Nhà sư 'thích' xây cầu, nuôi sinh viên

Quang Viên
Quang Viên
23/02/2019 09:00 GMT+7

Từ nhiều năm nay, hòa thượng Thích Phước Toàn, Viện chủ chùa Vạn Đức (Q.Bình Tân, TP.HCM) đã âm thầm xây hàng chục chiếc cầu, nuôi hàng trăm sinh viên nghèo và đến với nhiều mảnh đời bất hạnh trên khắp cả nước.

Tôi gặp hòa thượng Thích Phước Toàn như một cái duyên. Đó là dịp đưa cả nhà đi chùa Vạn Đức lễ Phật. Đám trẻ nhà tôi hồn nhiên nên chẳng biết phép tắc nhà chùa. Chúng cứ quậy tưng bừng. Vợ tôi la rầy con.
Nhưng rồi hòa thượng Thích Phước Toàn xuất hiện. Ông ôn tồn: “Mô Phật! Trẻ con mà. Con cứ để các cháu chơi tự nhiên”. Rồi ông trao cho vợ tôi chiếc vòng hạt đeo tay bằng đá và dây đeo hình Phật A Di Đà cho cả nhà và nói: “Gia đình con có duyên với thầy”. Mấy hôm sau, vị sư lại gọi điện bảo tôi đưa cả nhà đến cho thầy thăm và ăn cơm chay cùng nhà chùa. Qua câu chuyện với hòa thượng, tôi biết ngài hiện là Viện chủ của chùa Vạn Đức. Đặc biệt, vị hòa thượng này phát tâm xây hàng chục chiếc cầu ở vùng quê nghèo...

“Thầy đi tu cũng khổ”

Người ta thường bảo “đời là bể khổ”. Đạo Phật khuyên rằng đi tu là một phương pháp màu nhiệm để chấm dứt sự khổ đau của kiếp nhân sinh. Nhưng, thầy Thích Phước Toàn bộc bạch chân thành: “Thầy đi tu cũng khổ”. Hòa thượng đi tu từ lúc 8 tuổi. Ngài bảo, có lẽ thầy có căn tu, có “duyên” với Phật. “Hồi nhỏ thầy sinh ở Quảng Trị. Mảnh đất chó ăn đá, gà ăn sỏi này có nhiều người nghèo khổ, trong đó có gia đình thầy. Thế là, trong một dịp làm đám ông nội, nhà có mời thầy chùa về tụng kinh, nghe người ta nói đi tu thì hết khổ nên thầy xin gia đình đi tu”, hòa thượng tâm sự.
Thật sự khi vào chùa đi tu thì thầy Phước Toàn vẫn khổ. Thời gian đầu ở chùa thầy đi gánh nước, bửa củi vất vả hơn cả khi còn ở nhà. Sau này đã trở thành hòa thượng, Viện chủ thầy vẫn “khổ”. “Cả cuộc đời thầy khổ lắm. Hồi nhỏ khổ. Vô chùa cũng khổ”, vị hòa thượng thổ lộ. Tôi hỏi, đi tu là chấm dứt phiền muộn, khổ đau sao thầy vẫn thấy khổ, thì thầy Thích Phước Toàn bộc bạch: “Thầy khổ vì thấy còn nhiều mảnh đời bất hạnh, nghèo khổ mà mình thì lực bất tòng tâm. Vì đã làm đệ tử của Phật thì phải có cái tâm từ bi. Đó là căn bản của Phật pháp. Nhưng tâm từ bi không thì vẫn chưa đủ mà phải thực hành tâm từ bi để mang đến lợi ích an lạc thế gian, cứu giúp mọi người thoát khỏi khổ nạn”…
Nhà sư 'thích' xây cầu, nuôi sinh viên1
Vị sư luôn dành sự quan tâm đến những học trò nghèo học giỏi
Là Viện chủ nhưng hòa thượng Thích Phước Toàn dường như ít khi ở chùa. Khắp ba miền Bắc - Trung - Nam đều in dấu chân hòa thượng với những chuyến đi từ thiện. Đã hơn 50 năm ngài miệt mài thực hành tâm từ bi. Ít ai có thể nghĩ rằng nhà sư Phước Toàn đã từng cưỡi xe máy đi khắp dải đất miền Trung, qua những vùng xa xôi hẻo lánh để đến với những mảnh đời bất hạnh.
Cái tâm từ bi của ngài không chỉ dành riêng cho người sống mà cả những người đã khuất. Đó là những đại lễ cầu siêu do hòa thượng lập ra để cầu siêu cho các liệt sĩ tại nhiều nghĩa trang. Hòa thượng cũng là người đầu tiên làm lễ cầu siêu cho những tha nhi. Thầy Thích Phước Toàn kể cho tôi nghe câu chuyện hết sức đặc biệt về việc làm lễ cầu siêu cho những chiến sĩ cách mạng hy sinh tại Huế năm 1971.
Khi đó, Chi khu Hương Trà, Thừa Thiên-Huế không cho nhà sư Phước Toàn cầu siêu cho các bộ đội hy sinh. Nhưng, ông nói cứng: “Chuyện cầu siêu cho những chiến sĩ đã hy sinh là xuất phát từ cái tâm từ bi của nhà Phật. Chi khu trưởng nã đạn vào tôi thì tôi vẫn tiến hành”. Cuối cùng thì Chi khu trưởng Hương Trà lúc đó phải xuống nước.
Nhà sư 'thích' xây cầu, nuôi sinh viên2
Hòa thượng Thích Phước Toàn không ngại khó khăn, vất vả khi đến các vùng quê nghèo làm từ thiện

