• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái
Bạn cần biết Tiện ích Liên hệ
Theo dõi báo trên
Thời trang nghề & nghiệp

Nhà thiết kế thời trang Franky Nguyễn: Tôi không nghĩ mình giỏi

25/06/2020 19:00 GMT+7

Sau 7 - 8 năm thành công với những thiết kế riêng táo bạo đầy nóng bỏng và ăn khách, Franky Nguyễn đột ngột dừng cuộc chơi và chuyên tâm đứng ở vị trí cố vấn sáng tạo và trưởng phòng thiết kế cho một công ty xuất khẩu thời trang Việt suốt vài năm qua.

Chị đã chia sẻ chặng đường chuyển đổi từ một nhà thiết kế độc lập sang vai trò một người quản lý và cố vấn thời trang. Đồng thời các bạn trẻ muốn bước chân vào con đường thiết kế thời trang cũng có thể tìm thấy những lời khuyên chân thành của đàn chị đi trước.

Xin chị chia sẻ cơ duyên đến với nghề thiết kế thời trang? Và con đường đi ban đầu của chị có thuận lợi không?

Thật ra thì tất cả các bạn trẻ khi nhìn thấy nghề thiết kế thời trang đều thấy ánh hào quang trên sân khấu. Khi ban đầu, cũng như mọi người, tôi cũng vậy. Tuy nhiên để bước chân vào nghề, bên cạnh những phút hào nhoáng trên sân khấu cùng dàn catwalk, chúng ta phải hy sinh nhiều thời gian, đầu tư nghiêm túc về chất xám.

Do tôi xác định rõ ước mơ của mình từ nhỏ là mong muốn đeo đuổi ngành này nên chấp nhận vứt bỏ ngành kiến trúc lúc đó đã thi đỗ. Bố mẹ tôi là dân kinh doanh, thời điểm đó cũng không hiểu rõ về nghề thời trang nên không ủng hộ. Thậm chí tôi từng làm căng với gia đình rằng phải chấp nhận cho tôi theo học nghề thiết kế thời trang hoặc tôi bỏ học. Nhưng tôi cũng hứa với gia đình rằng, nếu trong một năm, tôi không đạt được thành tựu gì trong ngành thời trang thì tôi sẽ dừng lại.

Nhưng may mắn sau khi học thiết kế thời trang tại Học viện Raffles thì tôi đoạt giải thưởng, được học bổng vào năm 2008, và được sang Singapore học tiếp 1 năm. Sau khi quay về Việt Nam năm 2010, tôi đi làm thiết kế cho một số nhãn hàng, ra mắt bộ sưu tập riêng. Thời điểm tôi chưa giải phẫu chuyển giới, tôi có bạn trai và muốn tự chủ về tài chính, cùng bạn trai đồng hành trong cuộc sống. Tôi có nhập hàng thời trang về bán, dùng kiến thức thời trang để phối hàng, được người tiêu dùng đón nhận. Giá thành cũng dần được nâng cao, sau 7 - 8 năm kinh doanh, tôi cũng để dành được cỡ 4 tỉ đồng. Như vậy con đường đi của tôi cũng có thể nói là thuận lợi trong thời gian đầu.

Một số thiết kế thuộc bộ sưu tập thời trang Summer Dream do Franky Nguyễn thiết kế

 

Cùng với nhu cầu ngày càng tăng cao của đời sống xã hội, con người ngày càng chú trọng làm đẹp. Các thiết kế của chị hiện đang nhắm vào đối tượng nào và tại sao?

Thật ra các thiết kế của tôi từ trước đến giờ luôn tập trung vào dòng sản phẩm ứng dụng, được người tiêu dùng mặc hằng ngày hoặc diện trong những buổi tiệc nhẹ nhàng. Tôi không chuyên về thiết kế các sản phẩm sân khấu. Nhưng các thiết kế thời trang của tôi trước kia luôn có xu hướng tôn dáng, tôn hình thể đường cong của người phụ nữ.

