Nhà thơ Kiên Giang - Kỳ 2: Tầm sư… Nguyễn Bính

02/11/2014 08:45 GMT+7

(TNO) Vào khoảng năm 1946, cậu học trò Trương Khương Trinh đang học bậc trung học (ông sinh năm 1929 tại xóm Xẻo Đước, làng Đông Thái, huyện Tịnh Biên nhưng do nạn cướp biển lộng hành nên phải tản cư về Rạch Giá). Một hôm có người bạn học tên Nguyễn Phi Long khoe: “Nhà thơ Nguyễn Bính đang ở xóm biển, sau đình Nguyễn Trung Trực gần nhà tao”.

>> Nhà thơ Kiên Giang - Kỳ 1: Chuyện 'Hoa trắng thôi cài' và hai đoạn kết

Nhà thơ kiên giang: những khoảnh khắc đời và thơ - Kỳ 2: Tầm sư… Nguyễn Bình
Nhà thơ Kiên Giang - Ảnh: Đào Trung Phụng

 “Thi sĩ chân quê” đâu không thấy

Vốn mê thơ văn, mà Nguyễn Bính lại là thần tượng của mình nên Trương Khương Trinh (sau đây xin gọi là Kiên Giang dù lúc đó ông chưa lấy nghệ danh này) quyết đi tìm.

Đến xóm biển, người ta chỉ cậu đến nhà ông quản thủ địa bộ tên N.Đ. Lý (ông này vốn người gốc miền Bắc, thấy “đồng hương” lưu lạc đến tận cái xứ chót biển phương Nam này nên đón về, cho ở nhờ). Hỏi người nhà ông Lý thì họ bảo “Ông Bắc Kỳ đang ngủ ngoài đình”. Kiên Giang ra đình thờ Nguyễn Trung Trực, lúc ấy đã hơn 9 giờ sáng mà thấy cảnh vật vắng hoe.

Ông hỏi thăm một bà hàng nước xem có người nào dáng vẻ nho nhã như mình đã mường tượng không. Bà hàng nước chép miệng bảo: “Chẳng thấy nhà thơ nhà thẩn nào cả, chỉ có một anh hàn sĩ giống hệt “Trần Minh khố chuối” ngày nào cũng lật nóp nằm ngủ sau cửa đình. Chắc là ổng muốn xin Ngài báo mộng chi đó?”

 

Rặt chất Nam Bộ

Nghĩ cũng lạ, cái làng Đông Thái- nơi nhà văn Sơn Nam mô tả là “hiu hắt như ngọn đèn dầu mù u, quanh năm bọn cướp biển hoành hành” lại sản sinh ra hai cây bút lừng danh trong đời sống văn hóa Nam Bộ, đó là nhà văn - nhà nghiên cứu Sơn Nam và nhà thơ - soạn giả Kiên Giang. Cả hai đều được coi là những cây bút “rặc ròng” Nam Bộ.

Lúc này Kiên Giang mới nhìn kỹ, thấy một người vẫn còn nằm ngủ trong chiếc nóp (chằm bằng lá, giống như áo tơi). Đi quanh chiếc nóp một lúc, Kiên Giang đánh bạo đập dậy “Ông ơi, tui nghe nói ông vừa tới đây, tui cũng là người làm thơ. Xin chào mừng ông!”.

Ổng dậy, dụi mắt nhìn cậu học trò thiếu niên. Câu đầu tiên của nhà thơ là “Có thuốc không ?”. Thời may, Kiên Giang cũng mới tập tành hút thuốc. Trong túi có bao Cotab còn sót lại hai điếu. Sau khi “phê” hết cả hai điếu thuốc, Nguyễn Bính xé vỏ bao thuốc lá và ghi liền vào đó 4 câu thơ tặng người bạn mới: Có những dòng sông chảy rất mau/ Nhớ chi nghĩa bến với duyên cầu/ Lá vàng hoa đỏ trôi không kịp/ Lưu lạc ai ngờ lại gặp nhau

