi niềm say mê mày mò sáng tạo của con.

Biết được thông tin về cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ VI năm 2010 do Quỹ Hỗ trợ Sáng tạo Kỹ thuật Việt Nam (Vifotec) tổ chức tại Hà Nội, Linh chọn đề tài môi trường. Em cho biết: “Ban đầu chỉ định làm một chiếc xe biết hốt rác, nhưng xem ti vi thấy hình ảnh các cô lao công trên đường phố thật đẹp nên em quyết định chế tạo rô bốt lao công”. Ý tưởng vì môi trường xanh sạch đẹp, tính khả thi, linh hoạt, cùng dáng vẻ thanh lịch của rô bốt đã vượt qua hàng chục đối thủ khác, đem về giải 3 cho cậu học trò vùng biên này.

Năm 2008, 2009 tác phẩm Xe bắn đá và Rô bốt song long của Linh từng giành giải nhất trong cuộc thi giải học bổng tiếng Anh trực tuyến Smat Com do VTV6 tổ chức. 
Ông Nguyễn Văn Nam, hiệu trưởng trường THPT Lê Quý Đôn, nói: Giải thưởng của Linh là niềm tự hào cho cả trường, cả huyện. Vì đây là nơi khó khăn cả về vật chất, thông tin và nhiều điều kiện học tập khác, để đạt được thành công như Linh, cần sự nỗ lực vượt bậc.

Để chế tạo rô bốt vừa có tính thẩm mỹ vừa đảm nhận tốt công việc quét dọn nặng nhọc, Linh đã đi nhiều nơi trong huyện, ra thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông), thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk)… mỗi nơi chỉ tìm được một vài vật liệu cần thiết, phần lớn là lấy từ phế liệu vì không có đủ tiền mua mới. Khó khăn nhất là tìm động cơ đủ khỏe để rô bốt hoạt động. Linh xin tiền bố mẹ và mạnh dạn vào TP Hồ Chí Minh săn tìm động cơ đạt yêu cầu chạy khỏe, giá hợp với túi tiền hạn hẹp của mình.

Sản phẩm rô bốt quét dọn F1 và F2 ra đời sau hai tháng làm việc miệt mài, nhiều đêm Linh thức tới sáng để mày mò chế tạo, bố mẹ phải thay nhau trực vì em sử dụng điện, sợ mệt mỏi sẽ xảy ra sơ suất. Rô bốt quét dọn F1 và F2 giành giải 3 trong Cuộc thi sáng tạo Thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ VI năm 2010.

F1 có hình dáng cô lao công cao 1,5 m rất thanh nhã, có hai tay cầm chổi quét và một tay khác gắp rác nặng, có thể quay tới tất cả các hướng và di chuyển bằng bánh xe giúp linh hoạt dọn rác trong mọi ngóc ngách. F2 thấp nhỏ hơn có nhiệm vụ đi gạt rác lên băng chuyền, đưa vào thùng.

Tác phẩm đoạt giải, nhưng Linh vẫn chưa vừa ý. “Em đang nghĩ cách thiết kế cho rô bốt này có bộ điều khiển từ xa, nâng cấp để ứng dụng tốt trong thực tế”, Linh nói. Rô bốt lao công đang được trưng bày tại Cuộc thi- Triển lãm quốc tế sáng tạo khoa học công nghệ trẻ lần thứ 7 (IEYI) tổ chức tại Hà Nội.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.