Hiện tại gu hướng thời trang thay đổi nhiều. Người ta chú trọng đến các sản phẩm thoải mái hơn, tính ứng dụng cao. Trường phái trang phục ôm body vẫn còn một số người thích. Nhưng phần lớn lớp trẻ thích street style, phong cách tối giản, thanh lịch, theo xu hướng thế giới.

Tôi hiện tại thích ứng với cả hai bên nhưng tôi vẫn theo xu hướng thời trang ứng dụng và người ta có thể mặc hằng ngày.

Vốn nổi tiếng với các thiết kế đồ lót, váy ngắn đi chơi, đầm dạ hội, đầm cưới theo phong cách sexy, quyến rũ, chị nhận thấy phong cách này được khách hàng đón nhận ra sao?

Số lượng khách hàng thích phong cách đó hiện nay đã giảm đi vì quan niệm đã thay đổi. Trước đây họ coi rằng đồ ôm sát mới đẹp, mới tôn dáng. Vào thời điểm đó, hầu hết các nghệ sĩ lớn, ca sĩ đều mặc như vậy và người tiêu dùng chỉ nhìn thấy được điều đó trên sân khấu.

Nhưng giờ đây cùng với sự phát triển của xã hội, sự tác động của mạng xã hội, nghệ sĩ cũng thay đổi cách ăn mặc sao cho có tính ứng dụng hằng ngày, cũng sử dụng các nhãn hàng nước ngoài ready-to-wear về Việt Nam như áo sơ mi overside… Bên cạnh sự quyến rũ, các thiết kế mới này còn mang lại sự năng động và thoải mái. Thời trang hiện nay đã có sự phân nhánh và thay đổi. Khách hàng cũng phân chia ra như vậy.

Trong cuộc sống thường ngày, chị thích ăn bận ra sao? Trong tủ đồ của chị, có bao nhiêu phần trăm đồ do chị tự thiết kế, bao nhiêu phần trăm do mua sẵn? Chị thích nhãn hàng thời trang nào?

Style cá nhân vẫn mang đậm cá tính tôi. Tôi lựa chọn những trang phục phù hợp với cá tính của tôi. Tôi thích một chút sang trọng quyến rũ, nhưng vẫn tôn đường cong của mình. Đối với tôi, đường cong của người phụ nữ rất đẹp mà không phải ai cũng có. Nhiều người đã phải luyện tập, ăn kiêng rất vất vả để có nó và gìn giữ nó. Vì vậy đường cong là một tác phẩm nghệ thuật.

Nhưng khi đi làm, tôi cũng có sự linh động, đặt bản thân mình vào nhiều trường hợp. Tôi cũng phải mặc những sản phẩm khác nhau để hiểu được cảm giác của những người khác khi mặc chúng.

Đặc biệt sau khi được chuyển giới thành phụ nữ, tôi thấy mình thật hạnh phúc khi được trải nghiệm nhiều sản phẩm có style trang phục khác nhau để mình được cảm nhận, không bị đóng khung mình, update được nhiều xu hướng mới của xã hội.

Nhưng ở những thời điểm khi tôi cần tạo dấu ấn cá nhân đặc biệt, tôi vẫn lựa chọn sản phẩm có style chính là sang trọng quyến rũ theo phong cách châu Âu, thích màu đen, màu tối, thích gam trầm…

Thật ra 90% trong tủ đồ của tôi là đồ đi mua vì thời trang hiện nay rất đa dạng và mẫu mã khá chuẩn. Đó là những mẫu đồ của các nhãn hàng mà tôi đã xét duyệt nên đôi khi mua luôn. Ngoài ra tôi cũng mua thêm sản phẩm của các nhãn hàng hiệu khác để trải nghiệm cảm giác với những form dáng khác nhau.

Tủ đồ của tôi chỉ có 10% sản phẩm do tôi tự thiết kế nhằm phục vụ cho các dịp đặc biệt cần xuất hiện không đụng hàng, cần nổi bật.