Trăn trở thực hiện tâm từ bi

Bổn phận một tu sĩ, hành đạo chính là cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất cho đời, có gì mà to tát đâu. Nếu có viết, con viết về những mơ ước tha thiết của người dân vùng quê cần có một cây cầu, những sinh viên nghèo muốn có tiền ăn học sẽ tốt hơn

Hòa thượng Thích Phước Toàn

Những lần gặp hòa thượng Thích Phước Toàn, tôi thấy ngài thuyết pháp giản dị, vừa phải, nhưng lại trăn trở làm sao thực hiện được tâm từ bi rất nhiều. Với ngài điều đó mới đáng quý. Tôi biết tâm từ bi của hòa thượng đã thực hiện rất nhiều. Đó là những chương trình từ thiện dành cho bệnh viện tâm thần ở Huế; bệnh nhân chất độc da cam ở Hải Phòng, Hà Nội, Ninh Bình; bếp ăn tình thương ở Quảng Nam...
Quỹ từ thiện chùa Vạn Đức còn dành để hỗ trợ học phí, tiền ăn... cho hàng trăm sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Có bao nhiêu tiền phật tử và những nhà hảo tâm phát tâm cúng dường hầu như hòa thượng dành hết cho công tác từ thiện. Tuy nhiên hiện nay, hòa thượng có một chương trình lớn đã và đang thực hiện là xây những cây cầu cho những vùng quê nghèo.
Được biết, hòa thượng Thích Phước Toàn đã xây dựng được gần 70 chiếc cầu ở các vùng quê, mỗi chiếc kinh phí hàng trăm triệu đồng. Tôi đã có dịp đi theo hòa thượng về khánh thành cầu, kết hợp trao học bổng cho học sinh nghèo ở tỉnh Long An. Qua những chuyến đi đó, tôi cảm nhận được những cây cầu mà nhà sư Phước Toàn bỏ tiền và kêu gọi thêm mạnh thường quân xây dựng thực sự nối những bờ vui, đem lại niềm vui khôn tả cho những người dân vùng quê.
Mấy lần gặp hòa thượng Thích Phước Toàn để xin viết về chân dung ông, nhưng ông vẫn khiêm nhường: “Bổn phận một tu sĩ, hành đạo chính là cố gắng làm những gì tốt đẹp nhất cho đời, có gì mà to tát đâu. Nếu có viết, con viết về những mơ ước tha thiết của người dân vùng quê cần có một cây cầu, những sinh viên nghèo muốn có tiền ăn học sẽ tốt hơn”. Thực sự, dù đã là một bậc tu sĩ hàng đại trưởng lão nhưng hòa thượng Thích Phước Toàn vẫn còn “khổ” vì luôn canh cánh làm sao giúp cho cuộc đời chúng sinh tốt hơn.
“Hiện tại nhiều vùng quê còn nghèo khó, thiếu thốn. Biết bao nơi xin làm cầu, xin tiền mà mình lực bất tòng tâm, nên nói thiệt là thầy cứ lo nghĩ miết trong lòng”, hòa thượng Thích Phước Toàn bộc bạch chân thành.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.