Nhà thơ Kiên Giang - Kỳ 3: Duyên nghiệp cải lương

03/11/2014 06:45 GMT+7

(TNO) Nhà thơ Kiên Giang với tập thơ Hoa trắng thôi cài trên áo tím làm say đắm biết bao trái tim độc giả, nhưng không ngờ ông rẽ sang cải lương một cách ngoạn mục. Ông để lại khá nhiều vở, trong đó có hai vở gắn liền với những tên tuổi lớn như: Thanh Nga, Hữu Phước, Út Bạch Lan, Lệ Thủy, Thanh Nguyệt…

>> Nhà thơ Kiên Giang - Kỳ 2: Tầm sư… Nguyễn Bính
>> Nhà thơ Kiên Giang - Kỳ 1: Chuyện 'Hoa trắng thôi cài' và hai đoạn kết

NSND Lệ Thủy (vai Xuân Tự), nghệ sĩ Thanh Nguyệt (vai bà mẹ), nghệ sĩ Tô Kim Hồng (vai Phương Thành) trong trích đoạn Áo cưới trước cổng chùa, live show Tâm Từ Bi của Lệ Thủy-Đình Trí - Ảnh: H.Kim
Từ trái qua, NSND Lệ Thủy (vai Xuân Tự), nghệ sĩ Thanh Nguyệt (vai bà mẹ), nghệ sĩ Tô Kim Hồng (vai Phương Thành) trong trích đoạn Áo cưới trước cổng chùa, live show Tâm Từ Bi của Lệ Thủy - Đình Trí - Ảnh: H.Kim 

Thanh Nga với sơn nữ Phà Ca

Vở Người vợ không bao giờ cưới của nhà thơ Kiên Giang xuất hiện đầu tiên trên sân khấu của đoàn Tiếng Chuông do cặp đào kép Hùng Minh - Bích Sơn thủ vai chính, nhưng hình như tiếng vang không được bao nhiêu.

Đến khi bà bầu Thơ mang vở về đoàn Thanh Minh dựng lại thì tạo nên một cơn lốc mạnh mẽ bất ngờ và đưa tên tuổi Thanh Nga lên đỉnh cao với giải Thanh Tâm. Phải nói rõ, đoàn Thanh Minh lúc ấy chỉ gọi là Thanh Minh thôi, tên này do ông Năm Nghĩa, cha dượng của Thanh Nga khai sáng đoàn hát và đặt tên như thế. Sau khi Thanh Nga đoạt giải Thanh Tâm với vở Người vợ không bao giờ cưới thì bà bầu Thơ mới đổi tên đoàn lại là Thanh Minh - Thanh Nga.

Khi Người vợ không bao giờ cưới được dàn dựng, đoàn đã có Hữu Phước vai kép chính (Kiểu Mộng Long), Út Bạch Lan vai đào chính (Phà Ca), còn dàn bao thì có cô Kim Cúc (vợ của nghệ sĩ Năm Châu), Hoàng Giang (kép độc nổi tiếng, sau này làm nên dấu ấn với nhân vật Tào Quyên trong vở Tiếng trống Mê Linh)… Với dàn nghệ sĩ cỡ đó thì kịch bản được thăng hoa hơn hẳn.

Thanh Nga lúc ấy mới 16 tuổi, cho nên đoàn hát chỉ cho đóng kèm chia vai với Út Bạch Lan. Vai Phà Ca do Thanh Nga đóng đoạn đầu, còn Út Bạch Lan đóng đoạn sau. Nhưng không ngờ Thanh Nga đóng quá hay, ngay hôm sau báo Tiếng Dội lập tức có bài khen ngợi của ký giả kịch trường Trần Tấn Quốc. Và có thể từ chuyện này mà ông Trần Tấn Quốc nghĩ ra giải Thanh Tâm (lấy theo bút danh của ông).

Giải Thanh Tâm lần đầu tiên năm 1958 đã trao cho Thanh Nga 16 tuổi vai sơn nữ Phà Ca trong vở Người vợ không bao giờ cưới của Kiên Giang.

Điểm nhấn mà nhà báo Trần Tấn Quốc nói tới trong bài viết của mình là Thanh Nga “diễn như kịch” trong khi Hữu Phước diễn “cải lương”.