Trong cuộc sống hằng ngày, tôi thường sử dụng sản phẩm thời trang mua sẵn và dùng kiến thức thời trang của mình để phối đồ theo góc nhìn của tôi. Với công việc cố vấn thời trang hiện tại của mình, người ta cũng mong muốn các sản phẩm do tôi thiết kế hoặc tư vấn được trải nghiệm, phối, mặc với nhiều cách thức khác nhau. Vì vậy tôi vừa mặc để trải nghiệm sản phẩm, vừa tìm những cách thể hiện sản phẩm khác nhau để tư vấn cho các nhãn hàng của mình. Tôi nghĩ điều này rất hay.

Về thời trang cá nhân tôi, tôi thích các nhãn hàng như Zara, S&M, thời trang US, UK đặc trưng của các nước Âu - Mỹ tôn dáng, chất liệu mềm, sexy với những đường cut out táo bạo, trẻ trung.

Cuộc sống càng hiện đại, người ta càng có xu hướng mua đồ may sẵn, ít có thời gian đặt may đo, tuy nhiên việc mặc đồ may sẵn khó tạo được một phong cách thời trang đậm cá tính riêng, chị có lời khuyên gì cho người tiêu dùng?

Thật ra do góc nhìn của mỗi người, ăn thua là do mình mix match với kiến thức thời trang của mình vẫn sẽ tạo ra phong cách riêng. Cũng vẫn bộ đồ đó nhưng khi tôi mặc lên, nhiều người vẫn phải kêu tại sao nó khác biệt quá vậy vì nó mang dấu ấn cá nhân của tôi.

Vì vậy khi mua sản phẩm, các bạn cần lựa chọn sản phẩm phù hợp nhất với vóc dáng mỗi người để khi mặc lên sẽ thấy thoải mái nhất. Các bạn yêu thời trang có thể xem thêm trên các tạp chí thời trang, đọc những bài viết về xu hướng thời trang hiện nay ở trong nước và thế giới, về típ ăn mặc… để lựa chọn ra cách thức ăn mặc phù hợp với vóc dáng của từng người. Cũng có thể tham khảo các bài viết hướng dẫn cách mix, match phối đồ để tạo ra những dấu ấn cá nhân.

Thời trang là những cái nhỏ nhỏ kết hợp với nhau. Có rất nhiều cách phối đồ, cách kết hợp với trang sức… để tạo nên cá tính riêng.

Được trở về thiên nhiên, hòa mình vào biển cả, tận hưởng làn nước trong veo sóng sánh trong nắng, đó cũng chính là nguồn cảm hứng tạo nên những thiết kế của Franky Nguyễn

 

Nhiều người nhận xét nhiều mẫu thời trang Việt chưa thực sự sáng tạo, chỉ là sự nhái lại hoặc rập khuôn của các mẫu thời trang nước ngoài. Chị có thấy buồn vì nhận xét này?

Thật ra không có chuẩn mực cho sự sáng tạo hoàn toàn. Ngay cả những nhãn hàng thế giới cũng vậy. Nếu chỉ xét riêng những sản phẩm ứng dụng hằng ngày không mang tính cá nhân thì cũng chỉ vòng vòng những mẫu mã kiểu dáng như vậy. Mỗi năm các nhà mốt trên thế giới sẽ cập nhật xu hướng thời trang lên trang web và update những sản phẩm mới lên. Nhiều nhà mẫu nước ngoài cũng copy lại lẫn nhau và sáng tạo thêm dựa trên nền tảng đó. Tuy nhiên việc làm mới lại một sản phẩm đã có sẵn và tạo hiệu ứng được cũng rất khó.

Vì vậy nếu muốn tạo nên một sản phẩm thời trang sáng tạo hoàn toàn ở Việt Nam là rất khó. Vì công việc thiết kế thời trang ngày nay đã không còn như trước, nó ngày càng chuyên nghiệp hơn. Có những địa chỉ trang web mà các nhà mẫu thời trang quốc tế hằng năm vào đó lấy nguồn tài liệu chung để phát triển thêm. Nếu các nhà thiết kế trẻ Việt ngày càng phát triển hơn và đi theo xu hướng thế giới thì sẽ khó tránh việc sản phẩm có một số chi tiết hơi giống nhau.