Kiên Giang thỏ thẻ mời nhà thơ đi thưởng thức cà phê Quảng Phát - ngay chợ Rạch Giá, gần tiệm thuốc tây Nguyễn Khoa Dai. Khi Kiên Giang hỏi sao nhà thơ không ở nhà ông Ng.Đ.Lý nữa ? Nguyễn Bính cười buồn bảo rằng tại bà vợ ông này đẹp quá, mái tóc xõa dài cứ nằm trên võng ngâm thơ… Nguyễn Bính! Ông chồng phát ghen, có cử chỉ sao đó nên Nguyễn Bính buồn, bỏ ra ngoài đình ngủ.

Kiên Giang sực nhớ cách đó không xa có căn nhà bỏ trống của một người coi giữ sân banh (sân bóng đá), nên đã cùng Nguyễn Bính đi tìm người này điều đình để nhà thơ có chỗ trú thân… Nguyễn Bính đặt tên “giang sơn” của mình là “Mộc Kiều Trang”.

Trộm mắm… tiếp tế thầy

Dạo đó, bà mẹ của Kiên Giang làm nghề bán mắm cá đồng trong nhà lồng chợ Cầu Cất (Rạch Giá). Bà không thể ngờ rằng cậu quý tử vẫn rình mỗi lần bà rời khỏi quầy là thọc tay vào “thó” mấy đồng để mua thức ăn, gạo thì xúc ở nhà để “tiếp tế” cho ông thầy.

Nguyễn Bính không biết ăn mắm như dân Nam Bộ, nhưng rượu đế thì…uống tì tì ! Khi chỗ ở đã tạm ổn định, Nguyễn Bính viết mấy câu thơ dán trước cửa: Từ dạo về đây sống rất nghèo/Bạn bè chỉ có gió trăng theo/Những phường phú quý xin đừng đến/Hãy để thầm ta xanh sắc rêu.

Chữ Nguyễn Bính rất đẹp, ông thường chép lại những bài thơ cũ của mình dán đầy lên vách: Ở đây ngày lại qua ngày/ Nhà không mở cửa mưa đầy tuần trăng, rồi bài Nụ cười Bao Tự (Kiên Giang không còn nhớ), hoặc bài Những người của ngày mai (nhớ lỏm bỏm): Quê các anh ở miền Bắc xa xôi/ Bước chân đi đã biết mấy năm rồi/ Xa chiếc cầu ao, xa mái rạ/ Cô gái làng gội tóc nước hương nhu…Quê anh ở miền Trung bát ngát/ Bãi cát vàng bờ biển uốn quanh co….

Dưới mái Kiều Mộc Trang chỉ có hai thầy trò nhưng mỗi bữa ăn thường kéo dài hai, ba tiếng. Vừa ăn vừa đàm đạo chuyện văn chương, chuyện kháng chiến…

Bài thơ Tiền và lá của Kiên Giang cũng được sáng tác trong dịp này (cho nên văn phong cũng bị ảnh hưởng Nguyễn Bính ít nhiều - NV). Trò đọc cho thầy nghe, thầy khen nhưng sửa lại vài chỗ, như ở câu Tiền không là lá em ơi/ Tiền là giấy bạc của đời phồn hoa, ổng sửa lại Tiền là giấy bạc của đời in ra, rồi ở câu cuối Chợ đời họp một mình tôi. Phiên chiều được sửa là Chợ đời họp một mình tôi vui gì...

Tình nghĩa thầy trò ở Mộc Kiều Trang chỉ kéo dài mấy tháng, khi Kiên Giang trở về xóm Xẻo Đước (làng Đông Thái) chở lúa gạo cho gia đình cũng là lúc phong trào “Nam kỳ tự trị” của Nguyễn Văn Thinh đang lúc cao trào, họ tuyên truyền “Đả đảo Bắc kỳ” một cách quá khích. Mấy ngày sau, khi Kiên Giang trở lại Rạch Giá thì hay tin Nguyễn Bính bị bắt giam ở bót Giếng Nước, ông có mua xôi và gói thuốc lá hiệu Mélia tiếp tế cho thầy.