Thanh Nga diễn sao mà báo chí ca ngợi là “rất kịch”? Cô diễn chân thật, nhẹ nhàng, đúng cảm xúc của mình, không cần cường điệu. Giọng nói run run, có khi lại tỉnh như không có chuyện gì, nhưng lại chở nặng nội tâm nhân vật, một cô gái nhìn người yêu đi lấy vợ vì nghĩa vụ với cha, vì trách nhiệm với non sông đất nước, thì cô phải tan nát cõi lòng. Đau khổ mà không dám lộ ra, sợ người yêu thối chí. Thế là bao nhiêu dồn nén để làm nên những câu thoại… Thanh Nga được thăng hoa từ đêm đó.

Áo cưới trước cổng chùa

Kiên Giang có cái duyên lạ với cải lương khi vở Áo cưới trước cổng chùa cũng được đoàn Thanh Minh - Thanh Nga dàn dựng, cũng với dàn nghệ sĩ hùng hậu như trên, và nghệ sĩ Thanh Nga đóng vai nàng Xuân Tự. Tuy nhiên, sau khi Thanh Nga mất đi thì vở diễn ít được thế hệ sau biết đến, mà khán giả lớp mới lại ấn tượng mạnh nhất với dàn nghệ sĩ mới như Lệ Thủy, Thanh Tòng, Thanh Nguyệt, Thoại Miêu, Thanh Vy, Tô Kim Hồng… vì năm 1989 đoàn cải lương 284 dàn dựng lại và cho phát trên sóng truyền hình sau khi đã biểu diễn ăn khách suốt mấy năm trời.

Nghệ sĩ Lệ Thủy đóng vai nàng Xuân Tự, vì bị người vợ lớn của tổng trấn Mạc Thiên Tứ ganh ghét tài lẫn sắc, nên nhân lúc ông đi vắng đã hãm hại nàng suýt chết. May sao ông về kịp, đã giải thoát cho nàng, nhưng nàng xin ông cho nàng được đi xuất gia tu Phật. Ông đau lòng chấp nhận, và cất cho nàng một ngôi chùa nhỏ xinh xắn tên là chùa Phù Dung. Nàng tu ở đó đến khi mất, tổng trấn xây ngôi mộ rất đẹp để tưởng nhớ nàng. Đó là sự tích chùa Phù Dung ở Hà Tiên đã được soạn giả Kiên Giang - Hà Huy Hà viết thành kịch bản cải lương. Đạo diễn lúc ấy là Diệp Lang và Ca Lê Hồng.

Nghệ sĩ Lệ Thủy hồi ấy khoảng 30 tuổi, mặt xinh đẹp duyên dáng, đã nổi tiếng từ trước năm 1975, khán giả ái mộ vô cùng. Bà vô vai Xuân Tự với số phận đau khổ truân chuyên khiến người xem khóc hết nước mắt. Đóng kép với bà là NSND Thanh Tòng vai tổng trấn Mạc Thiên Tứ. Nhưng nghệ sĩ Thanh Nguyệt đóng vai bà mẹ mù của Xuân Tự mới làm khán giả cảm động hơn hết. Bởi tình mẹ con của hai người phải chịu chia lìa oan trái. Thanh Nguyệt từng đoạt giải Thanh Tâm năm 1965, là cô đào vang bóng một thời, được đoàn Kim Chưởng rồi đến Kim Chung mời về hát với thù lao rất cao.

Thanh Nguyệt ca hay, diễn giỏi, đặc biệt gương mặt rất đẹp. Khi diễn vở Áo cưới trước cổng chùa, bà nói: “Tôi đã khóc từ khi đọc kịch bản. Hay từ nội dung cho tới lời thoại. Thế hệ soạn giả như anh Kiên Giang, anh Thế Châu, Hà Triều, Hoa Phượng viết câu nào cũng đầy chất văn học, đọc mà thấm, mà ngọt ngào. Khi lên sàn tập, chúng tôi không ai dám sửa một chữ nào của mấy anh. Thế hệ chúng tôi dù ai có là “sao” gì đi nữa cũng phải tôn trọng từng lời từng chữ của soạn giả. Tất nhiên lớp soạn giả ấy cũng quá giỏi, đáng cho chúng tôi học tập. Hồi đó, gọi là “thầy tuồng” là mang ý nghĩa “thầy” đáng cho mình học hỏi, chứ không đơn thuần chỉ là soạn giả ngồi viết kịch bản”.

Mới đây, trong live show của NSND Lệ Thủy và con trai Đình Trí, có dựng lại trích đoạn Áo cưới trước cổng chùa mời đúng Thanh Nguyệt và Tô Kim Hồng về biểu diễn.

Hoàng Kim

>> Nhà thơ Kiên Giang: Con tàu thơ đã đến trạm cuối cùng
>> Nhà thơ Kiên Giang từ trần

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.