Tôi cũng thường thấy một số nhà thiết kế trẻ Việt hay tố nhau trên mạng xã hội về việc copy lẫn nhau. Tuy nhiên nhận xét đúng sai hoàn toàn điều này rất khó nói vì nó căn cứ vào góc nhìn riêng của mỗi người.

Theo chị, ngành thời trang Việt hiện đang đứng trước những cạnh tranh gì và làm thế nào để vượt qua?

Thật ra ngành thời trang Việt ngày càng khó khăn hơn bởi sự du nhập của các sản phẩm thời trang nước ngoài, các hàng ready-to-wear về Việt Nam, ngoài ra còn vấp phải sự cạnh tranh về giá thành.

Bản thân tôi đã từng trải qua ngành thời trang thiết kế và ngành thời trang ứng dụng nên cảm nhận thấy rõ rằng các nhà thiết kế Việt đang phải chịu sức ép rất lớn. Họ gặp khó khăn trước việc cần tạo ra các sản phẩm vừa đẹp vừa rẻ để cạnh tranh lại với các sản phẩm thời trang nước ngoài.

Trước kia, với những bạn có gu thời trang tốt, các bạn có thể tạo ra những sản phẩm đẹp, bán tốt. Nhưng ngày nay nếu chỉ có gu không thì chưa đủ, các bạn phải luôn luôn update thị trường, cập nhật những cái mới, những xu hướng mới. Vì vậy việc mong muốn tạo nên sản phẩm thời trang có dấu ấn cá nhân sẽ khó hơn rất nhiều. Các nhà thiết kế trẻ ngày nay ngày càng giỏi hơn, vì vậy sự cạnh tranh từ chính nguồn nội lực đã ngày càng khốc liệt rồi. Các cuộc thi lớn về thiết kế ngày nay cũng nhiều hơn. Cơ hội nổi tiếng nhiều hơn, đào tạo ra ngành thiết kế cũng dễ dàng hơn, số lượng người theo đuổi ngành thiết kế cũng nhiều hơn...

Vậy chị có lo sợ cho chính bản thân mình hay không?

Điều này tùy vào mục đích sống của mỗi người. Thời trang là một đam mê đối với tôi. Tôi luôn cố gắng phát triển mình, giữ cho mình sự nhiệt huyết. Nhưng càng làm tôi càng nhận ra rằng mình cần có sự linh động, có sự đổi mới. Bên cạnh thời trang, tôi cũng đi tìm cho mình một con đường khác về đầu tư. Khi tôi đi theo con đường thời trang ứng dụng, đi làm quản lý thì môi trường công sở tạo cho tôi nhiều suy nghĩ mới. Tôi đã theo học những khóa đào tạo về quản lý, về tài chính. Bên cạnh công việc chính là thời trang, giờ đây tôi đã có thêm một con đường khác tạo thêm thu nhập đầu tư về tài chính ở những mảng khác, nhưng vẫn thỏa được đam mê về thời trang của mình.

Tôi thấy điều này rất hay vì khi đầu óc có sự cân bằng giữa một nghệ sĩ với một người làm kinh tế thì với cương vị làm quản lý cho các nhãn hàng thời trang Việt hiện nay, tôi sẽ thực tế hơn và hiểu được nhu cầu ứng dụng của người khác.

Với công việc hiện tại như một art director và fashion manager, tôi phải dẫn dắt người ta như một xu hướng, duyệt định hướng cho các nhãn hàng. Vì vậy tính ứng dụng trong sản phẩm thời trang đòi hỏi rất cao, đồng thời phải hiểu được phân khúc thị trường. Tôi thấy mình rất phù hợp và hạnh phúc với công việc hiện tại.

Với những thiết kế đơn giản và tinh tế, bộ sưu tập như một giấc mơ lãng mạn đầy thi vị trong mùa hè oi bức của miền nhiệt đới

 

Một nhà thiết kế trẻ tìm được chỗ đứng trong nghề đã là một điều khó khăn, một nhà thiết kế chuyển giới muốn khẳng định vị trí chắc còn chịu nhiều áp lực hơn gấp nhiều lần. Chị có thể đưa ra lời khuyên cho các bạn trẻ muốn bước chân vào con đường thiết kế thời trang?

