Nhà thầu siêu bê bối - Kỳ 2: Phải siết trách nhiệm chủ đầu tư

25/02/2012 03:45 GMT+7

>> Nhà thầu siêu bê bối

Để tránh tái diễn tình trạng chọn trúng nhà thầu bê bối, theo các chuyên gia, quan trọng nhất là phải có các quy định ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư.

  Thủy điện Đắkr’tih (Đắk Nông) - một trong những dự án chịu thiệt hại từ nhà thầu Trung Quốc bê bối - Ảnh: P.Thanh

Lập danh sách đen

Không chỉ Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC) bê bối tại hàng loạt dự án từ Bắc chí Nam, tình trạng này cũng diễn ra tương tự với nhiều nhà thầu khác.

Một nhà thầu Trung Quốc khác cũng có “thành tích” bê bối và chây ì ở nhiều dự án là Beijing IWHR Corporation (viết tắt IWHR) thi công dự án thủy điện quy mô lớn Đắkr’tih (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông). Năm 2007, sau khi trúng thầu quốc tế gói “cung cấp và lắp đặt thiết bị cơ - điện chính” với giá rẻ nhất, IWHR đã thi công rất chậm trễ. Do đó, đến thời hạn cuối, ngày 20.7.2011, thay vì xong toàn bộ 4 tổ máy phát điện của nhà máy, IWHR chỉ mới hoàn thành một phần chương trình vận hành thử nghiệm của 2/4 tổ máy. Tuy vậy, nhà thầu không có thiện chí tiếp tục thi công mà lại đơn phương rút các chuyên gia kỹ thuật quan trọng khỏi công trường và chây ì phần việc còn lại. IWHR còn liên tục đưa “yêu sách” đòi chủ đầu tư là Tổng công ty xây dựng số 1 (CC1, thuộc Bộ Xây dựng) phải thanh toán ngay 10% giá trị gói thầu - dù đòi hỏi này hoàn toàn trái với quy định trong hợp đồng. Sau hàng loạt văn bản với các nỗ lực đàm phán và kêu gọi nhà thầu tiếp tục thi công nhưng bất thành, CC1 đã buộc phải cắt hợp đồng với IWHR.

Chúng ta chọn nhà thầu Trung Quốc vì giá rẻ, nhưng thực chất không hề rẻ mà quá đắt

Ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch HĐQT Công ty Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi

Tương tự, một dự án khác là Nhà máy thủy điện Bắc Bình (Bình Thuận) cũng đang khốn khổ vì IWHR. Trước đó, trong quá trình thi công, nhà thầu này đã liên tục chậm trễ gây thiệt hại kinh tế cho chủ đầu tư là Công ty CP phát triển điện lực VN (VNPD). Đến nay, sau khi đã hoàn thành công trình, rất nhiều bộ phận của nhà máy nhanh chóng hư hỏng trong khi IWHR cố tình phớt lờ trách nhiệm bảo hành. VNPD đã phải có hàng loạt văn bản yêu cầu IWHR thực hiện trách nhiệm sửa chữa, thay thế các bộ phận hư hỏng trong thời gian bảo hành.

Ông Hoàng Đức Hậu (Hội Cầu đường VN) cho rằng từ bài học nhà thầu CSCEC, IWHR và nhiều nhà thầu khác, nhất thiết phải lập danh sách đen các nhà thầu thi công bê bối để vừa làm cơ sở tham khảo vừa ràng buộc trách nhiệm chủ đầu tư trong việc lựa chọn nhà thầu. “Một khi đã có danh sách đen, chủ đầu tư sẽ không thể đổ thừa chọn “nhầm” nhà thầu là do thiếu thông tin được nữa. Theo tôi, nên giao cơ quan chuyên ngành là Bộ Kế hoạch - Đầu tư xây dựng tiêu chí rõ ràng và tổng hợp, ban hành, cập nhật một danh sách đen. Chẳng hạn, nhà thầu vi phạm ở nhiều dự án; hoặc nhà thầu chỉ vi phạm ở 1 dự án nhưng mức độ vi phạm nặng nề, ngang nhiên... thì nên đưa vào” - ông Hậu nói.

Nên bỏ tiêu chí chọn thầu giá rẻ

Một nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư liên tục “đi vào vết xe đổ” như trên là do bị “mờ mắt” trước giá bỏ thầu quá rẻ của nhà thầu, đặc biệt là nhà thầu Trung Quốc. Ông Nguyễn Trọng Oánh, Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty CP thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi, nhận xét trong quá trình đấu thầu, bao giờ giá của nhà thầu Trung Quốc cũng là thấp nhất, ngay cả nhà thầu VN với lợi thế “sân nhà” cũng không thể có được cái giá rẻ đến vậy. Chưa kể, khi đàm phán hợp đồng, thường chủ đầu tư đưa ra yêu cầu gì nhà thầu Trung Quốc cũng chấp nhận hết, nhưng khi thi công lại không thực hiện đúng hợp đồng. “Chúng ta chọn nhà thầu Trung Quốc vì giá rẻ, nhưng thực chất không hề rẻ mà quá đắt. Cái đắt lớn nhất là chậm tiến độ. Về lâu dài, chất lượng thiết bị lởm khởm nên trong quá trình vận hành không an toàn, không liên tục, thiếu độ tin cậy”, ông Oánh phân tích.

Ông Lê Thanh Huyền - giám sát thi công dự án thủy điện Đắkr’tih - cho rằng trong quá trình dự thầu, nhà thầu Trung Quốc thường biết “lách” các quy định VN để hưởng lợi. Chẳng hạn, theo quy định, những phần việc VN làm được thì phải giao cho nhà thầu VN. Nhưng cách của nhà thầu Trung Quốc là những phần việc họ làm được (cung ứng thiết bị) thì họ bỏ giá rất cao, phần việc sẽ đàm phán với nhà thầu VN (lắp đặt, gia công) thì bỏ giá rất thấp, thấp đến mức nhà thầu VN không thể chấp nhận được. Khi đó, với lý do không tìm được nhà thầu VN, họ bắt đầu ồ ạt đưa nhân công từ Trung Quốc qua. Do đó, họ được “ôm” trọn lợi nhuận từ gói thầu.

“Vấn đề là VN quy định đấu thầu đặt tiêu chuẩn giá rẻ lên hàng đầu. Khi chào thầu, chủ đầu tư đưa ra tiêu chuẩn cao (châu Âu, ISO...) và tiêu chuẩn nào nhà thầu Trung Quốc cũng chấp nhận, vì tất cả là “trên giấy”. Nhưng vấn đề là, với thiết bị máy móc hiện có, chủ đầu tư VN chỉ có thể kiểm ra về mặt kích thước, số lượng của thiết bị, vật liệu; còn về chất lượng thì gần như không kiểm soát được. Chẳng hạn, chúng ta chỉ đo được cây thép to hay nhỏ, dài hay ngắn; còn kết cấu bên trong thế nào không nắm được. Nếu chúng ta kiểm soát được chất lượng thì nhà thầu đưa giá càng rẻ càng có lợi. Còn chưa kiểm soát được như hiện nay, không nên đặt tiêu chí giá rẻ lên đầu mà phải nhắm đến việc lựa chọn nhà thầu uy tín, năng lực”, ông Huyền nói.

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.