Nhà thơ Dương Trọng Dật: Đời sống văn học vẫn đang thiếu cái hơi thở nồng ấm...

17/06/2006 13:36 GMT+7

Dương Trọng Dật và tôi học cùng một trường, ra trận cùng ngày, làm việc cùng một nơi... nhưng không phải như vậy mà tôi hiểu hết Dật. Tôi sinh ra và lớn lên ở phố thị, tản cư sơ tán nhiều vùng; Dật ở một làng quê nông thôn Việt Nam nhiều cảnh sắc.

Nào là sông Kinh Thầy, núi Yên Tử, Côn Sơn và bao tên người tên đất đáng nhớ: An Phụ, Kiếp Bạc, động Kính Chủ, nào là Trần Liễu, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi... Dật hiểu quê, nhớ quê, lớn lên đi muôn nơi và sáng tác. Còn tôi chỉ là bạn đọc của Dật.

Dương Trọng Dật từ tốn, tự tin từ cái dáng chắc đậm cho tới suy nghĩ quyết đoán. Say mê văn chương từ thời nhỏ, Dật đến với văn chương với tư cách nhà văn khi đã vững vàng - tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội (khoa Ngữ văn), học khóa IV Hội Nhà văn Việt Nam (Lớp những người viết văn trẻ cho các chiến trường); vượt Trường Sơn vào chiến trường (B2, Nam bộ); giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là Đại học Khoa học Xã hội - Nhân văn TP.HCM) và làm Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng... Điều này cho thấy trách nhiệm của một cây bút với cuộc sống và chính mình. Anh nghiên cứu và yêu thích những P.Eluya, Nêzơvan, Nazim Hítmét... (nước ngoài); Nguyễn Du, Nguyễn Trãi, Nguyễn Khuyến, Chế Lan Viên... (Việt Nam). Đối với văn học, anh có khả năng ở hầu hết các lĩnh vực và thể loại. Viết truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết; viết lý luận phê bình với phương pháp luận vững vàng... Đặc biệt, anh sáng tác thơ đa dạng, phong phú từ thơ tự do, thơ văn xuôi, thơ có niêm luật chặt chẽ, đến thơ lục bát, hay và đẹp như ca dao. Bạn học cũ cùng quê của Dương Trọng Dật kể, hồi nhỏ học ở trường làng, có các anh chị sinh viên văn khoa về sưu tầm văn hóa dân gian, anh được một chị sinh viên có nước da trắng và đôi mắt đẹp, nói chuyện rằng, muốn thành nhà thơ phải... yêu ít nhất 3 cô gái?!... Dật nhớ và coi đó như là một... định mệnh văn chương. 

Nhà thơ Dương Trọng Dật, quê Hải Dương, Cử nhân Ngữ văn, Cử nhân Chính trị, hiện là Tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam.

Các tác phẩm chính:

- Thơ: Mai này khi con lớn, Những vần thơ trái mùa, Hoa đất, Thơ Dương Trọng Dật...

- Văn xuôi: Người đồng hành, Ngày cuối cùng của chiến tranh, Đất khát, Những ngôi sao con gái, Lốc tháng tư, Cát bụi thành đô, Bi kịch thời bình...

- Lý luận-phê bình: Lòng đạo xin tròn một tấm gương, Nghệ thuật và công chúng...

Dương Trọng Dật kể:

- Hồi đó, mình có một cô bạn gái chăn trâu ở làng bên. Cô bạn thường mang cho mình những trái ổi hái trong vườn nhà, giấu trong... cạp quần. Cũng như bao trẻ nhỏ, bạn bè "cặp đôi" và còn đọc... thơ theo người lớn chọc cười: "Con gái chơi với con trai. Ngày mai hai vú bằng hai quả bầu". Sông Kinh Thầy nơi chảy qua quê mình có một cái thoi (cù lao). Ở đó cỏ non xanh um... Một lần cô bạn cưỡi trâu vượt sông. Con trâu dở chứng hất cô bạn xuống nước và cô bị cuốn phăng. Bọn trẻ chăn trâu chúng mình buồn không ăn mấy bữa. Mất một người bạn mà lại là bạn gái tuổi thơ lòng không nguôi được. Đó là buổi chiều luôn in đậm trong tâm trí. Đêm, nhìn mây trắng trôi nhòa ánh trăng, mình làm thơ: "Bạn ơi, sớm vội đi đâu. Cha thương đứt ruột, mẹ sầu lệ tuôn…".

Một buổi chiều quê...

Chúng tôi hỏi: "Tại sao lại là thơ chứ không là văn xuôi?". Dương Trọng Dật nói: "Ngay từ lớp 3, lớp 4, tôi đã phải làm không thiếu việc gì. Gặt lúa, cày bừa, gánh phân, tát nước, phát bờ, cuốc góc... Bố đi công tác xa, cùng mẹ, tôi là lao động chính nuôi các em còn nhỏ. Làm một câu thơ, nhẩm thuộc, chép lại... đã khó... nói gì viết văn.