Tính đến nay, tôi đã làm nghề thời trang được hơn 15 năm rồi. Trên con đường đi của mình, tôi đã đứng được đến ngày hôm nay, nhưng cũng có lúc bị vấp ngã, cũng có lúc phải dừng lại, phải nhìn lại cuộc sống của mình. Đó là quy luật vì cuộc sống không phải lúc nào cũng màu hồng, không bằng phẳng. Có lúc tôi tưởng mình là bá chủ thế giới, có được tất cả nhưng cũng có lúc tôi đã mất đi rất nhiều thứ, đã vấp phải, đã phải nhìn lại. Song đây đều là quy luật cuộc sống rất bình thường.

Tôi nghĩ các bạn phải chấp nhận, quan trọng là các bạn phải lắng nghe, phải mở lòng mình ra và đặc biệt phải vượt qua cái tôi của chính mình, phải hiểu được thị trường đang muốn cái gì để bình tĩnh đưa ra được quyết định sáng suốt của mình trong mỗi một trường hợp.

Theo tôi không có gì là không thể nếu mình muốn. Hãy cứ thử đi vì trong bất kỳ môi trường nào, trong mỗi công việc nào thì chắc chắn đều có nhiều điều mới lạ. Có những thứ khi chưa bắt đầu, tôi từng nghĩ chúng là bình thường, là hiển nhiên. Nhưng khi bắt đầu, tôi mới nhận thấy rằng hóa ra những việc bình thường đó lại có quá nhiều thứ mới mà tôi chưa được học. Vì vậy hãy bắt đầu đi, đừng ngại thử. Mỗi công việc nào cũng có những khó khăn chờ được trước mắt nhưng khi đã vượt qua được thì mình đã được học những bài học mới. Và càng có nhiều bài học thì con đường mình định hướng đi ngày càng đúng hơn. Chúng sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều kinh nghiệm và những quyết định càng chính xác hơn.

Tôi cũng sống vừa trôi theo cuộc đời, vừa đảm bảo nhu cầu tài chính cuộc sống. Tôi không nghĩ mình giỏi, nhưng tôi nghĩ mình đủ bản lĩnh và khả năng sinh tồn rất cao.

Còn việc chuyển giới thì tôi không đặt nặng trong vấn đề nghề nghiệp, dù nhiều người từng hỏi tôi về điều này. Vì khi đi xin việc, họ chỉ hỏi về chuyên môn, đặt nặng về công việc, chứ không hỏi về việc chuyển giới. Họ nhìn vào những kinh nghiệm mà tôi đã làm được, những kiến thức thời trang mà tôi đã có.

Và khi mình đi làm, thì việc chuyển giới chỉ là sự chia sẻ về cuộc sống cá nhân. Xã hội ngày nay đã rất mở, nhiều người không quan trọng về giới tính của bạn ra sao. Họ chỉ quan trọng là bạn làm được gì, có cống hiến được gì cho công ty của họ.

Cá nhân tôi cũng không đặt nặng về vấn đề giới tính. Tôi chỉ coi trọng công việc và chuyên môn.

Xin chị chia sẻ một số dự định sắp tới trong nghề nghiệp.

Ngành thời trang ở Việt Nam và cả thế giới đều gặp rất nhiều khó khăn. Hiện tại tôi không còn thiết kế cho riêng mình nữa, chỉ tập trung giúp cho các nhãn hàng trong tương lai gần. Tương lai xa thì tôi chưa dám nói đến. Tôi chỉ muốn giúp cho các nhãn hàng mình đang làm đạt được những thành công nhất định và tích lũy thêm những kinh nghiệm để nếu tôi tiếp tục còn duyên với ngành này thì còn được thỏa đam mê của mình.

Vâng, cảm ơn chị, chúc chị luôn tươi trẻ và thành công.

 
Ảnh: NVCC
Top
Top