Phải gọi với danh xưng nhà soạn nhạc mới xứng với tầm vóc của Nguyễn Thiện Đạo.
Nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo (phải) và nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: Nguyễn Đình Toán |
Trong suy nghĩ của tôi, những nghệ sĩ âm nhạc gốc Việt thực sự có đóng góp cho nền âm nhạc thế giới trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn được ghi nhận có NSND Đặng Thái Sơn và nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo.
Người đưa sử VN ra thế giới bằng âm nhạc
Nguyễn Thiện Đạo may mắn được sinh ra và sống những năm đầu đời ở trung tâm Hà Nội (tại số nhà 19 Tràng Tiền) và sớm sang sinh sống ở Paris (năm 1953) nên trong ông sẵn có “vốn liếng” của cha ông, đồng thời lại cảm nhận và hấp thu được dòng chảy mới mẻ của âm nhạc thế giới lúc đó.
Âm nhạc của ông luôn gắn bó mật thiết và gần gũi với chất liệu âm nhạc dân tộc cổ truyền của VN, đặc biệt là khu vực đồng bằng Bắc bộ. Tất nhiên, cái tài của Nguyễn Thiện Đạo mà nhiều người khác có thể cũng nhìn thấy nhưng không làm được là làm cho nó “nhuyễn” vào nhạc phương Tây mà không bị sống sượng, lại vẫn giữ được bản sắc vốn có.
Nguyễn Thiện Đạo chính là người đưa sử VN thời hiện đại và văn hóa truyền thống dân tộc ra thế giới bằng âm nhạc. Có lẽ phải rất lâu sau này nhạc Việt mới có thêm một cái tên xứng tầm như Nguyễn Thiện Đạo. Bất ngờ lớn nhất từ nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo chính là cuốn sách Sống lửa - một tác phẩm văn chương duy nhất của ông được xuất bản tại VN do nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết lời tựa, NXB Hội Nhà văn phát hành. Sống lửa như một thông điệp, một triết lý về cách sống và cống hiến mà ông đã áp dụng cho cuộc đời đầy ý nghĩa của chính mình.
Bậc thầy đáng kính
Ngày còn là sinh viên Nhạc viện Hà Nội, chúng tôi mặc nhiên phải biết đến cái tên Nguyễn Thiện Đạo trong một trường đoạn của lịch sử âm nhạc thế giới thế kỷ 20. Ông là một trong những học trò xuất sắc của nhà soạn nhạc thiên tài người Pháp Olivier Messiaen, một trong những tên tuổi lớn nhất của âm nhạc thế giới thế kỷ 20. Ròng rã cả chục năm trời học tập ở nhạc viện, gần như năm nào cũng thấy ông trở về và tham gia giảng dạy cho các sinh viên sáng tác. Và tôi tin, thế giới quan sáng tác của Nguyễn Thiện Đạo tác động ít nhiều tới các thế hệ nhạc sĩ trẻ tài năng của VN ta hiện nay như Trần Mạnh Hùng, Giáng Son, Đặng Tuệ Nguyên…
Trong trái tim chúng tôi, nhà soạn nhạc Nguyễn Thiện Đạo là một bậc thầy đáng kính đồng thời cũng hết sức gần gũi. Lần nào về Hà Nội, ông cũng tranh thủ dành thời gian gặp Giáng Son, Mai Tuyết Hoa (nghệ sĩ xẩm) và tôi để trò chuyện. Ông coi chúng tôi như những người bạn, tranh luận về âm nhạc một cách rất bình đẳng.
Nguyễn Thiện Đạo thực sự vui khi được nhà nước đồng ý cho mua nhà tại VN. Thành phố cũng giới thiệu tới mấy nơi nhưng ông đều không ưng. Ông muốn một nơi yên tĩnh, có không gian thoáng đãng. Quen cách sống ở Pháp cái gì cũng rõ ràng, trong khi mua bán ở VN thì phải qua môi giới, người giới thiệu thì đòi ăn chia, tất cả những thứ ấy hoàn toàn xa lạ khiến ông gần như rối tung hết cả lên, có cảm giác như mình đang bị lừa. Lúc ấy chúng tôi đã thường xuyên có mặt và giống như một chuyên gia tư vấn về bất động sản để chia sẻ cho ông biết được rằng ở VN điều đó là bình thường. Cuối cùng thì cũng xong, đó là ngôi nhà 3 tầng nhỏ, nhìn thẳng ra hồ Hoàng Cầu. Từ đấy một năm ông dành hẳn vài tháng và chủ yếu là mùa xuân để trở về sáng tác.
Nguyễn Thiện Đạo luôn dành tình cảm cho những sinh viên sáng tác. Ông thường trao những suất học bổng cho sinh viên trong nhiều năm qua và muốn tìm những gương mặt sáng tác triển vọng để trao các suất học bổng, dù nhỏ nhưng chắc chắn nó sẽ ý nghĩa, như nguồn động lực đối với các em sinh viên trên con đường sự nghiệp sau này.
Giờ đây, trái tim âm nhạc yêu quê hương đã ngừng đập nhưng ngọn lửa cuộc sống ấy sẽ hóa thành “lửa thiêng” trong trái tim những thế hệ âm nhạc nước nhà tiếp nối.
Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo sinh ngày 3.7.1940 tại Hà Đông (Hà Nội). Nhạc sĩ Nguyễn Thiện Đạo còn có tên Nguyễn Thiên Đạo. Cả hai tên cùng tồn tại song song, tên Thiên Đạo do bố ông đặt nhưng mọi người lại biết đến tên Thiện Đạo và ông chấp nhận cả hai tên này. Năm 13 tuổi, ông sang Pháp dưới sự bảo trợ của Paul Levy, cựu Giám đốc Viện Viễn Đông Bác Cổ, và trở thành sinh viên Nhạc viện Quốc gia Paris vào năm 1963. Ông nhiều lần trở về quê hương, dàn dựng những tác phẩm lớn. Năm 1995, ông được trao giải thưởng Gian Carlo Menotti và được ghi vào từ điển Le petit Larousse (1982) và Le petit Robert với tư cách là nhạc sĩ kế thừa hai nền văn minh Đông - Tây. Năm 2005, ông được trao giải thưởng Vinh danh nước Việt. Những tác phẩm nổi bật của Nguyễn Thiện Đạo có: Thành đồng Tổ quốc (1967), Tuyến lửa (1969), Bà mẹ Việt Nam (1972), giao hưởng Sóng nhất nguyên (2000), opera Mỵ Châu - Trọng Thủy, thanh xướng kịch Hồn non nước, nhạc phim Chuyện của Pao, opera ballet Truyện Kiều...
Ông qua đời ngày 20.11 (giờ địa phương) tại Paris, Pháp.
Ngọc An
|
Bình luận (0)