*  Theo dõi đời văn của anh, có thể hình dung hành trình Dương Trọng Dật: Thơ - Lý luận phê bình - văn xuôi?

- Đó như là hành trình cuộc đời tôi. Cũng không có gì lạ lắm đâu!

* Có cảm giác anh nổi tiếng hơn là từ truyện ngắn đoạt giải năm 1981 do Báo Văn Nghệ Quân Đội tổ chức?

- Hồi đó khó khăn lắm. Viết được đã là quý, viết mà đoạt giải của một tạp chí văn nghệ có uy tín thì có lẽ nhờ vậy mà nhiều người biết đến. Với truyện ngắn Cái chết của một người, tôi gửi gắm lời cảnh báo về sự xuống cấp của một số người trong cuộc sống, nghĩ lại bây giờ còn mang tính thời sự.

Dương Trọng Dật là nhà thơ, nhà lý luận - phê bình, nhà văn... Nhưng riêng với tôi, và nhiều người, anh là nhà thơ. Bởi thơ Dương Trọng Dật đa dạng phong phú, nhiều cung bậc tình cảm, nhiều màu sắc âm thanh... như một cánh đồng thơ. Tôi  là dân phố thị, đến hai mùa không phân biệt được mà lại say thơ làng quê. Đọc thơ Dương Trọng Dật, tôi thích nhất thơ lục bát. Tôi gọi đó là những vần thơ lục bát! Bát ngát, say mê, đằm thắm, thiết tha, ân tình, sâu lắng... Nó cứ mềm như cánh đồng lúa, cứ mỏng như dải lụa... mà ở đó là tình người, giọt mồ hôi, nước mắt, tiếng cười, tiếng khóc... Tiếng chân trâu, tiếng giã gạo, tiếng kẽo kẹt của lũy tre làng và trùm lên là tiếng ầu ơ hát ru... Thơ lục bát của Dật trầm buồn như đất ruộng vườn, như ngói đình, và lách tách tiếng cọng rơm, cọng rạ, ngọn rau, que củi... gợi cảm dễ thương. Suy nghĩ của nhà lý luận - phê bình; lấy tư liệu bằng quan sát của một nhà văn và làm thơ bằng cảm xúc của nhà thơ trầm tĩnh, thơ Dương Trọng Dật có chiều sâu nội tâm. Hồi ở chiến khu, Dật là một đầu bếp tín nhiệm. Chúng tôi gọi đùa anh là "Tư Phở". Anh nấu ăn ngon. Và khi anh sáng tác, anh cũng thể hiện khả năng chủ động trong sắp xếp, cấu trúc, biến hóa tình cảm qua câu chữ. Anh dùng nhịp điệu và nhạc cảm ngắt nhịp câu thơ quen thuộc lục bát (6 trên, 8 dưới). Hàng loạt thơ lục bát của Dương Trọng Dật xuất hiện đều đặn, nó có sức hấp dẫn, lan tỏa và nhiều người... làm theo. Làm thơ hay đã khó, làm thơ lục bát hay càng khó hơn, Dương Trọng Dật chọn cho mình con đường nhiều thử thách và anh đã có thành công. u đó là người đi tìm cái cốt cách thơ Việt Nam.


Nhà thơ Dương Trọng Dật (trái)

* Anh yêu tác phẩm nào của mình ?

- Tất cả! Nhưng thế thì tham quá phải không? Tôi thích tiểu thuyết Những ngôi sao con gái và truyện ngắn Cái chết của người bạn.

* Cả 2 đều là văn xuôi, đều là truyện từng đoạt giải ?

- Một giải của Tạp chí Văn Nghệ Quân Đội và mội giải của Bộ Quốc phòng. Mình gắn bó với cuộc chiến tranh vĩ đại.

 Là nhà thơ, nhà lý luận - phê bình, nhà văn, từ một nhà nghiên cứu, một nhà giáo, và là nhà báo, Dương Trọng Dật tâm sự:

- Nghề báo bổ sung cho nghề văn. Các cụ Tản Đà, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng... đều là những nhà báo giỏi. Nhiều nhà văn có tiếng hiện nay cũng làm báo và nhiều nhà báo trẻ hiện nay sẽ là những nhà văn nay mai.

* Nếu hỏi anh về tình hình văn học hiện nay, anh có nhận xét gì ?

Vẫn cái từ tốn, nhiều cân nhắc, anh cười:

- Đời sống văn học hiện nay rất đa dạng, phong phú, sinh động... nhưng vẫn thiếu đi cái hơi thở nồng ấm của cuộc sống lớn, của thời đại - mà nói như nhà thơ P.Eluya (Pháp) là còn thiếu một sự kết nối "từ chân trời của một người đến chân trời của tất cả"!

V..T

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.