Nhà thơ Hữu Thỉnh: Ngày thơ Việt Nam đang trở thành một lễ hội văn hóa

05/02/2009 23:28 GMT+7

Ngày thơ Việt Nam lần thứ VII (ngày rằm Nguyên tiêu xuân Kỷ Sửu - 9.2.2009) sẽ diễn ra tại Hà Nội và khắp các địa phương cả nước. Trao đổi với PV Thanh Niên, nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết:

- Ngày thơ Việt Nam 2009 sẽ tập trung vào 3 chủ đề sau: Kỷ niệm 50 năm đường Trường Sơn, giải phóng đất nước; Kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội; Khích lệ tình yêu đất nước, dân tộc, phát huy tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 40 năm di chúc của Người. Ngày thơ Việt Nam năm nay có điểm mới: tất cả các địa phương cả nước đều chuẩn bị kỹ các chương trình theo 3 chủ đề trên.

Tại trung tâm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội, có một chương trình trình diễn thơ và nhạc cùng một hội thảo về văn học thiếu nhi. Tại sân thơ trẻ 2009 sẽ có các cuộc trình diễn giới thiệu các tài năng thơ chưa là hội viên (có cháu chỉ hơn 10 tuổi). Lễ hội thơ là một lễ hội văn hóa mới, mỗi năm được hoàn thiện dần và thu hút được công chúng ngày một đông hơn với các hình thức thể hiện phong phú.

 
Nhà thơ Hữu Thỉnh

* Cảm nhận của nhà thơ về 6 lần tổ chức Ngày thơ Việt Nam ở Văn Miếu, Hà Nội?

- Một trong các ấn tượng sâu sắc nhất của lễ hội thơ rằm tháng giêng là khi cử hành những nghi lễ, chúng ta đọc những bài thơ của Lý Thường Kiệt, Trần Quang Khải và Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách đầy xúc động. Tôi thấy có nhiều người rưng rưng nước mắt. Có thể thấy thơ ca có được một sức sống đặc biệt, thôi thúc tình cảm yêu nước mạnh mẽ lên và nâng cao trách nhiệm công dân đối với lịch sử và tiền đồ dân tộc.

Tình yêu thơ ca và văn chương của công chúng vẫn nguyên vẹn với sự khao khát những tác phẩm hay. Vấn đề là các nhà thơ Việt Nam sẽ đáp lại tình yêu ấy thế nào.

* Ông cho biết nhận định của mình về thơ hiện đại Việt Nam trong dòng chuyển động của văn học hôm nay?

- Thơ Việt Nam không ngừng đổi mới sáng tạo trong các thế hệ nhà thơ để đưa thơ đến với công chúng, đến với hiện thực và nói lên được âm hưởng vang vọng của đất nước của dân tộc đang cất mình khỏi lạc hậu, nghèo nàn. Thơ càng hiện đại càng phải gia tăng yếu tố dân tộc, cần tìm tòi để làm nổi lên tinh hoa của dân tộc. Thơ những năm gần đây đổi mới rất nhiều về hình thức, về tình cảm, với biên độ sáng tạo rộng, nhiều giọng điệu mới, cách thể hiện độc đáo, cùng với ý thức về cội nguồn dân tộc sâu sắc hơn. Mỗi nhà thơ phải khẳng định diện mạo tâm hồn và sức sáng tạo của chính mình, phải yêu nước và phải nhân văn.

* Ông đánh giá gì về thơ trẻ hôm nay?

- Thơ trẻ hôm nay có một vị trí xứng đáng trong nền thơ Việt Nam hiện đại với sức tươi trẻ làm phong phú đời sống thơ ca. Mong rằng tác giả trẻ có thể trở thành các nhà thơ tiêu biểu cho một thế hệ, một nền thơ Việt Nam.

* Hai năm gần đây, sự vắng mặt của thơ trong giải thưởng Hội Nhà văn nói lên điều gì, thưa ông?

- Hai năm gần đây, giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam có yêu cầu cao hơn về cả chất lượng và sự tìm tòi đổi mới. Và trên cái nền cao ấy, chúng ta phải nâng cao chất lượng thơ. Đây không phải là sự khắt khe và hẹp hòi của Ban chấp hành, Ban giám khảo mà là sự đòi hỏi của công chúng, để các tác phẩm thơ được giải phải thực sự có ảnh hưởng, có cuộc sống trong bạn đọc. Do vậy 2 năm qua không có giải thưởng cho thơ và chúng tôi chờ đợi năm 2009 - 2010 hy vọng có những tập thơ xứng đáng được trao giải.

* Xin cảm ơn nhà thơ.

Nguyễn Việt

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.