Khoảng nửa tháng sau Nguyễn Bính được thả, ông buồn rầu nói với Kiên Giang: “Chắc là anh phải xa em thôi.”. Rồi Nguyễn Bính âm thầm vào chiến khu. Ít lâu sau, Kiên Giang nghe nói Nguyễn Bính đang là Chủ tịch Hội Văn nghệ Cứu quốc tỉnh Rạch Giá. Lần gặp cuối cùng giữa hai thầy trò là ở xóm Nước Trong (Khu 9), Kiên Giang đãi thầy một bữa thịt gà, do mình “cải thiện” được !

Năm 1956, Kiên Giang lên Sài Gòn làm “thầy cò” (sửa mo-rát) cho báo Tiếng Chuông, hàng xóm có một “ông cò” thứ thiệt (cảnh sát) hay hoạch họe. Tức mình, Kiên Giang cũng dán bài thơ của Nguyễn Bính trước cổng: Từ dạo về đây sống rất nghèo/ Bạn bè chỉ có gió trăng theo và chữa lại: Những thằng bất nghĩa xin đừng đến/ Hãy để thềm ta xanh sắc rêu

Khoảng năm 1960, khi đang làm báo Tia Sáng ở Sài Gòn, Kiên Giang có gặp bà Hồng Châu (vợ Nguyễn Bính) mừng mừng tủi tủi, nhưng lúc đó cả hai cùng nghèo, cám cảnh nhưng không giúp đỡ gì cho vợ của cố nhân. Có điều an ủi là Tết Bính Ngọ (1966), khi được tin Nguyễn Bính mất, Kiên Giang có thực hiện một chương trình tưởng niệm nhà thơ Nguyễn Bính trên tuần báo Văn Nghệ của Trần Chi Lăng và trên Đài phát thanh Sài Gòn trong chương trình của Thi văn đoàn Mây Tần do chính Kiên Giang làm trưởng đoàn.

Trong những vở tuồng thành công của Kiên Giang, nổi tiếng nhất là hai vở Người vợ không bao giờ cướiÁo cưới trước cổng chùa

Người vợ không bao giờ cưới (còn được gọi là Sơn nữ Phà Ca), là câu chuyện tình của một chàng trai miền xuôi tên Mộng Long cùng cô sơn nữ Phà Ca... Mấy mươi năm trước “Sơn nữ Phà Ca” từng là vai diễn để đời của “Sầu nữ” Út Bạch Lan. Đây cũng là vai diễn đã đưa cô đào trẻ Thanh Nga lên ngai “Nữ hoàng Sân khấu” khi cô đoạt giải Thanh Tâm vào năm 1958, mở đầu cho một sự nghiệp chói lọi sau này.

Áo cưới trước cổng chùa cũng là một tuyệt tác đậm chất thơ của Kiên Giang. Vở tuồng viết về ngôi chùa Phù Dung ở quê hương ông. Hiện nay, bên cạnh ngôi chùa hiện vẫn còn ngôi mộ của một người phụ nữ tên là Dì Tự, người được cho là thứ thiếp của tổng trấn Hà Tiên Mạc Thiên Tích. Xuân Tự là một trong những vai diễn ấn tượng của Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga. (Lệ Thủy cũng từng tỏa sáng với vai Xuân Tự tại đoàn 2.84).

Hà Đình Nguyên

>> Nhà thơ Kiên Giang: Con tàu thơ đã đến trạm cuối cùng 
>> Nhà thơ Kiên Giang từ trần
>> Những bóng hồng trong đời thơ Nguyễn Bính: “Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy…”
>> Những bóng hồng trong đời thơ Nguyễn Bính
>> Mùa màng một đời thơ
>> Đời thơ Hàn Mặc Tử vẫn còn long đong
>> Hoa trái trong đời - thơ Lê Minh Quốc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.